Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn nói: "Lương tâm chức nghiệp mới chỉ là điều được hô hào nhưng chưa đi vào đời sống thường ngày của công chức, trong khi lương tâm là yếu tố quyết định của công chức - nhân tố trung tâm của nền hành chính".
Thiếu hành lang pháp lý kín kẽ
- Thưa ông, dư luận vẫn lên tiếng, trong nhiều trường hợp cần giải quyết thủ tục hành chính, có tiền đưa cho "cò" hoặc lót tay trực tiếp cho công chức thì sẽ nhanh được việc. Như vậy, vấn đề chính là lương tâm công chức, chứ không phải khó giải quyết?
- Đúng vậy. Con người, nhân tố trung tâm trong cải cách hành chính, chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta hay nhắc đến thủ tục rườm rà, nhưng thủ tục cũng là do con người đặt ra. Có thể con người trình độ kém nên đặt ra thủ tục rườm rà, nhưng cũng có thể có trình độ và chủ động làm ra vậy để có cơ hội nhũng nhiễu.
Lương tâm chức nghiệp nằm trong chuyển biến chung của xã hội: nhiều giá trị cũ đang bị bỏ đi, sa sút, nhưng chuẩn mực mới lại chưa được thiết lập.
- Vì sao có sự sa sút về lương tâm chức nghiệp của công chức, thưa ông?
- Chúng ta chưa xây dựng được một hành lang pháp lý kín kẽ, đủ mạnh để đối với những việc tiêu cực, công chức không muốn làm, không dám làm, và dù muốn cũng không làm được.
Phải có những quy định chặt chẽ, chẳng hạn tiêu chuẩn ISO, để buộc công chức phải làm việc theo chuẩn mực về chất lượng và thời hạn, không thể ngưng.
Công chức hiện nay thiếu động lực để có lương tâm. Nếu chỉ dừng ở hô hào tiết kiệm thì không thể có sự tự giác. Tương tự, nếu chỉ hô hào tinh giản biên chế, cấp kinh phí theo đầu người, thì hầu hết cơ quan sẽ cho rằng mình không thừa công chức, do thủ trưởng nào cũng muốn có nhiều nhân viên để giải quyết công việc.
Gần đây xuất hiện mô hình khoán kinh phí hoạt động hành chính. Công chức tiết kiệm sẽ trực tiếp có quyền lợi. Ngoài ra, mô hình khoán biên chế khiến các cơ quan tinh giản công chức đến tối đa để tăng thu nhập cho những người được giữ lại làm việc. Nhờ vậy, công chức sẽ cố gắng thực hiện trách nhiệm của mình.
Những mô hình làm tăng lương tâm chức nghiệp như trên cần được nhân rộng.
Thay "máu" bộ máy
- Dự thảo Luật Công vụ đang được góp ý và sắp được trình Quốc hội. Ông có góp ý gì cho dự thảo nhằm nâng cao lương tâm chức nghiệp của công chức?
- Cơ chế đào thải công chức yếu về năng lực và lương tâm cần chặt chẽ, khắt khe. Cần sát hạch định kỳ công chức trong thời gian ngắn, tránh tình trạng cứ nửa làm nửa chơi từ ngày này sang ngày khác, khi để xảy ra sai phạm lớn mới bị xét cho nghỉ việc.
Năng lực thường đi liền với lương tâm. Nhưng cách thi công chức hiện nay quá hình thức, chưa đúng nghĩa là thi, mới dừng lại ở thi viết để nâng ngạch giữa những người đã vào cơ quan, dễ xảy ra tiêu cực. Đề bài không đánh giá được đầy đủ năng lực của công chức. Tôi từng tham gia coi thi công chức và thu hàng giỏ tài liệu do các công chức mang vào phòng thi. Nhiều người còn in tài liệu thành 3 - 4 bộ, để bị thu giữ bộ này thì còn bộ khác.
Cần đặt ra yêu cầu cụ thể cho mỗi vị trí và đưa ra đề thi riêng cho vị trí đó, kết hợp cả thi viết và thi vấn đáp, mở rộng đối tượng dự thi ra cả những người ngoài cơ quan.
Đối với một số vị trí chỉ huy, cũng nên cho thi tuyển cạnh tranh giữa nhiều ứng viên. Trước đây, một lý do khiến đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng không được thực hiện là việc tuyển dụng có thể trái với bổ nhiệm của cấp uỷ Đảng; và người có chức danh trong cấp uỷ Đảng có thể thi trượt, nhường chỗ cho người chân ướt, chân ráo.
Nhưng có thể khắc phục việc này bằng cách tổ chức thi để chọn ra vài người có điểm số tương đương nhau, để cấp trên xem xét, chọn, bổ nhiệm một người.
Làm cho công chức tự hào về nghề nghiệp
- Có ý kiến cho rằng, muốn nâng cao lương tâm chức nghiệp của công chức, cần làm cho họ tự hào về nghề nghiệp của mình, từ đó đi tới tự trọng. Ông nghĩ sao?
- Muốn vậy, trước hết cần làm cho công chức không mặc cảm về công việc của mình. Và muốn vậy, cần cải thiện mức lương để người công chức xoá mặc cảm, có thể yên tâm làm việc, không dám vi phạm quy định, vì nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc.
Hằng năm, người Nhật lấy mức lương trung bình của 100 doanh nghiệp để trả cho công chức. Chính vì vậy, khu vực công thu hút được người có năng lực, không bị chảy máu chất xám.
Ở Nhật, các công ty thường mời những công chức đã nghỉ hưu về làm việc cho họ và các công chức này là niềm tự hào của công ty.
- Một giải pháp cho việc nâng lương là đẩy mạnh xã hội hoá, bớt sự ôm đồm quá sức của cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế. Theo ông, những lĩnh vực quản lý nào có thể xã hội hoá được?
- Công chứng cần được nhanh chóng biến thành công chứng tư. Một số việc mà Nhà nước đang ôm đồm có thể giao cho các hiệp hội. Chẳng hạn, trong quản lý các lĩnh vực, hiệp hội ra quy chuẩn và theo dõi việc thực hiện quy chuẩn. Dựa trên những thông tin này, cơ quan nhà nước ra quyết định.
Hai lĩnh vực giáo dục và y tế cần rạch ròi giữa khu vực công, khu vực tư.
TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ, Trưởng ban biên tập dự thảo Luật Công vụ:
"Hiện đã có quy định rõ chế độ trách nhiệm của công chức về hành chính, hình sự, dân sự, bồi thường thiệt hại vật chất gây ra trong khi thực thi công vụ. Pháp lệnh cán bộ công chức năm 1998 đã quy định những gì công chức không được làm, trong đó có những việc liên quan đến sản xuất kinh doanh, bố trí nhân sự trong cơ quan, bảo vệ an ninh, bí mật quốc gia.
Cái chính là nâng cao nhận thức, quản lý hiệu quả hoạt động của công chức.
Trong dự thảo Luật Công vụ đang được góp ý, đối với vấn đề đào thải công chức, nhiều người ủng hộ quy định nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định, thì đưa ra khỏi công vụ. Chúng tôi đang nghiên cứu hai thời hạn đánh giá công chức: 6 tháng và 1 năm xem cách nào hiệu quả hơn.
Sẽ có nhiều đổi mới mang tính cách mạng trong thi tuyển công chức: nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển, đảm bảo tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tuyển chọn công chức. Chúng tôi đang nghiên cứu để đổi mới thi tuyển công chức theo hướng không đưa ra đề thi đại trà mà đưa ra yêu cầu cụ thể cho mỗi vị trí việc làm.
Mặt khác, tất nhiên có một bộ phận công chức tiêu cực, thiếu lương tâm, các cơ quan cần có trách nhiệm giáo dục công chức, nhưng phải nói tâm lý người dân còn nặng chuyện phong bì, đứng trước việc gì cũng cho rằng phải có bồi dưỡng mới giải quyết được. Hiện tượng này tạo ra tiền lệ, thói quen cho công chức.
Cần nhận thức giải quyết công việc là nghĩa vụ của công chức, không thể coi đi cửa sau là lẽ đương nhiên".
Nguồn: VietNam Net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét