21/8/11

Bất lực - Bất mãn - Bất phục

Bài phát biểu của TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam tại cuộc họp lãnh đạo nhân dịp tổng kết quý I/2010 của FPT Software:

FPT đang đặt ra những mục tiêu lớn.

Để đạt được earning 6.000 tỷ VND vào năm 2014 như anh Bình đã phát biểu trong ĐHCĐ, chúng ta cần có tốc độ tăng trưởng earning toàn tập đoàn là 47% hàng năm.

Để trở thành đế chế như Samsung, FPT phải giữ được tốc độ này trong 15 năm. FPT Software là một trong những công ty đầu tàu, càng phải phát triển hơn nữa.

Có rất nhiều điều cần phải làm, nhưng tôi chỉ muốn nhắc đến 3 trạng thái mà các cán bộ lãnh đạo FPT Software phải luôn quan tâm khắc phục nhanh.

Bất lực

Là trạng thái mà cán bộ bó tay nhìn sự việc xảy ra, không có những hành động quyết liệt hoặc thậm chí biện hộ bằng kêu cứu "hệ thống, cơ chế" hoặc đá bóng 1 chạm cho cấp dưới.

Tác hại: Sự việc hiếm khi được giải quyết đến cùng. Trình độ cán bộ suy giảm dần.

Nguyên nhân của bệnh này là cán bộ không sâu, ngại khó, nắm không vững tình hình, thiếu cái "dũng" của người lãnh đạo.

Thuốc chữa: Nhắm mắt xông vào. Nếu không giải quyết được vấn đề thì trạng thái tâm lý của nhân viên dưới quyền cũng được cải thiện đáng kể. Ngay trong y học, người ta cũng đã chứng minh rằng khả năng chữa bệnh được tăng lên đến 40% nhờ trạng thái tâm lý tốt của bệnh nhân.

Bất mãn

Là trạng thái không hài lòng với mọi người xung quanh, với cấp trên, với đồng nghiệp, với hệ thống, luôn cho là mình không được đánh giá xứng đáng.

Tác hại: Ảnh hưởng nặng nề đến nhân viên, giảm năng suất lao động.

Nguyên nhân của bệnh này: Chủ quan thường là do trạng thái sức khỏe kém, hoặc không theo kịp những thay đổi xung quanh. Khách quan thì thường là do bị sếp trên/khách hàng chê nhiều, gặp thất bại liên tiếp.

Thuốc chữa: Chăm chỉ rèn luyện thân thể, lạc quan, nói thẳng vấn đề, tìm người chia sẻ.

Bất phục

Là trạng thái không tuân lệnh, hoặc tuân lệnh nhưng trong lòng không phục, làm cho xong.
Tác hại: Không bộc lộ rõ vấn đề, năng suất lao động thấp, thiếu sự tin tưởng giữa các cấp.

Nguyên nhân: Thường do bị giáo dục định kiến theo kiểu phong kiến, cấp trên là thượng cấp, phải toàn tài, phải tâm phục, khẩu phục.

Thuốc chữa: Luôn giữ thế chủ động cho bản thân. Nhận việc ngay, phân tích kỹ, sẵn sàng từ chối.

Nguyễn Thành Nam

Thứ 5, 29/04/2010 03:12 PM