31/7/11

Chuỗi cung ứng và hệ lụy đối với công nghiệp hóa

(VEF.VN) - Toàn cầu hóa, mà biểu hiện của nó là các chuỗi cung ứng đem lại những mô hình kinh tế mới và tác động mạnh đến công nghiệp hóa (CNH) trong các nước đang phát triển. Các nước này bị bối rối vì CNH thì bế tắc nhưng chưa từ bỏ được do chưa tìm ra mô hình phát triển mới.

Nếu chần chừ lâu trong thế lưỡng nan này, họ có thể vừa thất bại trong CNH, vừa không bước kịp lên đoàn tàu kinh tế của thế giới.

Công nghiệp hóa

CNH xảy ra một phát triển tự nhiên ở Anh, Đức, Pháp, Mỹ... Nhưng khoảng sau thế chiến thứ 2, nhiều nước đã đưa ra các chính sách công nghiệp (industrial policy) để chủ động phát triển công nghiệp với "bàn tay hữu hình" (visible hand) của nhà nước. Các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, coi CNH là mô hình phát triển tất yếu cho tất cả các nước. Nhiều nước áp dụng CNH mà không còn biết lý do nguyên thủy của nó và các yếu tố đã sinh ra nó và để nó hoạt động được. Bối cảnh mới đòi hỏi phải xem lại những yếu tố điều kiện cho CNH còn, mất, thay đổi thế nào và thoát ra khỏi tư duy "đường mòn", giáo điều, để thực sự tìm ra mô hình phát triển thích hợp.

CNH ở các nền kinh tế tập trung có những đặc trưng như: - Dựa vào vốn, coi vốn và tích lũy vốn là yếu tố chính trong CNH; - Lao động ở đây là lao động giản đơn, dựa trên sức lao động chứ chưa phải dựa trên tri thức; - Coi công nghiệp nặng là tất yếu và điều kiện tiền đề;

- Chú trọng tới tính cân đối quốc gia và khả năng tự lập của nền kinh tế, vv.

Trong bối cảnh lúc đó, nhà nước chủ động CNH nhờ sở hữu các ngành công nghiệp quan trọng, nắm hoàn toàn thị trường trong nước, bảo hộ thị trường nội địa, các mệnh lệnh hành chính..v..v.

Cạnh tranh giữa các nước dần được thay thế bằng cạnh tranh giữa các chuỗi cung ứng.

CNH ở các nước này dựa vào phát triển tất cả các ngành của nền kinh tế theo chiều dọc (vertical development) với tất cả công đoạn từ thiết kế, khai thác, sơ chế, sản xuất, kho vận, tiếp thị, bán hàng trong nước hay xuất khẩu. Điều này tạo ra một nền kinh tế có tính cân đối giữa các ngành (industies, sectors),độc lập, ít phụ thuộc bên ngoài. Với sự tập quyền cao, nhà nước có thể duy trì, cân đối được một nền kinh tế dựa trên nguyên nhiên, vật liệu, nhà sản xuất, người tiêu dùng... thuần túy từ các yếu tố nội địa (và người tiêu dùng cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài các sản phẩm này).

Các chuỗi cung ứng toàn cầu

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, sự mở cửa hầu hết các thị trường với những định chế mới, sự bùng nổ các ứng dụng của công nghệ thông tin đã đem lại cho sản xuất - kinh doanh trên quy mô toàn cầu lợi nhuận vượt trội. Các quy trình, công đoạn sản xuất - kinh doanh của mọi sản phẩm, dịch vụ được thiết kế để trở nên vô cùng "lỏng lẻo", như những modules có thể tháo ra, lắp vào, ghép đoạn nọ với đoạn kia ở các lục địa khác nhau một cách dễ dàng, chứ không còn nằm trong một nước hay trong một công ty nữa.

Các công ty đa quốc gia ồ ạt cầu trúc lại tổ chức - hoạt động của mình trên bình diện toàn cầu, phần để tối ưu hóa quá trình sản xuất - kinh doanh, phần để chiếm thị trường nước ngoài. Một quá trình toàn cầu hóa sâu rộng diễn ra và kéo hầu hết các nước vào vòng xoáy của nó. Một quá trình tái thiết kế quy trình sản xuất - kinh doanh (hay chuỗi cung ứng) của toàn bộ các sản phẩm trên thế giới đã xảy ra. Người ta nói đến việc "vẽ" lại bản đồ công nghiệp của thế giới. Các chuỗi cung ứng trải rộng trên thế giới, xuyên qua các quốc gia, châu lục, như những lát cắt xẻ dọc các đường biên... Cạnh tranh giữa các nước dần được thay thế bằng cạnh tranh giữa các chuỗi cung ứng. Nhiều chuỗi cung ứng có "GDP" lớn hơn một số quốc gia phát triển.

Chuỗi cung ứng và hệ lụy đối với CNH ở các nước đang phát triển

Ngày nay, nhà nước thấy không nên (và cũng không thể) nắm độc quyền kinh tế. Họ không còn toàn quyền lực về sản xuất - kinh doanh, điều tiết thị trường, sở hữu, dòng vốn... Vì các tối ưu lấy từ phạm vi một nước không thể bằng các tối ưu trên quy mô thế giới nên các sản phẩm của nước "đóng cửa" sẽ không cạnh tranh nổi với sản phẩm của các chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Khi mở cửa thị trường (điều không tránh khỏi), họ sẽ không bán được sản phẩm ngay ở nội thị. Các liên kết (linkages) giữa các bên tham gia thị trường là do mệnh lệnh mà có nên không còn mang tính ràng buộc bởi giá trị thực: mọi tương hỗ giá trị đã bị "méo mó" (distorted). Liên kết giữa khâu sản xuất với khâu kinh doanh trở nên "lỏng lẻo" hơn mối liên kết giữa các khâu này với chuỗi cung ứng bên ngoài. Các nhà sản xuất không thiết lập, chăm sóc các bên cung ứng nội địa (domestic suppliers), ví dụ nhà nông, và không thể trả giá cao hơn các chuỗi cung ứng bên ngoài nên không mua được nguyên vật liệu từ họ.

Chuỗi cung ứng bên ngoài với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao hơn, kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng chuyên nghiệp hơn nên sẽ chịu trả giá cao hơn cho nguyên vật liệu. Kết quả là: các chuỗi cung ứng nội địa đã bị "xé lẻ" bởi các chuỗi cung ứng nước ngoài. Hội nhập hay không trở thành tiêu chí quan trọng tạo ra sự khác biệt đáng kể về kinh tế giữa các các nước. Thuật ngữ "nhà nước quốc gia" (nation states) của Thomas Friedman xuất hiện phần nào từ bối cảnh này.

Các chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng tìm ra trên thế giới các công đoạn tốt hơn, rẻ hơn để ghép vào chuỗi của mình. Chuỗi cung ứng sẽ thuê làm các công đoạn (out-sourcing, thuê khoán ngoài) để sản phẩm của họ được rẻ nhất, tối đa lợi nhuận. Dù ta muốn hay không, các chuỗi cung ứng mạnh sẽ mua, thuê các công đoạn (hay nguyên liệu) rẻ nhất của ta. Lúc này, mọi doanh nghiệp, tư nhân hay nhà nước, sẽ chọn "bán" công đoạn cho nơi trả cao nhất.

Ta không làm trọn một sản phẩm (như đến nay vẫn làm) mà chỉ làm được một (vài) công đoạn mà ta làm tốt nhất.

Việc các tập đoàn kinh tế nhà nước, mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực béo bở nhưng không được nhà nước giao là ví dụ cụ thể. Các ưu đãi về CNH không thể đem lại lợi nhuận bằng đầu tư nước ngoài (FDI). Luật Doanh nghiệp không ngăn họ chọn lợi nhuận. Các ưu tiên về đất đai, vốn, cơ sỏ sản xuất,... cho những dự án CNH sẽ trở nên lãng phí và doanh nghiệp sẽ dùng cho việc tạo ra lợi nhuận cho riêng họ. Các hàng rào thuế nhập khẩu cao nhằm bảo hộ tnhà sản xuất nội địa, ôtô chẳng hạn, sẽ "nuôi béo" đầu tiên các doanh nghiệp FDI nước ngoài. Ngay cả khi nhà nước đầu tư xây nhà máy, mua công nghệ cho chương trình CNH thì doanh nghiệp cũng sẽ dùng các đầu tư này theo cách có lợi cho họ.

Việc mở rộng các chuỗi cung ứng ngoại chủ yếu là phát triển theo chiều ngang (horizontal development), tức là: không thêm các công đoạn vào chuỗi giá trị mà chỉ mở thêm cơ sở sản xuất hay tăng số lượng nhà cung ứng. Chỉ phát triển theo chiều ngang làm các nước không thiết lập được các ngành công nghiệp hoàn chỉnh như mục tiêu của CNH.

Ngoài ra, thay vì các ngành có mối liên kết, cân đối hợp lý với nhau, họ lại chỉ có những cơ sở kinh tế "lỗ chỗ", không đồng bộ, thậm chí không phải của mình, mà lại gắn với các chuỗi cung ứng bên ngoài. Kết quả ngành công nghiệp ôtô, thép, xi măng, thép, điện tử,... ở ta cho thấy rõ điều này. Hơn thế nữa, khoa học - công nghệ, đoạn đầu của chuỗi cung ứng và cái gốc của năng suất lao động, không thể được hoạch định, đầu tư thích đáng. Hậu quả điều này không nhãn tiền, nhưng sau 10-15 năm thì có muốn làm cũng đã lỡ.

Nhìn nhận các mô hình phát triển

Vậy cần mô hình phát triển nào? Đây là thách thức lớn với các nước đang phát triển, nhất là những nước cứng nhắc, không thích ứng kịp với biến đổi. Kinh tế thế giới đang trong quá trình Tái-Định-Hình. Đang có sự Chuyển-Đổi-Mô-Thức lớn về phát triển (paradigm shift). Các nước nhỏ đang phải tự mình tìm đường chứ không thể theo những bài học giáo điều như trước.

Toàn cầu hóa, công nghệ không chờ những người bảo thủ và sơ cứng, nhưng cũng mở ra những mô hình phát triển và cơ hội mới cho số đông nhân loại. Nếu tri kỷ, tri nhân và tri thời, người ta sẽ ít bị ràng buộc hơn vào những điều (tưởng như) bẩm sinh: tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, thậm chí phần nào cả bản ngã nữa. Con người có thêm quyền năng trong việc lựa chọn vận mệnh cho mình.

Trước hết, cần sớm chuyển nền kinh tế sang "chế độ an toàn" (Safe Mode) để duy trì tối thiểu. Chuyển từ định hướng tăng trưởng (kèm với nguy cơ đổ vỡ cao) sang nền kinh tế đủ dùng, tự cung cấp đủ (với tính khả thi cao).

Những nguồn lực dôi ra sau khi đã thu xếp đủ dùng sẽ được bố trí làm cho những chuỗi giá trị cao nhất có thể mà mình làm được. Phải biết mình làm công đoạn nào tốt? công đoạn đó có ở chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nào? để làm được ta cần học việc thế nào? cách nào để tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đó,..v..v. Ta có thể làm các chuỗi giá trị mới, dùng các nguyên vật liệu không phải do "nhà trồng", làm ra các sản phẩm còn xa lạ... Ta không làm những gì ta dùng, mà thế giới cần (với giá cao). Chắc là ta không làm trọn một sản phẩm (như đến nay vẫn làm) mà chỉ làm được một (vài) công đoạn mà ta làm tốt nhất.

Với tư duy logic khá, ta có lợi thế khi làm các công đoạn thâm dụng tri thức, nhiều tính toán, lập trình, phân tích-tổng hợp, kỹ năng thiết kế đơn giản, nhiều tính sáng tạo, sự nhanh trí,... Tỷ lệ giữa người làm nông nghiệp với số người phi nông nghiệp, giữa sản xuất vật chất với khối dịch vụ sẽ có thể không "cân đối" trong phạm vi quốc gia vì họ đã đã "gắn" vào các chuỗi cung ứng bên ngoài (mặc dù vẫn ở Việt Nam).

Tất cả những việc trên sẽ có hiệu quả nhất nếu được điều hành bởi nhà nước, đặc biệt trong việc kết hợp chuỗi cung ứng với phát triển vùng, tạo dựng các chùm (clusters) công nghiệp, công nghệ với tính tương tác cao. Việc sản xuất, gia công thuê khoán ngoài (Business Process Outsourcing, BPO) chủ yếu do các công ty tiến hành.

Nhưng ở nhiều nước phát triển, nhà nước phối hợp rất hiệu quả với tư nhân trong việc làm thuê khoán các công đoạn thâm dụng tri thức (Knowledge Process Outsourcing, KPO). Nếu bàn tay "hữu hình" không điều phối được thì chỉ xin không can thiệp, mà tạo hành lang pháp lý vị thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô là đủ.

Cơn bão thực ra mới chỉ bắt đầu. Theo C. Fiorina, nguyên CEO của HP, đây chỉ là "Kết-Thúc của Sự-Bắt-Đầu. Nhân loại đang đi vào Sự-Kiện-Chính khi mà Công-Nghệ thực sự thay đổi mọi phương thức của Nhà-Nước, Xã-Hội và Cuộc-Sống".

Để tìm ra mô hình mới, thứ nhất cần Đổi Mới-Sáng Tạo. Thứ hai, nhưng lại là trước hết, cần đoạn tuyệt với những quan niệm giáo điều, không còn phù hợp, hay như J. Keynes nói "Cái khó không phải là có ý tưởng mới, mà là thoát ra khỏi tư duy cũ". Nhưng, cả hai đều do chính chúng ta.

_______________________

http://vef.vn/2011-07-22-chuoi-cung-ung-va-he-luy-doi-voi-cong-nghiep-hoa

(*) - Tác giả công tác tại Viện Chiến lược - Chính sách Khoa học - công nghệ, email: dtphong@most.gov.vn

Tan vỡ chuỗi cung ứng: Tử huyệt của nền kinh tế

(VEF.VN) - Cho đến nay, ở Việt Nam, cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng vẫn chưa được áp dụng một cách có hệ thống trong quản lý kinh tế của nhà nước cũng như trong hoạch định chiến lược kinh doanh của tư nhân.

LTS: Sau loạt bài viết liên quan đến việc thương nhân Trung Quốc ồ ạt sang mua hàng nông sản Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet xin giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Thế Phong (dtphong@most.gov.vn), công tác tại Bộ Khoa học - Công nghệ, với cách tiếp cận rộng hơn, có chiều sâu về chuỗi cung ứng ở Việt Nam - lâu nay vẫn là điểm yếu của nền kinh tế.

Trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết này. Mọi ý kiến tranh luận xin gửi về vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới. Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp với tác giả qua email trên. Xin cảm ơn.

Cách tiếp cận chuỗi cung ứng một mặt giúp làm ăn hiệu quả hơn; mặt khác, giúp các doanh nghiệp nhỏ, nhà nước yếu tìm ra chỗ đứng tối ưu cho mình để tồn tại trong thị trường khu vực và toàn cầu. Cho đến nay, ở Việt Nam, cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng vẫn chưa được áp dụng một cách có hệ thống trong quản lý kinh tế của nhà nước cũng như trong hoạch định chiến lược kinh doanh của tư nhân.

Điều này đã, đang và sẽ gây những phá sản lớn về kinh tế, kinh doanh, đặc biệt trong thị trường mở và toàn cầu hóa.

Bài này quan tâm đến sự tan vỡ hiện nay của chuỗi cung ứng trong công nghiệp sản xuất - chế biến Việt Nam - trái tim của công nghiệp hóa.

Trước đây, các ngành sản xuất - chế biến Việt Nam bị chặn ở đầu ra do không bán, xuất khẩu được sản phẩm, chủ yếu do giá thành quá cao so với thị trường, ví dụ trong công nghiệp ôtô, điện tử,..v..v.. Gần đây, các ngành sản xuất - chế biến Việt Nam lại bị chặn thêm ở đầu vào vì mua không được nguyên liệu trong nước, ví dụ chế biến thủy sản, rau hoa quả, hạt tiêu,..v..v.

Việc khâu sản xuất Việt bị "cắt đứt" khỏi nguồn nguyên liệu Việt chứng tỏ mối liên kết giữa các bên tham gia là yếu.

Hiện tượng và phân tích

Không mua được nguyên vật liệu cho sản xuất có nghĩa khâu sản xuất không có mới liên kết với khâu nguyên vật liệu, tức là đã bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng. Có thể kể ra vài nguyên nhân tiêu biểu cho tình trạng này. Trong chuỗi cung ứng của các thị trường lành mạnh, có một (hay một số) công ty mạnh, chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng. Đây có thể là công ty sản xuất hay thương mại. Các công ty này thường đưa ra cơ chế, quy định, "luật chơi" cho cơ chế liên kết, thông tin, hoạt động trong chuỗi cung ứng đó, ví dụ các hệ tiêu chuẩn kỹ thuật, các chuẩn về kế toán, đánh giá, giao nhận (ví dụ các công ty phần mềm Mỹ hay dùng hệ chuẩn CMM - Capability Maturity Model). Việc thống nhất cơ chế hoạt động giúp chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả hơn.

Việc khâu sản xuất Việt bị "cắt đứt" khỏi nguồn nguyên liệu Việt chứng tỏ mối liên kết giữa các bên tham gia là yếu. Công ty Trung Quốc thu mua được nguyên liệu của nhà nông Việt chứng tỏ nhà nông Việt đã có liên kết chặt chẽ hơn với khâu sản xuất trong chuỗi cung ứng Trung Quốc. Các nguyên liệu Việt được chế biến, gia công ở công ty Trung Quốc và có thể xuất khẩu mang nhãn Trung Quốc. Nói cách khác: nhà nông Việt đã dần thành nhà cung cấp (supplier) trong chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Toàn cầu hóa và sự thống trị của các chuỗi cung ứng mạnh sẽ phá vỡ, xé lẻ các chuỗi cung ứng yếu. Đây là điều tất yếu. Ở đây, các chuỗi cung ứng mạnh của Trung Quốc đang dần cắt đứt nguồn nguyên liệu khỏi khâu sản xuất của các chuỗi cung ứng Việt. Họ thu hút vào chuỗi cung ứng của mình các công đoạn rẻ nhất, hay mang tính cạnh tranh nhất. Họ thu mua nguyên liệu nhiều hơn thuê khoán ta gia công chứng tỏ giá nguyên liệu của ta "rẻ" hơn giá ta gia công sản xuất.

Trong chiến lược quốc gia hay doanh nghiệp, ta vẫn "chê" khâu gia công, làm thuê khoán ngoài, mà muốn sản xuất toàn sản phẩm như trong công nghiệp ôtô, đóng tàu, săt thép, điện tử, chip, công nghệ cao,..v..v. Nhìn khách quan, thực tế với chút hiểu về kỹ thuật - kinh doanh sẽ thấy: nếu vẫn viển vông, không hoạch định một cách nghiêm túc thì không bao lâu nữa, ngành sản xuất của ta có muốn cũng sẽ không được các chuỗi cung ứng mạnh thuê làm gia công nữa. Hay nói khác, lúc đó, vì sinh kế, ta sẽ phải nhận làm các việc gia công rẻ mạt hơn, với giá trị gia tăng thấp hơn các việc ta có thể làm ngày nay nếu hoạch định tốt.

Có thể có nhiều nguyên nhân cho việc không mua được nguyên liệu.

Một là, cơ chế thị trường chưa phát huy tác dụng nên doanh nghiệp chưa thấy lợi. Cơ chế thị trường yếu, lắm thủ tục nhũng nhiều, gây khó cũng làm cho doanh nghiệp muốn mua cũng khó mua được. Đây có thể là nguyên nhân cho (tưởng như) nghịch lý: ta bán than tiểu ngạch với thuế xuất thấp và nhập khẩu than chính ngạch đắt và thuế nhập cao hơn nhiều hay bán sắn tiểu ngạch nhưng lại nhập đến 70% thức ăn gia súc.

Hai là, nguyên nhân này mới là hệ trọng cho công nghiệp Việt, giá thành cho gia công, sản xuất của chuỗi cung ứng Việt đã cao hơn của các chuỗi cung ứng bên ngoài. Nói cách khác, năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất hay của nền công nghiệp Việt thấp hơn nhiều so với chuỗi cung ứng bên ngoài. Nguyên nhân quan trọng nhất (và đáng sợ nhất) cho năng suất lao động thấp là công nghệ lạc hậu so với công nghệ của chuỗi cung ứng bên ngoài.

Vì sao lại đáng sợ hay là tử huyệt của nền công nghiệp? Vì đầu tư nâng cấp cho công nghệ, cho tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp là rất tốn kém và cần phải được hoạch định, thực hiện một cách tập trung, kiên định, nhất quán trong 3-4 thập kỷ, chứ không thể làm trong 5-10 năm hay chỉ có tiền, giàu tài nguyên là được. Đó là trong bối cảnh của nửa cuối thế kỷ 20 khi các thị trường quốc gia còn chưa mở, các quốc gia còn hầu như làm chủ thị trường nội địa và có thể có các chính sách công nghiệp (industrial policy) khôn khéo loại bỏ cạnh tranh nước ngoài, bảo hộ công nghiệp của mình.

Nhưng nay, nền kinh tế đã mở, bảo hộ nội địa không thực hiện được nữa, nhà nước có hỗ trợ nền công nghiệp ôtô nước nhà thì cũng "nuôi béo" trước hết mấy hãng ôtô nước ngoài. Đấy là chưa nói về sự khó khăn, hạn hẹp để nhận biết, chen chân vào được các ngách cơ hội rất hẹp (hay cơ hội cửa sổ, window opportunities, ví dụ thời gian chuyển thế hệ công nghệ, phát sinh các ngành hay công nghệ mới, khả năng bỏ qua giai đoạn, tận dụng cơ hội địa - chính trị... ). Đây là điểm mấu chốt cho thấy nền công nghiệp không thể thể đứng vững trong thị trường mở nếu không dựa vào khoa học - công nghệ.

Thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua hàng thủy sản (ảnh SGTT)

Người ta có nói đến vì sao các doanh nghiệp Việt không đặt giá cao hơn để mua được nguyên liệu của nhà nông Việt. Đây là điều không thể làm được vì các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ chấp nhận mua giá cao hơn ta. Vì sao họ làm được như vậy? Vì trong khâu sản xuất, với công nghệ tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, họ làm ra giá trị gia tăng cao hơn ta trong cùng một đơn vị sản phẩm.

Do đó, họ có thể dùng phần lợi nhuận lớn hơn đó để tăng giá mua nguyên vật liệu. Giả dụ trong thị trường giả định với nguồn cung nguyên liệu vô hạn, đây là đủ để họ thắng. Nhưng đây lại một thị trường có giới hạn, họ mua thì ta không có nguyên liệu, vì vậy, sau vài mùa thì rất nhiều khả năng loại bỏ luôn được nền sản xuất Việt cạnh tranh với họ.

Các cơ quan quản lý cũng nói đến việc dùng các biện pháp để làm sao doanh nghiệp Việt mua được nguyên liệu như về hành chính - quản lý, vận động, tác động tư tưởng, phi thị trường, như cử người nắm xem Trung Quốc thu mua gì, bao nhiêu, ở đâu, giá thế nào..v..v. Những biện pháp này không có tác dụng trong nền kinh tế thị trường.

Con đường phía trước

Có thể chia ra các việc nên làm ngay, việc trung hạn và việc dài hạn hơn.

Để ngăn ngừa sụp đổ (Crash), việc cần làm ngay là chuyển hoạt động của nền kinh tế sang "chế độ an toàn" (Safe Mode). Điều này tương tự như máy tính đã được mặc định để khi bị lỗi quá nặng, nó sẽ tự chuyển sang chế độ an toàn để duy trì hoạt động tối thiểu và tránh bị tắt"phụt" hay phải đóng hoàn toàn.

Chế độ an toàn cho nền kinh tế Việt bây giờ là: chuyển từ nền kinh tế hướng tới tăng trưởng sang nền kinh tế đủ dùng, tự tại (tự cung cấp đủ). Tức là chuyển từ định hướng tăng trưởng nhưng đi kèm với nguy cơ đổ vỡ cao sang sự duy trì bền vững và với tính khả thi cao. Đây là điều chắc chắn ta đạt được, nếu muốn.

Theo đó, tư nhân và đặc biệt là nhà nước, không đầu tư lớn cho tăng trưởng (cho làm giàu) mà cho an sinh, bảo đảm đời sống cho dân. Tránh những tư duy "ngành kinh tế mũi nhọn", sản phẩm chủ lực,"rượt đuổi, bắt kịp","đi tắt, đón đầu", vv. Chạy theo tăng trưởng ngày nay cũng tựa như tàu đi trên biển khơi đang đắm mà người trên tàu thì lại lo quăng lưới, đánh cá.

Việc trung hạn là: đánh giá, định vị, nhìn nhận cơ hội và hoạch định một cách khách quan và chuyên nghiệp để làm gia công, thuê khoán ngoài một cách có định hướng. Định hướng ở đây là: đi vào các ngành ta có thế mạnh (có thể về kỹ năng bẩm sinh, kỹ năng rèn luyện, điều kiện đặc thù về vị trí, địa lý, thổ nhưỡng, nguyên liệu,..v..v.. ) hay các lĩnh vực để sau này tạo ra các chùm, cụm (Clusters) về công nghệ hay khu vực địa lý có tính năng tương tác với nhau. Định hướng cũng là việc dự kiến về phát triển một số chuỗi cung ứng hay công đoạn nhất định của chuỗi cung ứng phù hợp với điều kiện của ta.

Ngoài ra, nhà nước làm đúng chức năng, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường. Đúng chức năng gồm lãnh nhận các trách nhiệm từ trước làm chưa tốt như quản lý kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định vĩ mô, hoạch định phát triển hạ tầng vật chất và khoa học - công nghệ, định hướng cho ghép nhập các doanh nghiệp Việt vào các chuỗi cung ứng khu vực và thế giới...

Đúng chức năng cũng là: không làm các việc không phải của mình, mình làm không hiệu quả, tác động xấu tới thị trường, làm "méo" các giá trị (distort) như không can thiệp hành chính, mệnh lệnh và phi thị trường vào nền kinh tế, không điều hành sản xuất - kinh doanh (không "làm" kinh tế),.. v..v.

Cái nhìn xa hơn là: chọn mô hình phát triển (với các cơ hội cửa sổ mở đóng rất nhanh về thời gian, hẹp về không gian). Đó là chân nhận, đoạn tuyệt với những quan niệm kinh tế giáo điều, không còn phù hợp bối cảnh hiện tại. Đó cũng là tiếp cận nền kinh tế dựa trên tri thức, nền kinh tế sáng tạo - đổi mới, nền kinh tế dịch vụ.