16/5/08

Chuyện "trâu" Thái Lan và văn hóa ứng xử của lãnh đạo

Vừa qua, một cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan mất chức vì hay gọi cấp dưới của mình là "trâu". Câu chuyện tưởng chừng buồn cười này thực tế lại ẩn chứa trong nó bài học về nghệ thuật ứng xử của lãnh đạo.

Vị cảnh sát trưởng mất chức đó là Sereepisut Taemeeyaves. Ông vốn là người thân thiện, nhưng thói quen sử dụng từ ngữ không đúng chuẩn mực của ông khiến nhân viên cảm thấy bị miệt thị. Họ không hề nhớ đến những lúc ông mua súp mời cấp dưới, mà chỉ nhớ tới những lúc ông gọi nhân viên là... "trâu". Sự ức chế đang xóa dần hình ảnh thân thiện, tốt bụng của ông trong đầu họ.

Đối với ông Sereepisut việc gọi nhân viên là "trâu" chỉ là quen mồm, là "chuyện thường". Sai lầm lớn nhất của ông là tin rằng, khi mình gọi nhân viên là "trâu" có khi họ còn thích.

Trên đời này, không ai thích người khác gọi mình là "thằng ngu" trừ phi đó là sự tự thừa nhận để thay đổi và tự vấn lại bản thân. Và lẽ dĩ nhiên, không ai thích bị người khác nói năng thô lỗ với mình. "Gậy ông đập lưng ông" - ngài cảnh sát trưởng mắc họa vì chính lời lẽ của mình. Chính vì thế, dù không mắc sai phạm về mặt quản lý, song chính phủ Thái Lan vẫn mạnh tay điều chuyển công tác của ông vì "hành vi ngôn ngữ thiếu văn minh". Thậm chí, cuộc điều tra vi phạm kỷ luật cũng sắp xảy đến với ông.

Chuẩn mực ngôn ngữ và cái uy của lãnh đạo

Quát mắng nhân viên là một biểu hiện của sự lạm dụng quyền lực. Không những vậy, có lúc nó chỉ là phép thắng thế về tinh thần đối với những người thích ra oai, muốn người khác phải khuất phục mình. Lãnh đạo cần tạo ra cái uy hơn là ra oai không phải lúc. Nếu ra uy bằng cách thét nạt, quát tháo người khác, sai lầm đó sẽ phá hủy môi trường làm việc hợp tác giữa nhân viên và lãnh đạo.

Hơn hết, dù là lãnh đạo cấp nào đi chăng nữa, nhiệm vụ của người đứng đầu là giải tỏa chứ không phải là gây áp lực với nhân viên. Trước khi khiển trách một ai đó, điều quan trọng nhất là cần đặt bản thân vào vị trí của đối phương để xem họ sẽ cảm thấy thế nào khi nhận một sự chỉ trích, thậm chí trách mắng cay nghiệt từ bạn. Nếu như nhân viên thực sự mắc lỗi, cách cư xử "hiệu quả" nhất là bao dung với lỗi lầm của họ. Đó không phải là sự dung túng, mà là một cách khuyến khích để họ phấn đấu hơn.

Còn nhớ, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”.

Người cũng nhắc nhở cán bộ trong việc giao tiếp với nhân dân: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta". Thậm chí với những người đã từng mắc sai lầm về mặt chính trị, Người căn dặn: “Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”.

Sự khoan dung và cái uy của lãnh đạo không chỉ thể hiện ở hành động, mà còn hiển hiện ở ngay trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ứng xử ngôn ngữ thiếu chuẩn mực đôi khi vô tình tạo nên một hình ảnh một vị lãnh đạo thô kệch. Đó là kiểu ứng xử phản tác dụng sẽ khiến nhân viên xa lánh bạn. Hãy làm sao để khi bạn ra đi, nhân viên sẽ tiếc nuối và muốn níu giữ bạn. Lời lẽ đao to búa lớn sẽ chỉ là chiếc thùng rỗng nếu như bạn muốn chứng tỏ ta đây.

Nguyễn Dung

Nguồn: lanhdao.net




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét