22/2/10

Việt Nam phải tư duy lại hai lần về Giáo dục

Bài toán giáo dục xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Giáo dục* Việt Nam đã qua hơn 20 năm đổi mới và phát triển, gắn liền với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội. Bản chất của tiến trình đổi mới này là sự cởi trói về cơ chế, giải phóng năng lượng vốn có trong các lĩnh vực, đem lại nguồn lực và động lực cho phát triển.

Tuy nhiên, cả GD và kinh tế sẽ bước vào vòng luẩn quẩn nếu chỉ tiếp tục dựa vào nguồn năng lượng được giải phóng từ sự cởi trói nói trên. Đất nước ta đang rất cần nguồn năng lượng mới từ những tiếp cận mới trong phát triển kinh tế cũng như GD.

Đối với kinh tế, gợi ý cho lời giải của bài toán có thể tìm thấy trong các mô hình kinh tế, chẳng hạn mô hình về các giai đoạn phát triển công nghiệp hoá của Michael Porter.

Đối với GD, đáng tiếc là các nhà khoa học GD không thành công như các nhà khoa học kinh tế trong việc đưa ra các mô hình phát triển. Vì thế, cần tư duy lại những vấn đề cơ bản của GD trong bối cảnh mới, trong nước cũng như quốc tế.

Giáo dục đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

Thế kỷ XX đã xác lập, củng cố và hoàn thiện mô hình GD như chúng ta thấy hiện nay. Đó là mô hình tương thích với cách sản xuất hàng loạt và theo chuẩn của nền văn minh công nghiệp. Trong mô hình này, từ việc tổ chức trường lớp, xây dựng chương trình GD, đến cách dạy, cách học và cách đánh giá đều mang dấu ấn của tư duy và phương pháp sản xuất công nghiệp.

Trong bước chuyển hiện nay của thế giới sang nền văn minh trí tuệ, mô hình trên cùng hàng loạt vấn đề cơ bản của GD đang được các nhà GD trên toàn thế giới tư duy lại.

Sự nổi lên của kinh tế tri thức buộc các chính phủ nhận thức lại vai trò của GD. GD cùng với khoa học và công nghệ trở thành cỗ máy chính trong sự vận hành của nền kinh tế tri thức. Vì thế GD trở thành một kênh đầu tư quan trọng hàng đầu của nhà nước, xã hội và cá nhân. Nói cách khác, không chỉ khoa học mà cả GD cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mô hình GD truyền thống, theo kiểu hàng loạt của nền văn minh công nghiệp, được xem xét lại, thậm chí bị phủ định để tái tạo. Nhiều mô hình mới đã được đề xuất như mô hình GD mở, mô hình GD cá biệt hoá, mô hình công nghiệp GD.

Tương lai của GD cũng không đơn giản, như trước đây, là sự kéo dài của quá khứ. Điều đó chỉ đúng khi GD chuyển động trong một môi trường với tốc độ biến đổi chậm về thông tin và tri thức. Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và khó lường như ngày nay, tương lai của GD trở thành bất định. Nó có thể là một chuỗi các phân nhánh, các bước nhẩy, các gián đoạn. Và vì thế nên từ bỏ tư duy về một tương lai của GD để thay thế bằng tư duy về những tương lai của GD.

Có điều, khác với thế giới, Việt Nam phải tư duy lại hai lần về GD. Một lần là tư duy lại những vấn đề cơ bản và chung nhất của GD như đã nói ở trên. Lần nữa là tư duy lại những vấn đề của GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường.

Nhưng lần tư duy thứ hai khó khăn hơn nhiều. Đó là vì mô hình GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường chưa hề có trong lịch sử. Việt Nam phải tự tìm lấy lời giải từ quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài

Thế giới đã tốn nhiều giấy mực để viết về các thành công vượt bậc của Trung Quốc trong phát triển kinh tế suốt ba thập kỷ qua. GD Trung Quốc, với vai trò kế sách trăm năm chấn hưng đất nước, đã đóng góp không nhỏ vào thành công này.

Tháng 9/2005, một phái đoàn quan chức cao cấp về GD của Mỹ, sau khi tham quan, tìm hiểu bước phát triển GD hiện nay của Trung Quốc đã nhận định: "Ấn tượng sâu sắc nhất mà phái đoàn mang theo khi về nước là các nhà lãnh đạo GD Trung Quốc toàn tâm toàn ý, quyết tâm và kiên định hoàn thiện GD nhằm đưa dân tộc mình thoát khỏi nghèo nàn và tạo ra một dân cư có trình độ kỹ năng cao để cạnh tranh trong kinh tế thế giới"[1].

Đúng là bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, lấy GD làm đòn bẩy chuyển gánh nặng dân cư thành sức mạnh về nhân lực và nhân tài, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thế nhưng, các vấn đề bức xúc của GD Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam. Chất lượng GD chuyển biến chậm, bất cập trước yêu cầu cao về nguồn nhân lực. Sự mất công bằng xã hội trong GD giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền vẫn là một thách thức lớn. Tâm lý chuộng bằng cấp, tình trạng học vẹt, nạn thu phí tuỳ tiện, tệ tham nhũng học đường, sự gian dối và cơ hội trong công việc, thói quan liêu cửa quyền trong quản lý...vẫn là những tồn tại, yếu kém dai dẳng.

Bài toán GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Tuy nhiên, để có lời giải trước những vấn đề mới nẩy sinh, Trung Quốc có cách tư duy mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi, theo phương châm "miễn sao bắt được chuột". Trung Quốc chấp nhận thị trường GD với quan niệm cần từ bỏ cách tiếp cận "tình cảm đạo đức" cùng những quan niệm không thực tế để thực hiện luật chơi chung trong một thế giới phẳng.

Trung Quốc cũng nổi tiếng trong việc áp dụng các giải pháp không truyền thống, như giải pháp "giữ 1 đồng, thả 1 đồng, thu hút 1 đồng" trong đổi mới cơ chế tài chính GD theo hướng tập trung ngân sách nhà nước cho các ưu tiên GD, chuyển tài sản nhàn rỗi của nhà nước để phát triển GD dân lập, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong GD.

Phần tiếp: Tư duy lại GD, kể cả những cái coi là bất biến


* Trong bài viết này, khái niệm giáo dục bao gồm cả đào tạo

[1] Education in China: Lessons for US Educators; Asia Society, Business Roundtable, Council of Chief State School Officers, 2005

http://www.tuanvietnam.net/2010-01-18-viet-nam-phai-tu-duy-lai-hai-lan-ve-giao-duc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét