1/5/08

Nghe Mike George bàn về những nguyên tắc lãnh đạo

(Lanhdao.net) - 12h15 phút, 29/4/2008 (BUNGBU). Đã quá giờ kết thúc như dự kiến gần một tiếng đồng hồ, nhưng những người tham dự buổi hội thảo "Những nguyên tắc thành công cho lãnh đạo cấp cao" vẫn say sưa đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời từ chuyên gia Mike George. Dường như ai cũng nghĩ rằng, được gặp và trao đổi trực tiếp với một trong năm người nổi tiếng nhất trên thế giới về lĩnh vực phát triển kỹ năng lãnh đạo như Mike George quả là một cơ hội hiếm có, thế nên, càng tranh thủ được nhiều thời gian càng tốt.

Chuyên gia Mike George tại buổi hội thảo. Ảnh NA

Số lượng người tham gia buổi hội thảo, đa phần là các nhà lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp, có lẽ đông hơn so với dự kiến của ban tổ chức. Những người đến sau phải ngồi ở mấy hàng ghế kê thêm phía dưới. Ai cũng được nhận một món quà ngay từ khi bước vào cửa - cuốn sách "An nhiên" của tác giả, đồng thời là diễn giả của buổi hội thảo - Mike George.

Mike George là tác giả của 8 cuốn sách bán chạy nhất được dịch ra 15 ngôn ngữ khác nhau, chủ yếu tập trung về khả năng nhận thức bản thân. Ông còn là một diễn giả giúp phát triển tinh thần trong 25 năm qua. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực:

- Phát triển bản thân.

- Phát triển quản lý.

- Phát triển lãnh đạo

Mike George đã bắt đầu buổi hội thảo bằng hai tiếng "xin chào" cho dù ông không biết tiếng Việt nhiều. Cả khán phòng đã bao trùm một không khí thân thiện và cởi mở. Ông say sưa trình bày về trí tuệ cảm xúc trong công việc, cách để chiến thắng sự căng thẳng và hiểu được những nguyên lý kiểm soát bản thân.

Năm khía cạnh kém nhất của những nhà lãnh đạo ít thành công

Ông lập luận rằng, 5 khía cạnh yếu kém nhất của những nhà lãnh đạo ít thành công nhất là:

(1) không nhạy cảm với cảm giác của người khác;

(2) không nhận ra được trạng thái căng thẳng của người khác;

(3) thất bại trong việc phát triển cũng như hướng dẫn nhân viên của mình;

(4) không khuyến khích người khác đóng góp ý kiến cho mình;

(5) thất bại trong việc phân tích các ảnh hưởng trước khi đưa ra quyết định".

Tất cả những khía cạnh đó đều có một điểm chung, đó chính là: sự thiếu hiểu biết về con người.

Vậy nên, ông khẳng định rằng, trí tuệ cảm xúc (EQ) hay còn gọi là khả năng phát triển mối quan hệ giữa những cá nhân với nhau - là một thành phần vô cùng quan trọng trong sự phát triển của quản lý và lãnh đạo. Khía cạnh cốt lõi của trí tuệ cảm xúc được xác định như việc nhận ra cảm giác, kiểm soát cảm xúc và khả năng tạo dựng sự đồng cảm trong quan hệ. Điều này bao gồm cả khả năng ngăn ngừa và kiểm soát sự căng thẳng.

Khi một người tham dự đặt câu hỏi: "Hàng ngày, nhà lãnh đạo phải xử lý biết bao tình huống đau đầu. Có người xem giận dữ là một cách giải tỏa căng thẳng nhanh. Ông nghĩ sao về điều này?", Mike George đưa ra một so sánh rằng: "Nếu bạn chơi tennis 2 tuần một lần, dần dần bạn sẽ chơi giỏi. Vậy nên, nếu bạn cứ giận dữ nhiều, thì rồi bạn sẽ "giỏi giận dữ" và thường xuyên giận dữ. Vậy thì điều này chẳng giúp giải tỏa căng thẳng chút nào. Và cách đối xử tốt nhất với sự giận dữ, là đừng đè nén nó, cũng đừng bộc lộ nó, mà hãy chuyển hóa nó. Tất nhiên, tốt hơn cả vẫn là đừng tạo ra nó, thì sẽ không phải làm gì", ông cười.

Những người tham dự chăm chú nghe chuyên gia Mike George trình bày quan điểm. Ảnh: NA.

Trong ảnh thấp thoáng TS Trần Văn Hải (kekeke)!!!

Các bước chuyển đổi khôn ngoan

Mike George cho rằng, với các nhà lãnh đạo, quản lý ngày nay, việc có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA - Master of Business Administration) không quan trọng bằng MBWA (Managing By Walking Around), có thể hiểu là quản lý bằng cách luôn ở xung quanh nhân viên và quan tâm đến họ. Ông cũng khá dí dỏm khi cho rằng, nhà lãnh đạo cần có "điều mà phụ nữ thường có, nhưng đàn ông ít có", đó là trực giác.

Theo Mike George, nếu chọn một yếu tố lớn nhất làm cho một công ty trở nên đáng ngưỡng mộ, thì đó chính là khả năng lãnh đạo. Để chuyển đổi từ vũ lực sang sức mạnh của kỹ năng lãnh đạo đích thực cần qua 7 bước, đó là:

Bước 1: Từ cái tôi kiêu ngạo đến khiêm nhường. Nguyên tắc của bước này là: Hãy để suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn xuất phát từ sự khiêm nhường.

Bước 2: Từ chống đối đến chấp nhận. Nguyên tắc của bước này: Hãy chấp nhận mọi người như họ vốn là. Hãy chấp nhận mọi thứ như chúng vốn thế và hãy bắt đầu hành động.

Bước 3: Từ đồ vật sang con người - bước chuyển đổi về cách nhìn người. Nguyên tắc: Hãy đối xử với mọi người như những con người chứ đừng đối xử với họ như nguồn nhân lực.

Bước 4: Từ sai bảo sang đề nghị. Nguyên tắc: Nhà lãnh đạo là người biết đặt ra câu hỏi.

Bước 5: Từ sống còn sang phục vụ. Nguyên tắc: Hãy là một người lãnh đạo phục vụ chứ đừng là một nhà lãnh đạo vật lộn để sống còn.

Bước 6: Từ niềm tin sang giá trị - nghĩa là hãy thôi bị ảnh hưởng bởi những gì bạn "nghĩ" là đúng và hãy nhận ra điều bạn thực sự "quan tâm" là gì.

Nguyên tắc: Hãy đào một dòng kênh thật sâu vào trong những giá trị cốt lõi của bạn và hãy luôn giữ cho con kênh đó được khơi mở.

Bước 7: Từ kiểm soát sang ảnh hưởng. Nguyên tắc: Hãy làm cho việc học tập các kỹ năng đem lại tầm ảnh hưởng cho cuộc đời bạn là một dự án học tập lâu dài.

Ông đã dành khá nhiều thời gian để trả lời những thắc mắc của những người tham dự. Ông nói rằng ông cảm thấy rất vui vì bài nói chuyện của mình... không khiến ai buồn ngủ, và hội trường vẫn đông kín sau giờ giải lao.

Từng tham gia huấn luyện cho các doanh nghiệp, tập đoàn và cộng đồng thuộc hơn 30 quốc gia trên thế giới để phát triển tinh thần con người và tổ chức, thế nhưng trước câu hỏi: "Ông ấn tượng nhất khi đến nói chuyện ở nước nào?", Mike "cảnh báo" rằng: "Các bạn sẽ không thích câu trả lời của tôi đâu". Và ông đáp lại rất ngắn gọn: "Tôi không bao giờ bị ấn tượng". Dường như, đó cũng chính là một cách quản lý bản thân của riêng Mike.

Nguyệt Ánh

1 nhận xét:

  1. Hic hic. Hum do em da du dinh den tham du roi ma lai ko di dc.

    Trả lờiXóa