25/1/08

Ngày của những cảm xúc

Buổi sáng

Mở màn là vụ thực tập của khoa Ngôn ngữ học, kéo dài từ hôm qua. Những câu nói quen thuộc: "Năm trước vẫn làm như thế". Nghe ra rất thuận tiện để người mới giải quyết nhưng ngẫm lại mới thấy có một điều cấn suy nghĩ: Sự rập khuôn. Khi được đề nghị cần căn cứ vào thực tại để giải quyết công việc chứ không thể cứ lấy năm trước ra làm tiêu chuẩn: Ngạc nhiên. Điều đó có phải là dấu hiệu của tâm lý ngại thay đổi không nhỉ? Nếu sợ thay đổi thì làm sao sáng tạo được nhỉ?

Buổi sáng (tiếp theo)

Câu chuyện của Tâm lý học lâm sàng. Mọi người đến đầy đủ và đúng giờ. Lần đầu gặp các chuyên gia ở ngoài: GS Bản, TS Hoè, TS Siêm, PGS Cúc (trông còn rất trẻ và ...), những người bình dị và đã góp nhiều công đào tạo hơn 100 sinh viên chuyên ngành này trong 7 năm qua.

Câu chuyện xoay quanh việc làm sao cho chất lượng đào tạo tốt hơn. Ý kiến của các chuyên gia ở ngoài lại cho thấy mức độ trong cuộc của họ còn cao hơn chính những người của khoa. Vì sao thế thì dài lắm. Tóm lại, đó là câu chuyện quản lý cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Khi mọi người đang cũng nghĩ đến việc làm gì cho Tâm lý học lâm sàng thu hút được sinh viên giỏi thì vẫn có những tính toán về lợi ích, bon chen của insiderman. Xấu hổ quá!

Buổi trưa

Cơm rất ngon. Ăn xong, Quân nói chuyện phần mềm. Hoá ra có những tính năng của phần mềm mà hắn vẫn chưa biết. Lo quá đi mất.

Buổi chiều

Lại câu chuyện thực tập. Ức chế quá! 25 sinh viên có 1 giáo viên hướng dẫn, 26 sinh viên yêu cầu có 2 giáo viên hướng dẫn. Mình biết là người hướng dẫn thực tập nào có sung sướng gì khi lặn lội miền sơn cước. Vì thế, dẫu có thêm 1 người cũng sẻ chia được sự vất vả cho nhau nhưng quy định thì cần làm cho đúng. Quy định có sai thì phải sửa mới làm được chứ. Đằng này, cái cách làm việc của thầy Cổn làm mình cũng không kiềm chế được. Bụp! Chẳng hay ho gì. Thôi dẹp chuyện đó đi. Tốt nhất là sớm chuẩn hoá những điều này nếu không thì còn thời gian đâu mà nghĩ những chuyện khác nữa. Lại một vấn đề của quản lý.

Tiếp đến là chuyện thống kê. Tưởng đơn giản như 1 + 1 = 2. Nhưng đằng sau của những con số lại là câu chuyện khác. Sự lúng túng khi thực hiện vì dữ liệu không đồng bộ do người trong phòng không có ai lo những việc này, cũng chẳng có mẫu biểu thống nhất nữa. Sự chậm trễ do không hiểu đúng yêu cầu công việc cho thấy có những việc còn đang thiếu người phụ trách. Lại là một vấn đề của quản lý.

Cuối giờ, Cường ngồi đọc báo online. Là lính mới (thử việc) nhưng anh bạn này có vẻ chưa xác định được những việc cần làm. Mình có trách nhiệm trong chuyện này. Nhưng dù sao, tuổi 26 rồi mà hắn vẫn chưa hiểu rõ thử việc thì cần làm gì thì kể cũng đáng quan tâm thật.

Buổi tối

Gặp vợ yêu được một lát. Thấy yêu đời hơn nhiều nhiều. Nhớ em quá! Vẫn nghe được tiếng nói. Vẫn nhìn thấy dáng hình. Nhưng vẫn nhớ. Thế mới biết khi xưa các tiền bối rất giỏi. Chỉ có thư viết tay, đằng đẵng bao lâu mới nhận được. Thế mà vẫn thuỷ chung son sắt. Đó là đức tính tuyệt vời của người Việt. Quý lắm thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét