13/12/10

Đi nước ngoài, Bộ trưởng chỉ thuê phòng bình dân

Một trong những yếu tố làm cho Nhật thành công trong phát triển kinh tế là ở thời đại nào họ cũng có những quan chức đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, luôn tiết kiệm công quỹ trong khi tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác.

Nhân đọc bài "Khi công chức thành tín đồ xuất ngoại", tôi nghĩ đến mấy mẩu chuyện về quan chức Nhật Bản thời trước:

Trong một nước còn nghèo, quan chức khi đi tham quan, công du nước ngoài cần có hành động như thế nào? Có lẽ có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, phải làm cho người nước ngoài kính trọng mình, qua đó thấy khâm phục, quý mến dân tộc mình. Về điểm này, ngoài sự hiểu biết văn hóa tối thiểu của quốc gia mình thăm viếng để ứng xử đúng phong cách, cần phải cho thấy thái độ học hỏi, làm việc nghiêm túc của mình.

Thứ hai, nếu là đi công du, tham quan do ngân sách nhà nước mình phụ đảm thì dĩ nhiên phải tiết kiệm, phải quý từng đồng ngoại tệ để ít phí phạm vào nguồn lực tài chính ít ỏi của đất nước. Điểm này càng quan trọng đối với một nước phải nhận viện trợ, phải vay mượn nước ngoài.

Tôi xin kể hai câu chuyện về quan chức Nhật Bản liên quan đến điểm thứ hai nói trên. Những câu chuyện này có vẻ khó tin vì có lẽ ít ai có thể tưởng tượng nỗi tinh thần yêu nước qua thái độ tiết kiệm công quỹ một cách triệt để như vậy. Nhưng đây là những chuyện có thật.

Chuyện thứ nhất liên quan đến Phái đoàn Iwakura vào những năm đầu của thời Minh Trị Duy Tân. Năm 1871, chính quyền Minh Trị tổ chức một phái đoàn lớn do đại thần Iwakura Tomomi (1825-1883) dẫn đầu sang Mỹ và một số nước Tây Âu. Đoàn gồm nhiều đại thần (bộ trưởng) và quan chức cao cấp.

Phái đoàn Iwakura có hai mục đích: một là thương lượng với các nước Âu Mỹ sửa đổi lại Hiệp ước bất bình đẳng mà chính quyền trước Minh Trị (thời Edo) bị bắt buộc phải ký kết với Mỹ và một số nước Tây Âu. Hai là tìm hiểu luật lệ, chế độ, phương pháp tổ chức liên quan đến thể chế chính trị, kinh tế tại các nước tây phương để mang về cận đại hóa, kiến thiết đất nước.

Đây là phái đoàn lớn, đi hơn 2 năm (1871-1873), tuy không đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng thành công trong mục tiêu thứ hai, đã đóng góp to lớn vào việc canh tân nước Nhật vào cuối thế kỷ 19.

Phái đoàn của đại thần Iwakura Tomomi.

Phái đoàn bắt đầu qua Mỹ. Chuyện kể rằng khi đến New York, đoàn nghỉ chân tại một quán cà phê. Yasuba Yasutomo, một thành viên trong đoàn, gọi nhân viên nhà hàng mang thêm đường, nhưng nhân viên lại mang thuốc lá đến. Ông ta lấy làm lạ nhấn mạnh lại là "tôi gọi đường uống cà phê kia". Nhưng nhân viên nhà hàng vẫn không hiểu. Cuối cùng mọi người mới hiểu ra rằng ông phát âm chữ sugar (đường) thành cigar (thuốc lá) nên nhân viên nhà hàng hiểu sai.

Biết được vậy ông thấy xấu hổ và hết tự tin là mình sẽ đóng góp gì cho phái đoàn nên mới xin đoàn trưởng cho mình trở về Nhật ngay. Yasuba nói: "Chúng ta đi lần nầy là dùng ngân sách nhà nước. Tiếng Anh của tôi thế nầy nếu tham gia đi tiếp chỉ tốn thêm tiền thuế của dân một cách vô ích. Xin cho tôi về để dành tiền dùng cho chuyện có ích hơn". Và ông đã cương quyết quay về Nhật ngay.

Chuyện thứ hai gần đây hơn, mới hơn 50 năm trước.

Vào đầu thập niên 1950 Nhật Bản là nước còn nhận viện trợ và đi vay mượn nước ngoài. Nhưng từ cuối thập niên 1950 kinh tế Nhật phát triển nhanh, trở thành cường quốc kinh tế sau khi trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ. Trong những nguyên nhân làm nên thành công kỳ diệu này phải kể đến năng lực, đức độ, phong cách sống và làm việc của các quan chức.

Vào năm 1950, Bộ trưởng Tài chính Ikeda Hayato dẫn đầu một đoàn đại biểu sang thăm Washington, thủ đô của Hoa Kỳ, mục đích để thăm dò dư luận và không khí trong chính trường Mỹ liên quan đến việc trao trả độc lập cho Nhật (lúc đó Nhật còn bị Mỹ chiếm đóng).

Vì đất nước còn khó khăn, phải đi vay mượn nước ngoài, ngoại tệ phải được tiết kiệm để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất nên đoàn của Ikeda đến Washington phải tìm một khách sạn loại trung bình và 2-3 người phải ở chung một phòng, kể cả Bộ trưởng.

Ông Ikeda trong một Hội nghị năm 1958.

Phòng của Bộ trưởng Ikeda (ở chung với Miyazawa Kiichi, một quan chức cao cấp bộ Tài chính) cũng rất đơn sơ, không có gì cả ngoài chiếc giường đôi, tiền phòng là 7 USD một ngày (theo hồi ký của Miyazawa). Ban ngày đoàn tiếp xúc với các quan chức và chính khách Mỹ, tối về tập họp tại phòng bộ trưởng pha nước nóng với rượu sake mang theo từ Tokyo vừa uống vừa bàn bạc phương châm chiến lược cho hoạt động ngày hôm sau. Phòng ở khách sạn loại này không có bàn ghế nên mọi người phải ngồi trên giường trò chuyện.

Thời đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của Nhật độ 210 USD/năm nên có thể nói bộ trưởng và một quan chức cao cấp ở chung căn phòng với giá bằng 1/30 thu nhập bình quân năm của một người Nhật. (Sau này, vào năm 1960, Ikeda trở thành Thủ tướng, đưa ra chiến lược bội tăng lợi tức quốc gia, mở đầu cho giai đoạn phát triển thần kỳ ở Nhật, và Miyazawa cũng trở thành Thủ tướng trong những năm đầu thập niên 1990).

Quan chức Nhật Bản nổi tiếng là ưu tú vì đã qua đào tạo ở các đại học danh tiếng và phải thi đỗ trong các kỳ thi tuyển nghiêm túc (cần mở ngoặc ở đây là hầu hết quan chức Nhật không ai có bằng tiến sĩ, chỉ tốt nghiệp đại học). Trong thời đất nước còn khó khăn, họ ý thức được sứ mệnh cao cả mà dân tộc giao phó để đem tài năng, trí tuệ đưa đất nước theo kịp các cường quốc.

Câu chuyện của các quan chức giới thiệu ở trên là những điển hình ở các cấp khá cao, nhưng ở những mức độ khác nhau, các tố chất cơ bản của những người ấy có thể nói là khá phổ biến trong giới quan chức ở Nhật nhất là trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, còn ở trong thời kỳ đầu của quá trình phát triển.

Có thể nói một trong những yếu tố làm cho Nhật thành công trong phát triển kinh tế là ở thời đại nào họ cũng có những quan chức đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, luôn tiết kiệm công quỹ trong khi tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác.

Tác giả: GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản)

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-11-di-nuoc-ngoai-bo-truong-chi-thue-phong-binh-dan

10/12/10

Điểm số của Thượng Hải gây sốc những nhà giáo dục

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã tham gia cuộc kiểm tra trên khoảng 65 quốc gia thừa nhận rằng điểm số dành cho Thượng Hải - thành phố công nghiệp với khoảng 20 triệu dân và điểm số của các trường đại học hiện đại, nơi thu hút những học sinh ưu tú nhất Trung Quốc - không đại diện cho tất cả Trung Quốc.

Khoảng 5100 thiếu niên 15 tuổi tại Thượng Hải đã được chọn ngẫu nhiên đại diện cho học sinh tại thành phố này. Tại Mỹ, một số lượng học sinh tương tự trên khắp các vùng miền cũng đã được lựa chọn làm mẫu đại diện cho cuộc kiểm tra.

Các chuyên gia đã lưu ý về những khó khăn hiển nhiên trong việc sử dụng một bài kiểm tra tiêu chuẩn để so sánh giữa các quốc gia và giữa thành phố có quy mô rất khác nhau. Mặc dù vậy, họ cho rằng việc thể hiện xuất sắc về chuyên môn của sinh viên Thượng Hải là đáng chú ý và là một dấu hiệu khác của việc hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc.

Các kết quả cũng phản ánh về văn hóa giáo dục của quốc gia này, bao gồm cả việc tập trung nhiều hơn vào đào tạo giáo viên và dành nhiều thời gian hơn nhiều cho việc học tập nghiên cứu chứ không phải là hoạt động ngoại khóa như thể dục thể thao.

"Tôi thực sự choáng váng. Nó gợi tôi nhớ đến việc Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên Sputnik", ông Chester E. Finn Jr, người từng làm việc tại Bộ Giáo dục dưới thời Tổng thống Ronald Reagan phát biểu. Ông Finn, người đã viếng thăm các trường học trên khắp Trung Quốc, nói: "Tôi đã thấy Trung Quốc đang nỗ lực không ngừng nghỉ hoàn thành các mục tiêu như thế nào. Nếu họ có thể làm được điều này với Thượng Hải vào năm 2009, họ có thể làm điều đó ở 10 thành phố vào năm 2019, và ở 50 thành phố vào năm 2029".

Cuộc khảo sát, Chương trình Đánh giá của Sinh viên Quốc tế, được biết đến dưới tên viết tắt là PISA, dành cho học sinh 15 tuổi được tiến hành bởi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển với các thành viên là những thành phố công nghiệp lớn của thế giới, có trụ sở đặt tại Paris.

Các kết quả sẽ được thông báo chính thức vào hôm thứ 3 (7/12) nhưng bản kết quả này đã được cung cấp cho các cơ quan truyền thông một ngày trước đó.

"Chúng ta phải nhìn nhận điều này như một lời kêu gọi thức tỉnh", Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 6/12

"Tôi biết những người hoài nghi sẽ muốn tranh cãi về kết quả, nhưng chúng tôi cho rằng chúng chính xác và đáng tin cậy, và chúng ta phải xem đó là một thách thức để nỗ lực hơn", ông nói thêm. "Mỹ đã chiếm đến trong 23 hoặc 24 trong hầu hết các vị trí. Chúng ta có thể không phân minh hoặc chúng ta có thể đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu rằng chúng ta đang bị tụt hạng về giáo dục".

Về toán học, học sinh Thượng Hải đã tự kiểm tra ở lớp, vượt qua nước đứng ở vị trí thứ hai là Singapore, quốc gia vẫn được coi như là một siêu sao giáo dục trong những năm gần đây. Điểm toán trung bình của những học sinh Mĩ đứng ở vị trí thấp hơn so với 30 quốc gia khác.

Điểm PISA được sắp xếp theo hệ thống thứ bậc, với điểm trung bình là 500. Hai phần ba số học sinh của các quốc gia tham gia có điểm số từ 400 tới 600. Trong kì kiểm tra toán năm ngoái, học sinh Thượng Hải đã đạt được 600, học sinh ở Singapore đạt được 562, ở Đức là 513, và ở Mỹ là 487.

Về đọc, học sinh Thượng Hải đạt 556 điểm, Hàn Quốc với 539 điểm đứng ở vị trí thứ hai. Mỹ ghi được 500 điểm và đứng thứ 17 ngang bằng với học sinh ở các nước Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Đức, Pháp, Anh và nhiều nước khác.

Về khoa học, học sinh Thượng Hải giành được 575 điểm. Đứng thứ hai là Phần Lan, nơi có điểm trung bình là 554. Mỹ ghi được 502 - đứng ở vị trí thứ 23 - với một bảng thành tích giống với Ba Lan, Ireland, Na Uy, Pháp và nhiều nước khác.

Andreas Schleicher, Giám đốc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển quốc tế của chương trình thử nghiệm giáo dục cho biết các bài kiểm tra ở Thượng Hải được thực hiện bởi một nhà thầu quốc tế, làm việc với những nhà chức trách Trung Quốc, và được Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Úc, một nhóm kiểm tra phi lợi nhuận giám sát.

Mark Schneider, Ủy viên Bộ phận nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ dưới thơờGeorge W. Bush, người đã trở về từ một chuyến thăm quan nghiên cứu về giáo dục tới Trung Quốc vào thứ Sáu, cho biết ông đã hoài nghi về một số kết quả PISA trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Schneider nói rằng ông coi tính chính xác của các kết quả này là không thể công kích.

"Phương diện kĩ thuật của việc kiểm tra này cũng đã được quy định, các mẫu được chọn phù hợp, và không có bằng chứng về sự gian lận," ông nói.

Tuy nhiên, ông Schneider cũng lưu ý về một số yếu tố có thể có ảnh hưởng đến kết quả.

Trước hết, Thượng Hải là một trung tâm di cư khổng lồ trong lòng Trung Quốc. Học sinh được đề nghị trở về tỉnh nhà của họ để theo học các trường trung học phổ thông, nhưng các nhà chức trách Thượng Hải có thể làm tăng điểm số bằng cách cho phép những học sinh ưu tú ở lại trong thành phố. Và sinh viên Thượng Hải rõ ràng đã được cho biết rằng việc kiểm tra này là quan trọng đối với hình ảnh của Trung Quốc và do đó, họ có nhiều động lực để làm tốt, ông Schrneider nói.

"Bạn có thể tưởng tượng được phản ứng nếu chúng ta nói với các học sinh của Chicago rằng PISA là một bài kiểm tra quốc tế quan trọng và danh tiếng của Mỹ phụ thuộc vào việc họ làm tốt bài kiểm tra hay không?", ông Schneider nói. "Điều đó nói rằng, Trung Quốc đang rất coi trọng giáo dục. Các nguyên tắc làm việc quả thực mạnh mẽ một cách kinh ngạc".

Trong một bài phát biểu cho những sinh viên đại học ở Bắc Carolina, Tổng thống Obama nhắc lại việc năm 1957 việc phóng tên lửa Sputnik của Liên Xô đã khiến Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào môn toán và khoa học giáo dục như thế nào để giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ.

"Năm mươi năm sau, thời điểm Sputnik của thế hệ chúng ta đã trở lại," ông Obama nói. Với hàng tỷ người ở Ấn Độ và Trung Quốc "đột nhiên tấn công vào nền kinh tế thế giới", các quốc gia với các nhân viên được đào tạo tốt nhất sẽ thắng thế. "Ngay bây giờ," ông nói, "Mỹ có nguy cơ bị tụt lại phía sau".

Nếu Thượng Hải là một điển hình cho thấy sự tiến bộ giáo dục Trung Quốc, tiểu bang Massachusetts sẽ là điển hình cho giáo dục Mỹ bằng việc thường xuyên giành được điểm cao hơn tất cả các bang khác trong bài kiểm tra toàn học chính thức của liên bang Mỹ trong những năm gần đây.

Nhưng trong một nghiên cứu năm 2007 là tương quan kết quả của cuộc kiểm tra với kết quả của một kỳ thi toán quốc tế, học sinh Massachusetts đã đạt số điểm thấp hơn so với Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Thượng Hải đã không tham gia kiểm tra.

Bản báo cáo mới nhất gồm 259 trang của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển về kết quả của Pisa ghi nhận rằng trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc đã được tổ chức xung quanh những kỳ thi cạnh tranh: "Trường học làm việc với học sinh của mình nhiều giờ mỗi ngày, và những tuần dạy học còn được tổ chức thêm vào những ngày cuối tuần".

Học sinh Trung Quốc dành ít thời gian hơn so với học sinh Mỹ cho những hoạt động thể thao, âm nhạc và các hoạt động khác không đưa tới việc thành công trong các kỳ thi ở các môn học chính.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, dạy học đã nhanh chóng leo lên các bậc thang của nghề ưa thích ở Trung Quốc, và mức lương đã tăng. Tại Thượng Hải, các nhà chức trách đã tiến hành cải cách quan trọng trong hoạt động giảng dạy, và các nhà giáo dục đã được tự do hơn trong việc thử nghiệm.

Kể từ khi tổ chức của ông nhận được điểm thi tại Thượng Hải năm ngoái, ông Schleicher cho biết, các chuyên gia kiểm tra quốc tế đã tiến hành điều tra để bảo đảm cho tính chính xác của những điểm số đó, hy vọng rằng chúng sẽ gây ra một sự ngạc nhiên ở nhiều nước phương Tây.

"Đây là lần đầu tiên mà chúng tôi có dữ liệu so sánh quốc tế về kết quả học tập ở Trung Quốc", ông Schleicher nói. "Điều quan trọng theo tôi, là kết quả này đã bác bỏ giả thuyết thường cho rằng Trung Quốc chỉ sản xuất ra kiểu học vẹt".

"Phần lớn các sinh viên này thể hiện được khả năng suy luận từ những gì họ biết và áp dụng kiến thức của họ rất sáng tạo trong những tình huống mới lạ," ông nói.

Hà Nguyễn dịch từ New York Times

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-09-diem-so-cua-thuong-hai-gay-soc-nhung-nha-giao-duc

17/11/10

Xung quanh cuộc tranh luận căn hộ của GS Ngô Bảo Châu

Ba nguyên tắc: Sẵn sàng chịu trách nhiệm, tôn trọng ý kiến trái chiều và công khai minh bạch cũng chính là ba nguyên tắc vàng để thúc đẩy phản biện xã hội phát triển, một thành phần không thể thiếu để đưa đất nước trở thành công bằng dân chủ văn minh.

Cách ứng xử của một nhà khoa học

Trong mấy ngày trước, trang blog của GS Ngô Bảo Châu (tức hòa thượng Thích Học Toán) nóng hơn bình thường, bởi những tranh luận xung quanh chủ đề GS Châu được nhà nước cấp cho sử dụng nhà công vụ trị giá khoảng 600.000 USD.

Tất nhiên đã là tranh luận thì thế nào cũng có hai phe, ủng hộ và phản đối. Nhưng trong bài viết này tôi không muốn nói về chuyện anh Châu có xứng đáng nhận căn hộ đó không vì ý kiến như thế đã quá nhiều trên blog của anh rồi. Tôi muốn nói đến một khía cạnh khác của cuộc tranh luận này, đó là cách ứng xử của anh Châu.

Trước hết tôi xin được thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình với cách anh Châu đã công khai cuộc tranh luận này. Là một người nổi tiếng, tất nhiên anh hiểu việc Nhà nước phân nhà cho mình sẽ được nhiều người quan tâm và dĩ nhiên sẽ có nhiều ý kiến trái ngược.

Trong trường hợp này, thông thường để không phải hứng chịu thêm nhiều lời nghịch nhĩ, mọi người sẽ chọn phương châm "im lặng là vàng", hoặc thậm chí coi như không nghe không biết.

Nhưng có lẽ cách này không phù hợp với một con người vốn quen làm khoa học, vốn quen với những khái niệm đúng sai một cách rõ ràng như anh, vì vậy chọn cách công khai tranh luận là một lựa chọn tất yếu.

Việc làm này không chỉ giúp anh giữ được hình ảnh của một nhà khoa học giản dị nhưng thẳng thắn, mà còn cho thấy anh sẵn sàng đối mặt với dư luận để chứng minh những việc mình làm là đúng và có lý do.

Mặt khác, anh cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của một người đã nhận được sự ủy thác của nhân dân (nhà công vụ tức là lấy nguồn từ thuế của nhân dân), thì phải sẵn sàng trả lời những thắc mắc của người dân.

Thứ nữa, không chỉ dũng cảm đưa vấn đề ra tranh luận, mà cách anh nêu vấn đề càng làm tôi cảm phục. Thông thường, tôi thấy khi tranh luận trên mặt báo, mọi người thường tập trung vào lý lẽ của mình, nên ít khi nêu đầy đủ những luận điểm của người cùng tranh luận. Đôi khi họ có trích dẫn ý kiến của đối thủ nhưng cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ thêm những ý kiến của chính mình.

Nhưng với GS Ngô Bảo Châu, anh chọn cách đăng nguyên văn lời chỉ trích của bạn Lucio (người cho rằng GS không xứng đáng nhận nhà) ngay trên đầu bài tranh luận, điều đó thể hiện sự tôn trọng với những người bất đồng quan điểm, một nguyên tắc căn bản để cuộc tranh luận không đi vào hướng ngụy biện, chỉ trích cá nhân.

Chỉ thành công nếu công bằng và minh bạch

Cuối cùng, tôi tin rằng điều anh Châu tìm kiếm không phải là những lời hô hào ủng hộ anh một cách sáo rỗng hoặc cảm tính, mà phải là những lời phản biện công tâm, chính xác và có lý lẽ. Là một nhà khoa học, hơn ai hết anh Châu hiểu rằng một cuộc tranh luận chỉ thành công khi có sự công bằng và minh bạch.

Là một nhà khoa học, hơn ai hết anh Châu hiểu rằng một cuộc tranh luận chỉ thành công khi có sự công bằng và minh bạch.

Chính vì thế thay cho việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng lên blog, anh đã để nó thành một cuộc tranh luận mở, tất cả mọi người đều có thể tham gia, mọi ý kiến đều được tôn trọng. Chính việc từ bỏ lợi thế "blog nhà" đã giúp mọi người thoải mái thể hiện quan điểm của họ với anh và giúp anh có được những nhận xét chân tình, những luồng dư luận quý giá.

Chính vì thế thay cho việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng lên blog, anh đã để nó thành một cuộc tranh luận mở, tất cả mọi người đều có thể tham gia, mọi ý kiến đều được tôn trọng. Chính việc từ bỏ lợi thế "blog nhà" đã giúp mọi người thoải mái thể hiện quan điểm của họ với anh và giúp anh có được những nhận xét chân tình, những luồng dư luận quý giá.

Hôm nay quay lại, thấy cuộc tranh luận đã được GS Châu khép lại với câu kết luận ai đúng ai sai vẫn còn dang dở. Nhưng với riêng cá nhân tôi, qua cuộc tranh luận này mọi người đều được. Cái được thứ nhất là mọi người đều được thể hiện quan điểm cá nhân của mình, được tôn trọng.

Cái được thứ hai là mọi người hiểu nhau hơn, đặc biệt với anh Châu, anh có dịp để hiểu mọi người hơn và mọi người cũng hiểu rõ về anh hơn.

Những gì nêu trên là thể hiện quan điểm cá nhân tôi về một chủ đề cụ thể trên blog của một người cụ thể. Nhưng nhìn rộng ra, thiết nghĩ nếu việc Nhà nước tặng nhà cho GS Châu là một cách chứng minh rằng Chính phủ đang muốn thu hút và trọng dụng người tài, thì việc học tập theo cách làm đầy khoa học và trách nhiệm của GS Châu trong việc ứng xử với những thắc mắc của người dân, với dư luận xã hội chính là một hành động thiết thực nhất.

Ba nguyên tắc: Sẵn sàng chịu trách nhiệm, tôn trọng ý kiến trái chiều và công khai minh bạch cũng chính là ba nguyên tắc vàng để thúc đẩy phản biện xã hội phát triển, một thành phần không thể thiếu để đưa đất nước trở thành công bằng dân chủ văn minh.

Nếu làm được những điều trên, Nhà nước sẽ một lần nữa lại ghi điểm trong việc thể hiện quyết tâm trọng dụng người tài nói chung và GS Ngô Bảo Châu nói riêng, đồng thời làm cho việc trao nhà cho GS Ngô Bảo Châu càng thêm ý nghĩa.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-16-xung-quanh-cuoc-tranh-luan-can-ho-cua-gs-ngo-bao-chau

21/6/10

Từ sự cố Olympia: Sự dễ dãi làm chết mòn giáo dục

- Sân chơi "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 10 trên sóng truyền hình đã khép lại nhưng khán giả, những người quan tâm và yêu quý chương trình, vẫn tiếp tục sân chơi của mình. Với họ, sự xuề xòa và cảm tính sẽ không mang lại một Việt Nam với những "đỉnh Olympia" đích thực.

Sự cố nhỏ về phát âm của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" chỉ là cái cớ cho độc giả phản hồi về một chuyện quan trọng, đó là sự dễ dãi, xuê xoa trong đánh giá của môi trường giáo dục. Đó là lý do vì sao có hiện tượng quá nhiều học sinh giỏi, vì sao mắc bệnh thành tích mà quên mất gốc lõi của giáo dục là mang đến sự hiểu biết sâu sắc cho học sinh.

Em Đức phát âm không chuẩn, người ta không chê trách em vì chương trình dạy tiếng Anh tại lớp có thể chưa chuẩn mực, có thể do em không được luyện để đọc đúng. Trong một thi căng thẳng và hồi hộp, nhầm lẫn là không thể tránh khỏi.

anh1.jpg
Khán giả cổ vũ các thí sinh trong cuộc thi chung kết. Ảnh: Văn Chung

Nhưng độc giả chỉ chê trách một điều: Ban giám khảo coi cái sai ấy là "tương đối đúng", là đương nhiên, vì người Việt phát âm sai là chuyện bình thường.

Thế thì quý vị đừng cho con đi học tiểu học, vì vào lớp một, cô giáo sẽ là người đầu tiên ép con quý vị đọc bảng chữ cái tiếng Việt có phân biệt âm "x" và "s", "l" và "n", "b" với "p", "r" với "d"...

Phát âm (pronunciation) và đánh vần (spelling) là hai yêu cầu quan trọng và bắt buộc khi học một ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.

Kỹ năng nói tiếng Anh gồm có phát âm, đánh vần, ngữ điệu, trọng âm...là một trong 4 tiêu chí để thi bài tiếng Anh chuẩn quốc tế như IELTS.

Nếu kỹ năng nói hoàn toàn xem nhẹ thì cơ hội nhận điểm IELTS từ trung bình trở lên là rất khó. Người viết bài này đã từng thi IELTS hai lần tại Hội đồng Anh, Hà Nội, cả hai lần đều bị chấm 5.5 và 6.0 điểm cho phần thi nói tiếng Anh. Trước khi ra khỏi phòng thi, giáo viên bao giờ cũng chỉ ra lỗi phát âm sai ở chỗ nào, dù cho thí sinh cười rất tươi với giám khảo. Mặc dù rất thân thiện, rất vui vẻ với mình nhưng họ luôn luôn chấm đúng điểm chứ không hề gượng nhẹ với những lỗi được coi là trở thành "truyền thống" của học sinh Việt Nam.

Có lẽ đó là lý do vì sao, qua bao nhiêu năm, bằng IELTS vẫn có uy tín trên quốc tế, cho dù được tổ chức thi tại nhiều nước trên thế giới.

anh6.JPG
Dù gặp áp lực "nổi tiếng bất ngờ" khi chiến thắng hay không bước lên bục cao nhất của cuộc thi, hai thí sinh về Nhất và Nhì đều nhiệt tình thu xếp thời gian tham gia chat với độc giả quan tâm tới chương trình. Trong ảnh: Minh Đức và Đức Hiếu "phỏng vấn giả tưởng" trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả. Ảnh: Văn Chung

Nhà toán học Ngô Bảo Châu từng viết trên blog của mình rằng điểm yếu của anh là viết không đúng chính tả. Nhưng có ai vì thế mà coi thường anh đâu, mà không khâm phục anh đâu.

Không có ai là hoàn hảo. Mỗi người có sở trường cũng như sở đoản. Nhưng khi anh viết sai chính tả mà người ta vẫn quý mến anh, không cười nhạo anh vì Ngô Bảo Châu đã tự biết cười mình trước. Anh biết công nhận điểm hạn chế của mình.

Một nghiên cứu sinh ngành Toán tại Pháp tâm sự rằng, bà giáo sư hướng dẫn đã có lần rất căng thẳng với anh vì các báo cáo khoa học anh viết rất nhiều lỗi chính tả. Bà đã ngồi nửa ngày lấy bút đỏ khoanh vào chỗ sai và nói với anh rất nghiêm khắc: lần sau không mắc lại những lỗi này nữa.

Lúc đầu, anh rất khó chịu vì cho rằng những lỗi nhỏ không quan trọng, miễn là anh giải được toán.

Nhưng dần dần, anh nhận ra bà giáo sư đã rất tận tâm với công việc của một người thầy, đã mất thời gian sửa lỗi dù rất nhỏ cho mình, tại sao không cám ơn bà bằng cách chú ý đừng mắc lỗi.

Giáo dục ở các nước phát triển không bao giờ chấp nhận sự đại khái. Đó là lý do vì sao nhiều học sinh Việt Nam ra nước ngoài học ban đầu rất khó khăn vì tâm lý: mình mắc lỗi bé tí teo mà thầy cô giáo cứ làm to chuyện.

Những hệ luỵ từ việc học sinh Việt Nam nhìn chung chỉ giỏi ngữ pháp tiếng Anh mà nói kém đã được ngành giáo dục và xã hội chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây.

Báo chí đã phản ánh về việc nhiều học sinh khi tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế đã rất nhút nhát, ngại giao tiếp, nói tiếng Anh kém và ngành giáo dục cũng đã nhận ra điều này.

Nếu như 10 năm trước đây, chỉ có dạy ngữ pháp mới được chú trọng trong nhà trường thì giờ đây, các thầy cô giáo đã phải chú ý đến luyện kỹ năng nói và phát âm cho học sinh.

Nhiều trường mầm non, tiểu học ở các thành phố lớn đã thuê giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho các cháu, các bậc cha mẹ sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để con mình được học phát âm chuẩn tiếng Anh ngày từ tấm bé đã cho thấy xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng của phát âm như thế nào.

Vì thế, người ta rất ngạc nhiên khi một chương trình lớn, có uy tín, mang tính giáo dục cao lại có thể chấp nhận một cái "gần đúng" được cho là "đúng" như vậy.

Một Việt kiều ở Đức đã bình luận: Sự xuề xòa và cảm tính sẽ không mang lại một Việt Nam với những "đỉnh Olympia" đích thực. Tôi hoàn toàn không có thành kiến gì, nhưng đã là một cuộc thi thì cần một chuẩn mực!

  • Chân Tình
  • Cập nhật lúc 23:22, Chủ Nhật, 20/06/2010 (GMT+7)
  • http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Tu-su-co-Olympia-Su-de-dai-lam-chet-mon-giao-duc-917257/

10/5/10

Bản chất tương tác xã hội của giá trị

http://dddn.com.vn/2010020103313566cat101/ban-chat-tuong-tac-xa-hoi-cua-gia-tri.htm (10/5/2010)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 buộc các nhà kinh tế phải xem xét lại các lý thuyết của mình. Trong đó điều đầu tiên cần xem xét lại chính là lý thuyết về giá trị, và cùng với nó là câu hỏi lớn nhất của kinh tế học: Lợi nhuận đến từ đâu, cái gì làm cho nền kinh tế lại tăng trưởng ?

Nếu không kể xu hướng đạo đức, các quan niệm mang tính kinh tế học về giá trị có thể chia thành ba trường phái chính, trường phái khách quan, trường phái chủ quan, và một trường phái thứ ba chỉ chú trọng đến mối tương quan giữa cung và cầu. Tôi xin gọi trường phái thứ ba này là trường phái thị trường. Trường phái thị trường từ bỏ sự tìm kiếm mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa các yếu tố khách quan hoặc chủ quan với giá trị, và cho rằng giá trị của hàng hóa được xác định bởi mối tương quan giữa cung và cầu trên thị trường. Đại diện sớm nhất của trường phái này có lẽ là John Law (1671-1729), người đã sử dụng quy luật cung cầu để giải thích nghịch lý về giá trị của nước và kim cương. Những người hoàn chỉnh lý thuyết cung cầu về giá trị là Leon Walras với mô hình Cân bằng Tổng quát và Alfred Marshall với mô hình Cân bằng Cục bộ.

Kể từ khi trường phái thị trường xuất hiện, người ta dường như đã từ bỏ cuộc tìm kiếm một cách lý giải bản chất của giá trị, mà chỉ còn quan tâm đến giá cả, với tư cách là kết quả của tương tác giữa cung và cầu trên thị trường. Đây chính là nguyên nhân có tính lý thuyết của sự tôn sùng thuyết thị trường hiệu quả trong nhiều thập kỷ.

Bản chất của giá trị là gì ? Trước hết, ta coi giá trị là một khái niệm xã hội: một vật chỉ có giá trị một khi được đem trao đổi giữa người với người. Mặt khác, trước khi được đem trao đổi, vật đó phải được làm ra. Như thế nghĩa là phải có lao động. Chưa hết, việc trao đổi luôn luôn được tiến hành trong những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội khác nhau. Tất cả những nhân tố này đều tham gia việc xác định giá trị.

Vì con người là một con vật xã hội, chúng ta phải xem xét cội nguồn vật lý của nó. Chúng ta đều biết rằng sự vật có hai xu hướng chủ đạo: xu hướng duy trì sự tồn tại và xu hướng ảnh hưởng đến sự vật xung quanh. Ở con người, hai xu hướng tự nhiên này được thể hiện ở các nhu cầu vật lý và xã hội. Các nhu cầu vật lý, như ăn, mặc, sưởi ấm... nói chung nhằm vào các đối tượng vật chất và có mục đích duy trì sự tồn tại; còn các nhu cầu xã hội, như quyền lực, sắc đẹp, trí tuệ... nói chung nhằm vào các đối tượng tinh thần và có mục đích tăng ưu thế đối với người xung quanh. Các nhu cầu vật lý là những nhu cầu thiết yếu nhưng hữu hạn, nghĩa là có thể được đáp ứng trọn vẹn. Trong khi đó, các nhu cầu xã hội ít thiết yếu hơn, nhưng có thể tăng vô hạn. Mọi vật được con người sản xuất và đem trao đổi đều nhằm đáp ứng hai nhu cầu đó với mức độ khác nhau. Một con gà rán có thể đáp ứng nhu cầu vật lý với tư cách là thực phẩm, nhưng với cách chế biến nhất định, nó còn đáp ứng nhu cầu xã hội của thực khách. Mức độ đáp ứng các nhu cầu của con người chính là giá trị. Đây chính là định nghĩa của Aristotle. Ta có thể tóm tắt những điều trên bằng công thức: V=Vp+Vs

Trong đó V là giá trị, Vp là giá trị vật lý và Vs là giá trị xã hội. Nhìn chung, Vp được xác định bởi các yếu tố sản xuất, còn Vs được xác định bởi các yếu tố xã hội thông qua trao đổi. Nghiên cứu sự thay đổi tỷ trọng của Vp và Vs trong công thức này cho ta thấy lịch sử phát triển của nền sản xuất nhân loại. Nếu trong nền kinh tế chỉ có hai người trao đổi với nhau thì các vật trao đổi sẽ không có giá trị xã hội, mặc dù sự trao đổi đơn giản này có tác dụng tối đa hóa giá trị vật lý thông qua sự chuyển đổi sở hữu. Nhưng nếu xuất hiện người thứ 3, chẳng hạn có hai người cùng muốn đổi rìu lấy cừu, thì giá trị xã hội xuất hiện. Số người quan tâm càng lớn thì ưu thế tương đối của người sở hữu nó càng cao, nghĩa là giá trị càng tăng. Ngược lại, nếu số đối tượng được quan tâm càng nhiều thì ưu thế tương đối của người sở hữu nó càng ít, nghĩa là giá trị xã hội của nó cũng càng ít. Ta có thể nói rằng giá trị xã hội của vật tỷ lệ thuận với số người quan tâm và tỷ lệ nghịch với số lượng đối tượng được quan tâm.

Khi năng suất của nền kinh tế còn rất thấp, hầu như mọi thứ đều thiếu thốn, mối quan tâm chủ yếu của xã hội (trừ giới đặc tuyển) là làm sao đáp ứng được các nhu cầu vật lý. Khi đó, phần lớn các sản phẩm làm ra là nhằm đáp ứng các nhu cầu vật lý. Điều này có nghĩa là một cách gần đúng, người ta có thể bỏ qua phần giá trị xã hội của đa số sản phẩm và công thức giá trị là: V=Vp.

Khi đó ta cũng có thể nói rằng giá trị được quyết định bởi các yếu tố sản xuất. Và vì đa số các yếu tố sản xuất có liên hệ trực tiếp với lao động, người ta nghĩ rằng nguồn gốc duy nhất của giá trị là lao động. Đây chính là cách lý giải của các nhà kinh tế cổ điển. Khi năng suất của nền kinh tế cao hơn và sự trao đổi hàng hóa phát triển hơn, giá trị xã hội (Vs) của đại đa số các sản phẩm không thể bỏ qua. Ở đây, thị trường đóng vai trò chính. Thị trường có giúp tăng giá trị vật lý của hàng hóa thông qua việc hợp lý hóa sở hữu, nhưng vai trò chính của nó là làm tăng đột biến số người quan tâm đến đối tượng (hàng hóa). Thị trường càng phát triển và càng tự do thì càng có nhiều người mong muốn sở hữu đối tượng đó. Điều này có nghĩa là ưu thế tương đối của người sở hữu đối tượng sẽ tăng lên, cũng có nghĩa là giá trị xã hội của đối tượng sẽ tăng theo. Mặt khác, giá trị xã hội cũng tăng lên nếu số lượng tương đối của hàng hóa so với số người quan tâm giảm. Đây chính là quy luật cung cầu. Để tăng số người quan tâm, người ta sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó thường gặp nhất là quảng cáo. Để giảm một cách tương đối số lượng hàng hóa so với số người quan tâm, cách thường dùng là thay đổi mẫu mã, tính năng của hàng hóa hoặc vận dụng những đặc điểm tự nhiên của hàng hóa, như chọn thời điểm để hoa quả sản xuất ra trái vụ.

Như vậy, giá trị là một sản phẩm của tương tác xã hội. Nó không bất biến và cũng không thể xác định một cách tuyệt đối khách quan. Tuy nhiên, ta có thể nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự biến đổi của giá trị để giải thích hoặc điều hành nền kinh tế. Một ví dụ là cuộc khủng hoảng năm 2008 ở VN. Để đơn giản, ta có thể hình dung xã hội chỉ bao gồm những người trồng lúa và hai người buôn bán BĐS là A và B. Giả sử A bán cho B một ngôi nhà giá 100 triệu, rồi B bán lại ngôi nhà đó cho A với giá 120 triệu, thu lãi 20 triệu. Sau đó A lại bán ngôi nhà đó cho B với giá 140 triệu, rồi B tiếp tục bán cho A với giá 160 triệu. Nếu không có một nguyên nhân nào đó chặt đứt chuỗi mua bán này, quá trình này có thể kéo dài vô tận và sau mỗi giao dịch người bán đều có lãi. Trong khi đó, vì nhu cầu vật lý về gạo là hạn chế và cách trồng lúa nói chung không thay đổi nên giá giá trị của gạo nói chung là cố định. Nhìn trên quy mô toàn xã hội, giá trị tổng tài sản không ngừng tăng lên và để nền kinh tế vận hành bình thường, nhà nước phải bơm thêm tiền cho tương xứng với tổng giá trị đó.

Về đại thể, mức sống của những người kinh doanh BĐS tăng nhanh, còn mức sống của những người trồng lúa không hề bị ảnh hưởng, nếu không nói là có thể được cải thiện đôi chút. (Với lợi nhuận thu được, A và B có thể sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, hay thậm chí còn trợ giúp cho người trồng lúa...). Điều này tiếp tục diễn ra như thế cho đến khi một lý do nào đó làm gián đoạn chuỗi mua bán giữa A và B. Khi đó giá nhà sẽ đột ngột rơi xuống, mặc dù không bao giờ xuống đến mức bằng hoặc thấp hơn giá ban đầu. Tuy nhiên, lượng tiền đã bơm ra thị trường trước đó vẫn còn lại và sẽ tác động lên toàn bộ các tài sản của xã hội, ở đây là cả bất động sản lẫn lúa gạo. Điều có thế dự đoán là lạm phát.

Trên thực tế không chỉ có ngành kinh doanh BĐS mới có khả năng gây ra bất ổn tài chính. Có thể nói rằng trong nền kinh tế hiện đại, tuyệt đại đa số các ngành kinh doanh đều chứa đựng nguy cơ này. Tuy nhiên, những ngành dịch vụ chứa đựng nhiều nguy cơ hơn là các ngành sản xuất, và ngành nào càng ít yếu tố vật chất càng nhiều nguy cơ.

Ở đây chúng ta phải lưu ý một vấn đề mang tính đạo đức. Khi kinh tế tăng trưởng, sự giàu có mới chủ yếu rơi vào tay những người kinh doanh khu vực duy tâm hóa cao - tức là những người giàu - và hầu như không có tác dụng cải thiện mức sống của những người lao động trong các khu vực truyền thống. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng, tác động của lạm phát sẽ được phân phối lên mọi thành viên trong xã hội. Điều này cũng đúng trên quy mô quốc tế. Khi kinh tế thế giới cất cánh, các giá trị mới được tạo ra chủ yếu rơi vào những quốc gia phát triển và hầu như không giúp ích gì các nước nghèo. Tuy nhiên, khủng khoảng lại tác động đến mọi quốc gia.

Tiến sĩ Ngô Tự Lập -
Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội

4/4/10

Sao không cử Tôn Ngộ Không đi lấy Kinh cho nhanh?

http://tuanvietnam.net/2010-04-01-sao-khong-cu-ton-ngo-khong-di-lay-kinh-cho-nhanh-

Tác giả: Thảo Dân

Nhân việc Phật tử sỹ Lê Minh Hiếu nói về sự khác nhau giữa chuyến đi của Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh và chuyến đi bằng chuyên cơ của các nhà tu hành sang Ấn Độ rước Phật xá lợi, Thảo Dân tôi lại nghĩ đến một câu hỏi của những đứa trẻ ở nhiều thế hệ mà tôi là một trong những đứa trẻ ấy sau khi đọc Tây Du Ký. Ngày cuối tuần, Thảo Dân tôi mang chuyện này ra "nhàn đàm" cho vui để bạn đọc bớt đi những nặng nề sau một tuần làm việc mệt mỏi.

Câu hỏi đó là câu hỏi gì? Xin thưa, đó là: Sao không cử Tôn Ngộ Không đi lấy Kinh cho nhanh? Câu hỏi này đã được rút ngắn. Thực ra câu hỏi đó khá đầy đủ như sau: Bố (mẹ) ơi, sao người ta không cử Tôn Ngộ Không bay vù một cái đến Tây trúc lấy kinh cho nhanh mà cứ để Sư Phụ (Đường Tăng) đi chậm thế bao giờ mới đến?

Tôi đã hỏi câu hỏi tương tự như thế khi lên 10 tuổi. Đến sau này con tôi cũng hỏi thế, cháu tôi cũng hỏi thế. Tại sao những đứa trẻ lại có cùng câu hỏi ấy? Theo tôi có ba lý do cơ bản như sau:

Một: Vì Tôn Ngô Không có phép cân đẩu vân, trong chớp mắt đã đi chuyển hàng ngàn dặm.

Hai: Đường đi lấy Kinh của Đường Tăng quá gian lao, vất vả và muôn vàn hiểm nguy. Những đứa trẻ như tôi thời đó đọc thấy lấu quá mà chưa đến được Tây Trúc thì sốt ruột. Trẻ con là thế mà.

Ba: Trẻ con đọc Tây Du Ký thì yêu nhất Tôn Ngộ Không, bởi thế cái gì cũng muốn Tôn Ngộ Không làm.

Đấy là những suy nghĩ ngây thơ và trong sáng của trẻ nhỏ. Sau này lớn lên, tôi tự lý giải điều này cho mình. Nhưng nhân có bài của các tác giả luận bàn liên quan ít nhiều đến nội dung đó, tôi thấy hay hay thì bàn vào chứ chẳng có gì to tát hay có ý gì khác ở đây cả.

Hành trình đi lấy Kinh của thầy trò Đường Tăng đúng như ông Lê Minh Hiếu nói là hành trình đi tìm chân lý. Cứ theo sách thì thời Đường Tăng phương tiện di chuyển có đâu kém thời bây giờ mà còn nhanh hơn cả máy bay siêu âm ấy chứ. Cỡ Tôn Ngộ Không chỉ nhún mình một cái đã ở tận lưng trời rồi. Đấy là chưa nói đến các vị Bồ tát (cấp dưới của Đức Phật) thần thông quảng đại đi Nam về Bắc chỉ trong chớp mắt.

Nhưng tại sao thời đó người ta không sai đệ tử của Đường Tăng là Ngộ Không chạy ù một cái đến Tây Trúc mang Kinh về mà phải chọn Đường Tăng đi lấy kinh dằng dặc suốt mấy năm trời và phải đi qua biết bao khổ nạn và nhiều lần cận kề cái chết? Câu trả lời thật chẳng khó khăn gì. Đó là vì để tới được chân lý con người phải dấn thân với toàn bộ khát vọng, trí tuệ, ý chí và sự dâng hiến tột cùng.

Chân lý đâu chỉ ngày một ngày hai hay mấy tiếng đồng hồ mà tới được. Chân lý nhiều khi phải trả bằng máu hay cái chết của một dân tộc mới có được. Chứ chân lý làm sao lại có được dễ dàng như phóng xe máy ra cuối phố mua một can bia hơi hay là quần áo lụa là bước trên thảm nhung đi từng bước khoan thai trong rộn ràng tiếng trống phách, tiềng phèng la mà đến thẳng tới chân lý như đi trẩy hội để xin sớ, xin lộc nhà chùa được.

Hơn nữa, một người như Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hoá nhưng tâm đức chưa đủ để được chọn là người đón nhận và cầm giữ chân kinh. Cũng như chân lý đâu phải là thứ đặt vào tay ai cũng được. Sự thật cho chúng ta thấy có những người cầm giữ chân lý thì người ta tin theo và có những người cầm chân lý trên tay giơ lên và nói ra rả về chân lý mà cũng chẳng ai tin cả. Nếu để Tôn Ngộ Không hay Chu Bát Giới hay Sa Tăng quẩy trên vai một ghánh kinh vừa đi vừa oang oang : " Chân Kinh đây, Chân Kinh đây" cũng chỉ làm cho thiên hạ thêm nghi hoặc mà thôi.

Việc chọn Đường Tăng là chọn nhân sự cho một Đại sự của quốc gia nhà Đường. Bởi Đường Tăng là người có lòng từ bi rộng lớn, thanh tịnh đến vô cùng, lòng tham được triệt từ vĩnh viễn, lại có khát vọng sâu tựa lòng đất, cao tựa bầu trời, lại có trách nhiệm tột đỉnh đối với Vua Đường trong việc khai mở tư tưởng và Đạo sống cho muôn dân xã tắc, lại có lòng hy sinh vì nghiệp lớn của đất nước mà gạt bỏ mọi riêng tư...

Chỉ người như thế mới chạm được vào Chân Kinh, người như thế mới mang vác được Chân Kinh, người như thế mới được muôn dân và xã tắc tin tưởng sẽ lấy đúng Chân Kinh và truyền đúng Chân Kinh chứ không làm sai lệch. Vì kẻ nào làm sai lệch Chân Kinh như đánh tráo Chân Kinh hay mượn Chân Kinh mà phục vụ cho danh lợi của cá nhân mình thì ắt là ma quỷ.

Lại nói sao đường đi Tây Trúc hiểm trở và nguy nan đến vậy mà Đường Tăng lại dùng những kẻ giúp việc như Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng ? "Bản nhận xét cán bộ" về ba người giúp việc này được tóm tắt như sau:

Một: Ngộ Không có tài cao mà sống thiếu kỷ cương. Đúng sai đều nhận biết được nhưng xử lý thường tuỳ tiện, hay xử dụng lối trừng phạt mà không có ý thức giáo hoá. Ngộ Không tính lại nhiều lúc tự cao tự đại cứ nghĩ mình ở trên mọi người. Nhân sự Ngộ Không lại là người sống quá tự do, thích thì làm không thích lại bỏ về Hoa Quả Sơn chén chú chén anh với các huynh đệ, con cháu. Đại sự của quốc gia đâu cứ thích thì làm không thích thì bỏ.

Hai: Bát Giới lòng dạ tuềnh toàng không mưu mô nhưng lại ham sắc dục, ngại khó ngại khổ, thích hưởng lạc, dễ quên lý tưởng, vì một bữa ăn, vì một cô gái đẹp mà bỏ ngay sứ mệnh cao cả được giao của mình. Nhiều lần thấy cơm ngon, gái đẹp là rủ rê cả Đường Tăng ở lại hưởng thụ chứ Kinh kệ biết bao giờ lấy được.

Ba: Sa Tăng vốn là kẻ sát sinh, có tội, kiến thức hạn hẹp, chỉ làm theo lệnh mà không có sáng tạo, không có tư duy. Nếu rời khỏi sự chỉ giáo của Đường Tăng thì lại quay trở về chui xuống khúc sông cũ đợi khách qua đường kiếm ăn qua ngày đoạn tháng mà thôi.

Cả ba người này thường thì giúp Đường Tăng được một thì lại gây phiền cho Đường Tăng một. Với những người giúp việc như thế, nếu nghhĩ theo một phía thì thấy họ dễ cản trở con đường đến Tây Trúc của Đường Tăng. Nhưng nghĩ thêm phía khác thì thấy thật sâu sắc nhường nào.

Việc thu nạp những con người này vừa cho thấy sứ mệnh của giáo hoá và phép dùng người. Mỗi con người kia đều có mặt tốt mặt xấu, có mặt mạnh mặt yếu. Nếu chỉ nhìn vào khuyết tật hay lỗi lầm của họ trong quá khứ thì mãi mãi họ sẽ là những kẻ cản trở. Nhưng với lòng từ bi vô bờ, những người mà Thảo Dân này xin gọi vui là Ban tổ chức của Đức Phật đã giao phó cho Đường Tăng sứ mệnh đi lấy Chân Kinh bên cạnh đó là sứ mệnh giáo hoá chúng sinh.

Con đường đến với Chân Kinh cũng là con đường giáo hoá con người, biến những kẻ còn sống trong qúa nhiều ham muốn, sống trong cái tôi tuỳ tiện, sống trong bóng tối tâm hồn thành những người có ích cho xã hội. Đấy mới thực sự là Chân Kinh.

Thiết nghĩ mọi chân lý người xưa bằng cách này hay cách khác đã nói hết cả rồi.

Không biết quản ý tưởng sẽ sớm bị lãng quên

Nếu không có một hệ thống quản lý ý tưởng hiệu quá thì không sớm thì muộn, ý tưởng sẽ bị lãng quên.

Năm 2007, trước việc màn hình các thiết bị di động tỏ ra rất dễ vỡ khi bị rơi xuống đất, nhiều công ty sản xuất điện thoại loay hoay không thể tìm ra giải pháp khắc phục. Nhận thấy đây chính là cơ hội kinh doanh, một nhóm nhỏ nhân viên phòng Vật liệu đặc biệt của Corning Inc. đã lật tung kho dữ liệu của công ty để tìm kiếm công thức sản xuất loại kính dẻo và siêu bền có tên gọi Chemcor.

Vậy là công thức mà Corning đã tìm ra năm 1962 nhưng không thể áp dụng để sản xuất kính chống gió cho xe ôtô giờ đây lại được kiểm nghiệm để sản xuất màn hình cho điện thoại đi động.

Tuy nhiên, mất đến 300.000 USD cho một lần sản xuất thử nghiệm, vì thế, dưới áp lực về chi phí, người chịu trách nhiệm quản lý nhóm khi đó là James Steiner, CEO kiêm Phó Chủ tịch cao cấp, đã phản đối ý tưởng trên. Tuy nhiên, ông cũng thú nhận: "Khi đó tôi không hề có khái niệm sẽ sử dụng kính thủy tinh làm màn hình điện thoại di động."

Mặc dù vậy, Mark Matthews, trưởng nhóm nghiên cứu tỏ ra rất kiên trì và trước đây, trong một hoàn cảnh tương tự, chính linh cảm của anh đã mang lại thành công cho công ty. Năm 2003, Matthews phụ trách dự án tiếp thị một loại kính đặc biệt dùng trong sản xuất loại máy chiếu kỹ thuật số mà Texas Instrument (TI) đang theo đuổi. Dự án này được đánh giá là ẩn chứa nhiều rủi ro bởi tại thời điểm ấy, việc mua bán các sản phẩm công nghệ cao đang hết sức ế ẩm do hậu quả của vụ nổ bong bóng dotcom. Tuy nhiên, sản phẩm của TI lại được rất yêu chuộng. Hành động mạo hiểm của Matthews không chỉ đem lại thành công cho công ty mà còn cả tiếng thơm cho sếp của anh khi đó, Steiner.

Quyết định đặt niềm tin vào Matthews một lần nữa, Steiner quyết định "bật đèn xanh" cho công đoạn sản xuất thử nghiệm loại mặt kính điện thoại di động này.

Chỉ sau vài năm xuất hiện trên thị trường, Gorilla, loại mặt kính đặc biệt của Corning, đã đạt được thành công vang dội. Samsung, LG và Motorola đều sử dụng nó trong hàng chục mẫu điện thoại của họ, trong khi Dell cũng chọn loại kính đặc biệt này cho các mẫu laptop mà hãng sản xuất. Hiện nay, mỗi năm Gorilla mang về cho Corning doanh thu 100 triệu USD, mà dự kiến sẽ đạt đến 500 triệu USD vào năm 2015. Đó quả là một nguồn thu quan trọng của Corning.

Hệ thống quản lý ý tưởng

Cũng như nhiều công ty hàng đầu khác, Corning sở hữu một hệ thống quản lý ý tưởng kết sức chặt chẽ gồm 5 giai đoạn - cổng, theo đó ý tưởng sẽ được phát triển ở Cổng 1 và quá trình thương mại hóa để đưa sản phẩm ra thị trường sẽ được hoàn thành ở Cổng 5. Thành công của Corning thực sự là một ngoại lệ bởi có đến 95% công ty áp dụng hệ thống quản lý theo mô hình Giai đoạn - Cổng này nhưng chỉ 15% trong số đó thực sự hiệu quả.

Chìa khóa thành công của Corning nằm ở cách quản lý. Quá trình sáng tạo, thay vì là trách nhiệm của từng cá nhân, được Corning giao về cho từng nhóm đa chuyên môn - đa lĩnh vực. Sẽ có hai đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo quá trình hợp tác giữa các nhóm, các thành viên trong nhóm diễn ra suôn sẻ là: Hội đồng công nghệ công ty và Hội đồng tăng trưởng và chiến lược nằm dưới sự quản lý của các nhà lãnh đạo cấp cao. Hội đồng thứ nhất chuyên trách xử lý những ý tưởng ở giai đoạn sơ khai để bàn giao cho Hội đồng thứ hai khi ý tưởng có thể được thương mại hóa.

Thuyết phục các nhà nghiên cứu

"Đại bản doanh" cho các hoạt động nghiên cứu của Corning là Sullivan Park Research Center tại Erwin, Newyork. Tại đây, Corning đã tích cực thuyết phục, tuyển chọn các nhà khoa học cho dự án Gorilla, đồng thời ra sức hỗ trợ những hoạt động liên kết giữa các nhóm thương mại và nghiên cứu. Sau nhiều nỗ lực, Corning cũng thuyết phục được 100 nhà nghiên cứu tham gia toàn bộ hoặc một phần dự án Gorilla. Steiner khẳng định: "Các nhà khoa học của chúng tôi sẽ làm việc tại nơi mà họ biết họ sẽ làm nên sự khác biệt và được kính trọng."

Quá trình sản xuất thử nghiệm bắt đầu vào tháng 12/2007. Bốn tháng sau, sản phẩm Gorilla của Corning có được khách hàng đầu tiên và đến tháng 6/2008, công suất nhà máy được nâng lên tối đa. Về sau, công ty phải mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Những kỳ vọng của công ty

Thành công của Gorilla là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận. Chế độ lương thưởng của các trưởng bộ phận sẽ được ban lãnh đạo đánh giá dựa trên kết quả cuối cùng. Điều này giúp các trưởng bộ phận hiểu được rằng họ đang được kỳ vọng có thể tạo ra một trong những sản phẩm hứa hẹn nhất của công ty. Đây là một bước tiến dài so với cách làm thông thường: trưởng bộ phận nhận lệnh từ CEO và bắt tay phát triển sản phẩm. Nhưng khi vị CEO mắc sai lầm và có những chỉ đạo chệch hướng, quá trình sản xuất có thể bị đình chỉ. Trong trường hợp của Corning nói trên, sự can thiệp của CEO là không thật sự lớn.

Trong suốt quá trình phát triển Gorilla, các nhà khoa học của dự án thường xuyên được tiếp xúc trực tiếp với những khách hàng tương lai. Nhờ đó, họ có thể tiên liệu trước một số nhu cầu từ khách hàng đối với sản phẩm.

Giai đoạn cuối của quá trình phát triển sản phẩm này chiếm rất nhiều nguồn lực của công ty khiến cho các dự án khác vì thế mà bị tạm hoãn. Do đó, làm sao giữ cho các đơn vị hoạt động trong trạng thái hưng phấn khi mà nguồn lực lại bị giới hạn là bài toán khó cho quản trị sáng tạo. Hành động của Corning trong trường hợp này là vẫn duy trì hoạt động nghiên cứu phát triển bước đầu ở một số dự án, đồng thời điều nhân lực nhàn rỗi từ những các dự án bị tạm hoãn sang các dự án đang được triển khai và tránh không để xảy ra tình trạng sa thải nhân viên.

Corning đã thành công khi duy trì được trạng thái cân bằng mà ít công ty khác có được. Một số công ty có quy trình phù hợp nhưng nhân viên lại không tin tưởng và hợp tác với nhau; một số công ty khác có được sự đoàn kết của nhân viên nhưng lại thiếu quy trình và hệ thống khuyến khích sự sáng tạo từ họ. Lấy 3M là ví dụ, dù công ty này cho phép nhân viên sử dụng 10% thời gian làm việc để theo đuổi sở thích cá nhân của mình nhưng, ngoài giấy ghi chú Post-It, tỷ lệ sản phẩm xuất phát từ sáng tạo của nhân viên ở công ty này còn rất khiêm tốn.

Nếu không có một hệ thống quản lý ý tưởng hiệu quá thì không sớm thì muộn, ý tưởng sẽ bị lãng quên. Tuy nhiên, ở Corning, vấn đề này được giải quyết tốt khi họ có sự cân bằng giữa "thoải mái" và "chặt chẽ": thoải mái khi sáng tạo ý tưởng nhưng rất chặt chẽ trong quá trình ra quyết định.

- Bài viết của William J. Holstein trên Harvard Business Publishing -

Hoàng Đăng dịch

22/2/10

Khi nào yêu cầu là bất khả thi và không hiệu quả?

Các khung năng lực (competency frameworks) đã gần như bắt buộc trong các tổ chức lớn và vừa. Có những tổ chức chi ra hàng triệu đôla để các nhà quản lý làm theo. Nhưng liệu làm theo khung năng lực này có giúp họ đạt được thành quả? Việc các tổ chức và nhà quản lý hàng năm đặt ra mục tiêu có kết quả hơn thì đây sẽ là một câu hỏi hữu ích.

Khung năng lực bao gồm các quan niệm chính - "nhóm định hướng" - "tập trung vào kết quả" - "định hướng thành quả" - "kỹ năng tiếp thu" - để chỉ ra những cách hành động và kỹ năng có giá trị nhất cho tổ chức. Nó trình bày một cách chi tiết về những việc mà tổ chức muốn nhà quản lý phải thể hiện, và khi nào thì năng lực của nhà quản lý chưa đạt yêu cầu. Nó đang được sử dụng để vạch ra các kể hoạch phát triển.

Tất nhiên, tất cả các công ty đều muốn có những nhà quản lý giỏi, và có vẻ như đó là hoàn toàn hợp lý khi yêu cầu mọi người làm theo một tiêu chuẩn. Nhưng khung năng lực thường thiếu sót trong mục đích hướng tới và thậm chí là không hiệu quả.

Tôi đã được nghe ba lời phàn nàn đặc biệt về các khung năng lực:

1. Chúng quá cồng kềnh. Việc cố gắng để bao quát toàn diện đã khiến các tổ chức đòi hỏi 15, 20, thậm chí 300 yêu cầu về năng lực cho một công việc duy nhất. Với những yêu cầu vu vơ, yêu cầu mọi người phải đạt được những thứ không thể kiểm soát được. Những đòi hỏi chất lượng quá đáng khiến cả những nhà quản lý tuyệt vọng và những người cảm nhận thấy nản lòng vì những mục đích thiếu rõ ràng của tổ chức.

Ảnh: upknowledge.com

2. Các yêu cầu mà chúng đặt ra là bất khả thi. Hãy nhìn xem đã có bao nhiêu khung năng lực được phát triển: Một tổ chức xác định một người quản lý giỏi trong kinh doanh dựa trên việc bán hàng, lợi nhuận, doanh thu, và các tiêu chuẩn khác. Và sau đó đưa trở lại những yêu cầu này vào trong bản yêu cầu năng lực. Khó khăn là ở chỗ đó: mặc dù bề ngoài điều này tỏ ra hợp lý, nhưng quá trình này là một sự lầm tưởng lớn - đó là việc cho rằng những yêu cầu cao dành cho một nhóm cũng có thể dành cho một cá nhân.

Hãy thử tưởng tượng một tổ chức, sau khi nhận thấy một vài nhà quản lý giỏi là người hướng nội hoặc hướng ngoại, đã đề ra yêu cầu một cá nhân phải đồng thời là người hướng nội và hướng ngoại. Hy vọng điều này sẽ không xảy ra bởi rõ ràng hướng nội và hướng ngoại là hai tương quan trái ngược nhau - nếu cái này tăng thì cái kia phải giảm. Tuy vậy trong khung làm việc thì lỗi này là thường xuyên và lặp lại rất nhiều lần.

Cách đây không lâu tôi đã làm việc cho một tổ chức mà 5 năm trước họ đã bỏ ra 3 triệu USD để thay đổi lại khung năng lực cùng với việc xoay 360 độ các tiêu chuẩn và việc đánh giá năng lực, và họ cũng hướng việc quản lý theo tiêu chuẩn này. Nhưng họ sớm cảm thấy tuyệt vọng. Không một khóa huấn luyện nào có thể giúp Helen, người điều hành cấp cao về việc bán hàng trở thành người "nỗ lực vì thành quả", và đạt yêu cầu cho "nhóm định hướng".

Cùng yêu cầu cho hai năng lực "tự tin vào khả năng lãnh đạo" và "cởi mở tiếp nhận thông tin phản hồi", một năng lực đi lên thì năng lực kia lại đi xuống. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu của thông tin phản hồi và nhận thấy đúng như mình đã nghĩ: rất nhiều yêu cầu trong đó, trên thực tế, đối nghịch nhau, khiến cho khung yêu cầu của Helen và rất nhiều người khác, không thể đạt được. Đó là động cơ thúc đẩy? Không chắc là như vậy.

3. Chúng thúc đẩy sự tầm thường hơn là xuất sắc. Thật không may, những người kém thường có thế lực hơn những người giỏi. Khi nhận được những ý kiến phản hồi về việc mình đang sắp xếp năng lực mọi người như thế nào, thay vì hỗ trợ để giải quyết vấn đề, hầu hết các nhà lãnh đạo (và sếp của họ), vẫn chọn những người kém nhất để phát triển. Dù bỏ ra bao nhiêu thời gian và tiền bạc, vẫn không thể đảm bảo rằng những người kém có thể trở thành những người xuất sắc, kém thường gần với trung bình hơn. Và phát triển những người kém trở thành trung bình đem lại một kết quả duy nhất: những nhà quản lý trung bình.

Nếu công ty của bạn chuẩn bị có một khung năng lực thì dưới đây là một vài lời khuyên:

- Tạo một danh sách chặt chẽ và mạch lạc về những phẩm chất mong muốn. Tốt nhất chỉ chọn ra ít hơn 10 phẩm chất mà bạn muốn cho bộ máy quản lý của mình.

- Kiểm tra để các phẩm chất không bị đối lập nhau.

- Luôn ý niệm được trong đầu mục đích chính của tổ chức - Hãy nhớ rằng nhiệm vụ chính là nâng cao các kỹ năng và thu hút khách hàng. Thay vì tập trung vào việc họ thiếu kỹ năng, mà hãy giúp họ tăng cường các kỹ năng trên trung bình.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng tổ chức tốt nhất là một tổ chức đa dạng, nơi mà mọi người có thể thể hiện những kỹ năng đặc biệt của mình.

- Bài viết của Susan David trên Harvard Business Publishing. Bà là người đứng đầu của viện Huấn luyện Harvard/Mclean, một giảng viên của ĐH Harvard, và hội viên của viện nghiên cứu Yale. Bà còn là người sáng lập ra Evidence Based Psychology, một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo và tư vấn quản lý chuyên tập trung vào việc phát triển các nhà quản lý kinh doanh.

Quốc Dũng dịch

http://www.tuanvietnam.net/2010-02-11-khi-nao-yeu-cau-la-bat-kha-thi-va-khong-hieu-qua-

Việt Nam phải tư duy lại hai lần về Giáo dục

Bài toán giáo dục xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Giáo dục* Việt Nam đã qua hơn 20 năm đổi mới và phát triển, gắn liền với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội. Bản chất của tiến trình đổi mới này là sự cởi trói về cơ chế, giải phóng năng lượng vốn có trong các lĩnh vực, đem lại nguồn lực và động lực cho phát triển.

Tuy nhiên, cả GD và kinh tế sẽ bước vào vòng luẩn quẩn nếu chỉ tiếp tục dựa vào nguồn năng lượng được giải phóng từ sự cởi trói nói trên. Đất nước ta đang rất cần nguồn năng lượng mới từ những tiếp cận mới trong phát triển kinh tế cũng như GD.

Đối với kinh tế, gợi ý cho lời giải của bài toán có thể tìm thấy trong các mô hình kinh tế, chẳng hạn mô hình về các giai đoạn phát triển công nghiệp hoá của Michael Porter.

Đối với GD, đáng tiếc là các nhà khoa học GD không thành công như các nhà khoa học kinh tế trong việc đưa ra các mô hình phát triển. Vì thế, cần tư duy lại những vấn đề cơ bản của GD trong bối cảnh mới, trong nước cũng như quốc tế.

Giáo dục đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

Thế kỷ XX đã xác lập, củng cố và hoàn thiện mô hình GD như chúng ta thấy hiện nay. Đó là mô hình tương thích với cách sản xuất hàng loạt và theo chuẩn của nền văn minh công nghiệp. Trong mô hình này, từ việc tổ chức trường lớp, xây dựng chương trình GD, đến cách dạy, cách học và cách đánh giá đều mang dấu ấn của tư duy và phương pháp sản xuất công nghiệp.

Trong bước chuyển hiện nay của thế giới sang nền văn minh trí tuệ, mô hình trên cùng hàng loạt vấn đề cơ bản của GD đang được các nhà GD trên toàn thế giới tư duy lại.

Sự nổi lên của kinh tế tri thức buộc các chính phủ nhận thức lại vai trò của GD. GD cùng với khoa học và công nghệ trở thành cỗ máy chính trong sự vận hành của nền kinh tế tri thức. Vì thế GD trở thành một kênh đầu tư quan trọng hàng đầu của nhà nước, xã hội và cá nhân. Nói cách khác, không chỉ khoa học mà cả GD cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mô hình GD truyền thống, theo kiểu hàng loạt của nền văn minh công nghiệp, được xem xét lại, thậm chí bị phủ định để tái tạo. Nhiều mô hình mới đã được đề xuất như mô hình GD mở, mô hình GD cá biệt hoá, mô hình công nghiệp GD.

Tương lai của GD cũng không đơn giản, như trước đây, là sự kéo dài của quá khứ. Điều đó chỉ đúng khi GD chuyển động trong một môi trường với tốc độ biến đổi chậm về thông tin và tri thức. Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và khó lường như ngày nay, tương lai của GD trở thành bất định. Nó có thể là một chuỗi các phân nhánh, các bước nhẩy, các gián đoạn. Và vì thế nên từ bỏ tư duy về một tương lai của GD để thay thế bằng tư duy về những tương lai của GD.

Có điều, khác với thế giới, Việt Nam phải tư duy lại hai lần về GD. Một lần là tư duy lại những vấn đề cơ bản và chung nhất của GD như đã nói ở trên. Lần nữa là tư duy lại những vấn đề của GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường.

Nhưng lần tư duy thứ hai khó khăn hơn nhiều. Đó là vì mô hình GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường chưa hề có trong lịch sử. Việt Nam phải tự tìm lấy lời giải từ quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài

Thế giới đã tốn nhiều giấy mực để viết về các thành công vượt bậc của Trung Quốc trong phát triển kinh tế suốt ba thập kỷ qua. GD Trung Quốc, với vai trò kế sách trăm năm chấn hưng đất nước, đã đóng góp không nhỏ vào thành công này.

Tháng 9/2005, một phái đoàn quan chức cao cấp về GD của Mỹ, sau khi tham quan, tìm hiểu bước phát triển GD hiện nay của Trung Quốc đã nhận định: "Ấn tượng sâu sắc nhất mà phái đoàn mang theo khi về nước là các nhà lãnh đạo GD Trung Quốc toàn tâm toàn ý, quyết tâm và kiên định hoàn thiện GD nhằm đưa dân tộc mình thoát khỏi nghèo nàn và tạo ra một dân cư có trình độ kỹ năng cao để cạnh tranh trong kinh tế thế giới"[1].

Đúng là bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, lấy GD làm đòn bẩy chuyển gánh nặng dân cư thành sức mạnh về nhân lực và nhân tài, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thế nhưng, các vấn đề bức xúc của GD Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam. Chất lượng GD chuyển biến chậm, bất cập trước yêu cầu cao về nguồn nhân lực. Sự mất công bằng xã hội trong GD giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền vẫn là một thách thức lớn. Tâm lý chuộng bằng cấp, tình trạng học vẹt, nạn thu phí tuỳ tiện, tệ tham nhũng học đường, sự gian dối và cơ hội trong công việc, thói quan liêu cửa quyền trong quản lý...vẫn là những tồn tại, yếu kém dai dẳng.

Bài toán GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Tuy nhiên, để có lời giải trước những vấn đề mới nẩy sinh, Trung Quốc có cách tư duy mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi, theo phương châm "miễn sao bắt được chuột". Trung Quốc chấp nhận thị trường GD với quan niệm cần từ bỏ cách tiếp cận "tình cảm đạo đức" cùng những quan niệm không thực tế để thực hiện luật chơi chung trong một thế giới phẳng.

Trung Quốc cũng nổi tiếng trong việc áp dụng các giải pháp không truyền thống, như giải pháp "giữ 1 đồng, thả 1 đồng, thu hút 1 đồng" trong đổi mới cơ chế tài chính GD theo hướng tập trung ngân sách nhà nước cho các ưu tiên GD, chuyển tài sản nhàn rỗi của nhà nước để phát triển GD dân lập, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong GD.

Phần tiếp: Tư duy lại GD, kể cả những cái coi là bất biến


* Trong bài viết này, khái niệm giáo dục bao gồm cả đào tạo

[1] Education in China: Lessons for US Educators; Asia Society, Business Roundtable, Council of Chief State School Officers, 2005

http://www.tuanvietnam.net/2010-01-18-viet-nam-phai-tu-duy-lai-hai-lan-ve-giao-duc


Dạy con theo kiểu... Tây

Ảnh minh họa: Crealy.co.uk.
Ảnh minh họa: Crealy.co.uk.

Trong khi bố mẹ Việt thường giữ con ở nhà, ít nhất trong tháng đầu, thì trẻ Tây ngay từ khi mới sinh đã có thể được đưa đến công viên bằng xe nôi và cho đi "vầy nước" ở hồ bơi khi mới tầm 10 ngày tuổi.

Đa phần bố mẹ Việt cho rằng trẻ sơ sinh, hay đã vài tháng tuổi, còn quá nhỏ để có thể bế ra khỏi nhà. Đa phần trẻ em Việt Nam được giữ và chăm sóc trong nhà để tránh gió, tránh nắng. Nếu có đứa bé ra sân nhà hay ngõ xóm thì lúc nào cũng phải nào yếm, nào khăn rồi vớ tay, vớ chân đủ cả.

Việc đưa trẻ sơ sinh đến hồ bơi hay tổ chức nghịch nước trong vườn nhà chẳng hạn thì hầu như là không bao giờ có. Có những trẻ đã lên hai vẫn không hề được đưa đến hồ bơi lần nào. Và trong suốt những năm tháng đầu đời, có trẻ chưa được một lần "vày nước" với ý nghĩa thực sự của từ này. Các bà, các chị khi tắm cho cháu, cho con phải luôn chuẩn bị khăn tã đầy đủ để có thể tắm thật nhanh, rồi bế bé ngay vào lau khô, mặc quần áo.

Trong khi đó, đối với những người ngoại quốc sống và làm việc tại TP HCM thì việc đưa trẻ đến công viên và hồ bơi gần như là hoạt động hằng ngày. Trẻ ngay từ khi mới sinh đã có thể được tập cho dạn nắng, dạn gió bằng cách đưa đến công viên bằng xe nôi, cho trẻ làm quen với những tiếng động của đời sống hằng ngày xung quanh.

Sáng sáng đi dạo quanh khu vực phường Thảo Điền, quận 2, nơi người nước ngoài tập trung sinh sống, bạn có thể nhìn thấy một cách thường xuyên cảnh các bà mẹ xách em bé chừng 2-3 ngày tuổi trong giỏ (dành riêng để xách em bé khi đi dã ngoại) hoặc địu con chừng một tháng tuổi phía trước bụng, tay dắt em bé lớn của mình đến trường. Sau khi cho bé lớn vào trường thì các bà mẹ sẽ cùng em bé nhỏ kia đến công viên hoặc đi shopping.

Trong tầm 10 ngày tuổi thì các bà mẹ bắt đầu cho bé đi "vầy nước" ở hồ bơi trong cái nắng buổi sáng tầm 8 giờ.

Play-date

Play-date có nghĩa là các bà mẹ sẽ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để có thể trông coi một nhóm chừng 5-6 trẻ cùng nhóm tuổi với nhau và những gia đình quen biết nhau có thể mang con đến chơi ở nhà một bà mẹ. Play-date sẽ được tổ chức luân phiên giữa các bà mẹ trong một nhóm với nhau, thường diễn ra ở nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Play-date là một khái niệm còn khá mơ hồ trong ý thức của bố mẹ Việt, hay có thể nói là hoàn toàn không có. Bố mẹ Việt có xu hướng co cụm, hướng nội vì sợ mất thời gian hoặc một số khác là quá bảo vệ con dẫn đến không muốn đưa con còn nhỏ của mình tiếp xúc với nhóm đông các bạn cùng lứa tuổi, dễ gây ra té ngã hay đánh lộn sứt đầu mẻ trán.

Bố mẹ Việt thường đưa con đến mẫu giáo rồi đón về nhà. Trẻ về đến nhà sẽ có một vài lựa chọn là chơi với bà, với cô giúp việc hoặc được bật TV cho xem, để người lớn khỏi phải trông, còn tiện làm công việc lặt vặt trong nhà.

Trong khi đó, play-date được tổ chức khá thường xuyên trong nhóm bố mẹ người ngoại quốc. Sau giờ học, giờ sinh hoạt của nhóm trẻ ở trường, các bà mẹ sẽ đưa con đến nhà bạn để chơi thêm chừng 1-2 giờ. Các bà mẹ phương Tây cho rằng đây không chỉ là cách san sẻ giúp đỡ giữa người lớn với nhau, tạo điều kiện để mỗi bà mẹ có một ngày rảnh rỗi cho riêng mình mà còn là giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc chia sẻ đồ chơi cùng nhau cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú.

Ngủ lang

Ngủ lang có vẻ như là một điều tối kỵ trong ý thức của bố mẹ Việt. Một bà mẹ trí thức khi được hỏi về chuyện này đã buông một câu chắc nịch: "Đừng có mơ. Em không bao giờ cho con em đi ngủ lung tung ở nhà bạn như vậy".

Trong khi đó, một đứa trẻ lớp 3 của trường quốc tế (tầm 7 tuổi) sẽ được trường tổ chức một vài đêm "sleep over" tại trường trong suốt năm học. Mục đích là để trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ khi không có bố mẹ hay một sự trợ giúp nào khác từ phía người thân.

Thứ đến là để trẻ có thể thiết lập được tình bạn khăng khít, giúp đỡ nhau trong cùng khối lớp. Trong một khoảng thời gian không phải là giờ học, trẻ được thoải mái cùng nhau chơi đùa và nói chuyện, bàn luận về tất cả những vấn đề mình quan tâm.

"Ngủ lang" trong phạm vi các gia đình với nhau cũng được các bậc phụ huynh phương Tây khuyến khích. Ví dụ, con bạn có thể thông báo với bố mẹ là mình muốn mời bạn A, B, C đến ngủ cùng. Thường là do sợ ảnh hưởng đến giờ học của các ngày trong tuần nên việc ngủ lang trong nhóm bạn chỉ được bố mẹ cho phép vào các đếm thứ sáu và thứ bảy hằng tuần.

Một hình thức khác thú vị hơn của ngủ lang là cắm trại nhóm gia đình. Trong khoảng thời gian này, các ông bố bà mẹ trao đổi với nhau về công việc, nuôi dạy con cái, các vấn đề ở trường, lớp của con, những mối lo ngại chung... còn lũ trẻ dĩ nhiên là được trải nghiệm một cuộc sống thực tế thú vị cùng nhau - đó là những kỷ niệm quý báu sau này khi trẻ lớn lên.

(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/02/3BA18BC3/

9/1/10

'Cơ chế lương lãnh đạo tập đoàn không quá bất hợp lý'

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2010/01/3BA177C2/

"Chi phí tiền lương được quy định rất chặt chẽ, không ai hưởng cao hơn được đâu, có cho cả đống tiền anh quản lý cũng không dám ăn", Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi trao đổi với VnExpress.net.

- Thưa ông, sau báo cáo của Kiểm toán nhà nước về lương của lãnh đạo SCIC có rất nhiều ý kiến trái chiều về cơ chế trả lương cho lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay?

- Tôi chưa tiếp cận tài liệu của kiểm toán, nên chưa hiểu cách làm nghiệp vụ tiền lương ở đấy. Để kiểm toán được anh phải hiểu đúng về tiền lương và thế nào là giới hạn quyền quản lý của nhà nước và quyền quản lý của doanh nghiệp. Jestar Pacific là công ty cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương do họ quyết định. Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, số hoạt động 4.000-5.000, bây giờ chỉ đưa ra anh Jestar Pacific, rồi bảo so sánh lương tổng giám đốc là không ổn.

Mặt khác, theo cơ chế hiện nay, chi phí tiền lương được quy định rất chặt chẽ, không ai hưởng cao hơn được đâu, có cho cả đống tiền anh quản lý cũng không dám "ăn". Cái cần quan tâm là khoản chi hoạt động cho thành viên hội đồng quản trị ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào. Và phải xem cán bộ quản lý có "ăn" vào chi phí sản xuất không. Nếu tiết kiệm được chi phí sản xuất thì bằng mấy quỹ lương vì quỹ lương chỉ chiếm 5-7%, cùng lắm là 10% chi phí sản xuất.

- Ông đánh giá thế nào về cơ chế trả lương cho lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay?

- Cơ chế hiện nay cơ bản là được, không quá bất hợp lý. Vì vẫn lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm đầu, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn để quản lý việc chi trả này. Nếu anh lỗ một năm thì thế này, hai năm sẽ mất chức. Còn lãi thì không phải anh được ăn cả. Cái chưa được hiện nay là lối chia lương theo kiểu cào bằng bình quân nên không trở thành động lực cho lãnh đạo doanh nghiệp. Bây giờ người ta tạo ra 10 đồng lợi nhuận, không cho một đồng thì làm sao có cơ chế khuyến khích.

Phải phân biệt lao động quản lý là lao động ứng trước, định hướng sản xuất, công nghệ, mặt hàng, thị trường... và quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn lao động trực tiếp chỉ thực hiện theo đúng ý đồ đó, làm trọn nhiệm vụ. Nếu lãnh đạo định hướng sai thì dù công nhân có tận tâm tận lực bao nhiêu càng lỗ to bấy nhiêu. Cho nên phải chăm lo cho lao động quản lý, tạo ra một đội quân thật giỏi. Người ta bảo một người lo bằng kho người làm là ở chỗ đó.

- Mới đây, Bộ Lao động lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định tiền lương đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của nhà nước. Theo đó, nếu tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của công ty tăng thì tiền lương bình quân của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc tối đa không vượt quá 8-10 lần tiền lương bình quân của lao động. Ông nhìn nhận thế nào về cơ chế trả lương này?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi: "Cái cần quan tâm là cán bộ quản lý có ăn vào chi phí sản xuất không?". Ảnh: Hồng Khánh.

- Đó là cơ chế phân phối tiền lương và có cái gì đó bất bình đẳng. Một lao động chẳng phải đào tạo gì nhiều, chỉ hướng dẫn vài ngày là làm được, trong khi một người để đảm đương vị trí kia họ phải được đào tạo, phải có kinh nghiệm trong bao nhiêu năm, mà lương chỉ cao hơn vài lần thì còn ai làm. Họ sẽ chạy ra làm cho nước ngoài.

Các giám đốc làm cho công ty nước ngoài ngoài lương cao, không có thu nhập nào khác. Cơ chế tài chính của họ quản lý sở hữu rất chặt chẽ, không có chuyện anh lấy tiền của tôi, thương hiệu của tôi để làm giàu cho cá nhân. Nhưng anh làm tốt thì tôi sẽ đối xử với anh tốt, khoảng cách lương của người quản lý với lao động lên tới hàng trăm lần. Thử xem nước phát triển như Singapore, lương nhiều quản lý lên tới 6-10 triệu USD một tháng.

- Vậy theo ông, để thu hút người tài, cơ chế tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nên như thế nào?

- Lương phải trả hợp lý, khuyến khích và thực sự là động lực để họ bỏ hết tài năng, trí tuệ cho công việc của mình. Cụ thể phải trả lương cao, nâng khoảng cách chênh lệch với lương bình quân của lao động, vì đó là xu thế của tất cả các nước, đâu phải chỉ Việt Nam. Việt Nam mình bao nhiêu năm làm theo kiểu cào bằng. Chúng ta chăm lo đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng cũng phải đòi hỏi họ thật sự tận tâm tận lực, phải kiểm soát phương thức quản trị làm sao để họ tiết kiệm chi phí sản xuất, không lợi dụng quản lý vốn, vị trí, thương hiệu và toàn bộ ưu thế của mình để làm giàu cho cá nhân.

Cái này hiện nay chưa làm được nên lao động mới bất bình. Trong khi doanh nghiệp tư nhân, tôi bổ nhiệm anh làm giám đốc, nếu anh không có năng lực thì không dám làm. Nhưng doanh nghiệp nhà nước thì khác, mong được bổ nhiệm làm lãnh đạo, vì không phải vất vả, lo lắng tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất, tạo lợi nhuận. Doanh nghiệp nhà nước nhiều thứ có từ bao nhiêu năm nay rồi, vấn đề là ai được làm, chứ không phải ai làm được.

- Tại hội nghị phòng chống tham nhũng mới đây, có ý kiến cho rằng cần tăng lương cho cán bộ công chức, người làm ở các đơn vị sự nghiệp để chống tham nhũng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Lương chỉ là một biện pháp. Đúng là phải trả cho người ta đúng, hợp lý, đủ cao để hạn chế tham nhũng. Nhưng quan trọng là cần có cơ chế kiểm soát về tài sản để họ không thể tham nhũng được. Thứ nữa là phải có cơ chế xử lý nghiêm để khi tham nhũng thì bị phát hiện và đã phát hiện được thì bị xử lý. Thực tế hiện nay có nơi trả lương cao nhưng người ta vẫn tham nhũng.

Còn nói về lương công chức, viên chức trong khu vực hành chính sự nghiệp, cho đến bây giờ chỉ còn cán bộ công chức hành chính quản lý nhà nước, cộng với đảng, mặt trận, đoàn thể là lương thấp. Giáo dục đã có phụ cấp ưu đãi ngành, vừa rồi đưa vào luật phụ cấp thâm niên. Cán bộ y tế, chỉ có phụ cấp ưu đãi, nhưng vẫn đi sau giáo dục và không có phụ cấp thâm niên. Tại sao vậy, xem lao động của y tế với lao động nhà giáo ai vất vả hơn? Tôi không phủ nhận chăm lo cho ngành giáo dục là quan trọng vì từ cổ chí kim ai cũng coi trọng giáo dục. Nhưng vấn đề là phải gắn với chất lượng, hiệu quả. Vế thứ hai ta chưa làm được.

Theo tôi chính sách lương phải hợp lý, tức là đối với cán bộ công chức phải cao hơn mức bình quân của doanh nghiệp, nhưng họ cũng phải làm như doanh nghiệp, tức là phải tạo ra hiệu quả. Muốn vậy phải xem lại đội ngũ cán bộ công chức người nào làm tốt, người nào không đảm bảo yêu cầu công việc.

- Vậy ông đánh giá thế nào về mức lương cho đội ngũ cán bộ công chức hiện nay?

- Nếu đánh giá thì vừa chưa được, vừa quá được. Chưa được với người tận tâm tận lực làm việc vì đất nước. Nhưng lại quá cao với người chỉ có chân trong cơ quan, mà không đảm bảo về chất lượng, yêu cầu công việc. Trước Quốc hội, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về việc một phần ba cán bộ công chức làm việc tốt, một phần ba thực hiện theo ý đồ chỉ đâu đánh đấy, một phần ba còn lại có cho thêm đông vui, nhưng nhiều lúc gây rắc rối phiền phức.

- Nếu được giao trách nhiệm hoạch định chính sách tiền lương, ông sẽ có những thay đổi gì?

- Nếu cho tôi làm thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống thang bảng lương của khu vực nhà nước. Lương chức vụ là lương chức vụ, lương chuyên môn là lương chuyên môn, không phải vừa có lương, vừa có phụ cấp. Mức lương phải cụ thể chứ không phải hệ số. Quản lý hệ số khi trượt giá quá nhiều, tiền lương thay đổi liên tục. Còn bây giờ đã đi vào ổn định thì phải để hệ thống thang bảng lương ổn định.

Ngoài ra, khu vực nhà nước lương còn nhiều điểm bất hợp lý, như trả theo kiểu già cả lên lão làng, yếu tố thâm niên nhiều quá. Lương trả không theo công việc và chức vụ, đã lên chức rồi khi thôi chức lương vẫn thế, không giảm. Đặc biệt là cách trả theo kiểu cào bằng, người làm tốt, người làm xấu như nhau, cứ đến thời hạn là lên.

Hồng Khánh thực hiện