25/3/08

Người cựu binh đi bộ từ Bắc vào Nam

Tuổi Trẻ Online - Thứ Ba, 25/03/2008, 05:39 (GMT+7)

TT - Những ngày này trên đường thiên lý Bắc - Nam, có thể bạn sẽ nhìn thấy một người đàn ông mặc quân phục, tập tễnh đi những bước khó nhọc. Đó là cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Ông dự kiến sẽ có mặt tại TP.HCM vào ngày 30-4, sau 70 ngày xuất phát từ Hà Nội.

"8g15 ngày 11-3-2008, khi chúng tôi đang trực tại cơ quan thì chú Trần Ngọc Sơn bước vào. Sau khi nghe chú trình bày, chúng tôi thật sự xúc động và cảm phục trước tinh thần, ý chí của chú. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, thế hệ chú Sơn là tấm gương để chúng tôi học tập".

Đó là những dòng chữ của chị Phan Thị Thu Thủy (hiện công tác tại khu di tích đôi bờ Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị) ghi trong cuốn nhật ký lộ trình đi bộ của cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn khi ông đặt chân lên đất Quảng Trị. Sau hai ngày nghỉ chân tại Quảng Trị để viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đường 9, Thành cổ Quảng Trị, ông Sơn lại khoác balô lên đường.

Vị cựu chiến binh cho biết: ông xuất phát ngày 18-2-2008 tại trụ sở của Hội Cựu chiến binh VN (TP Hà Nội). Hành trang mang theo của ông là chiếc balô đựng vài bộ quần áo để thay cùng mấy hộp thuốc phòng khi đau ốm dọc đường.

Chỉ xuống đôi chân phồng rộp, bong tróc hết lớp da, ông bảo: "Khi biết tôi có ý định đi bộ xuyên Việt để thăm lại chiến trường xưa, vợ và các con tôi không tán thành bởi chặng đường quá dài trong khi tôi mất đến 61% sức khỏe. Nhưng tôi vẫn quyết tâm được thăm lại chiến trường xưa, nơi từng tham gia chiến đấu đồng thời qua đó rèn luyện ý chí, nghị lực bản thân mình".

Trước chuyến đi này, mỗi ngày dù nắng hay mưa, ông đều tập luyện đi bộ 30-40km để cơ thể quen dần với điều kiện thời tiết, đường sá rồi tích cóp số tiền nhỏ để chuẩn bị chuyến đi. "Luyện tập vậy chứ trên đường đi vào đây nhiều lúc cứ tưởng không thể đi nổi bởi bàn chân tê cóng vì giá rét. Bây giờ thì khá hơn rồi bởi cơ thể đã quen dần với thời tiết, bàn chân quen với mặt đường nên mỗi ngày cũng đi được bình quân 30-40km như hồi còn luyện tập đi bộ ở quê”.

Xốc lại chỉnh tề chiếc balô bạc phếch bụi đường, ông Sơn cho biết thêm: nếu chuyến đi này thành công thì sang năm (2009), ông sẽ thực hiện chuyến đi khác không phải chỉ mình ông mà cõng thêm một đồng đội bị cụt chân cùng đi với mình. Ông giải thích: "Đơn giản chỉ vì những đồng chí ấy không thể tự đi về thăm nơi mà họ đã dành một phần thân thể".

Ông Trần Ngọc Sơn nhập ngũ tháng 8-1972, được phiên vào trung đoàn 51 (thuộc Tỉnh đội Thái Bình). Sau đó, ông được điều về Tổng cục Kỹ thuật (trực thuộc Bộ Quốc phòng) rồi được cử đi học lái xe. Trong những ngày diễn ra cuộc chiến ác liệt để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông cùng đồng đội trên những chuyến xe tải lương thực, vũ khí, đạn dược có mặt tại Quảng Trị. Năm 1975, ông được chuyển sang trung đoàn 288 (sư đoàn 395) cho đến năm 1983 thì sức khỏe ông yếu dần mà không rõ nguyên nhân. Năm 1984 khi sinh đứa con thứ ba không lành lặn ông mới nghi mình nhiễm chất độc da cam quái ác. Ông xuất ngũ sau đó khi sức khỏe yếu nhanh.

HOÀNG TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét