(copy từ blog của GẤU XẤU XÍ - xin phép đặt cái tên cho entry trên blog của tớ nha!)
Nếu bạn không quan tâm đến vấn đề này . . .
Entry thứ I: ĐÔ THỊ HÓA VÀ PHÁT TRIỂN: PHI LỘ 1. Trước hết bàn qua về phát triển.
Nhiều nhà nghiên cứu phát triển luôn đặt câu hỏi đi tìm một mô hình phát triển phù hợp cho các nước nghèo đói và chậm phát triển. Kể từ khi kết thúc chiến tranh Thế giới II, hàng loạt quốc gia thuộc địa giành được độc lập và bắt tay vào thời kỳ tự chủ, đồng nghĩa với tự quyết định con đường phát triển của chính mình. Khi đó, khoảng thập niên 1950 trở đi, thuật ngữ "phát triển" chiếm vị trí số một trong mọi diễn đàn thảo luận của những người nghiên cứu cũng như thực hành về khoa học xã hội và kinh tế chính trị. Mô hình nào có thể học tập và theo đuổi? Người ta nhìn ngay đến phương Tây - thế giới giàu có ở phía Bắc bán cầu và xem đó như là hình mẫu cần vươn tới.
Mô hình phương Tây chiếm vị trí độc tôn trong các thuyết phát triển bấy giờ, nhưng điều trớ trêu là sau vài thập niên, mô hình này tỏ ra không hiệu quả và người ta phản biện nó tập trung chủ yếu ở góc độ "tăng trưởng kinh tế”, “con người” vẫn không phát triển. Hơn thế, chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, hàng loạt quốc gia đang phát triển đã thất bại và khủng hoảng, tiếp tục lệ thuộc phương Tây dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa, như một đối trọng với phương Tây, với sự ra đời của các nước thế giới thứ 2, cũng sụp đổ sau một giai đoạn chạy đua duy ý chí vào phát triển công nghiệp nặng và thiết lập chế độ tập trung bao cấp làm trì trệ toàn bộ nền sản xuất. Một số quốc gia XHCN cũ gia nhập vào thế giới thứ nhất còn lại là thế giới thứ 3.
Người ta buộc phải nhìn nhận lại quan niệm về "phát triển" và kể từ nửa cuối thập niên 1960 trở đi, nội hàm của phát triển đã chuyển trọng tâm sang hướng "con người", con người phải phát triển (không phải bị động to be developed mà là chủ động develop themself), với khả năng tự chủ trong kiểm soát môi trường và cuộc sống của họ, với những cơ hội đạt đến những giá trị nâng cao mà họ mong muốn.
Học thuyết Truyền thông Phát triển ra đời trong hoàn cảnh này. Mở đầu là Daniel Lerner, Wilbur Schramm, cho đến hàng loạt các nhà nghiên cứu đã bắt đầu coi truyền thông là đòn bẩy của sự phát triển. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này sau.
Vậy phương Tây đã phát triển như thế nào?
Đến tận thế kỷ 18, các nước Tây Âu vẫn trong tình trạng nghèo khó. Chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, với sự ra đời của hàng loạt công xưởng sản xuất hiện đại, phương Tây chính thức bắt đầu vào công cuộc công nghiệp hóa. Công nghiệp phát triển nảy sinh đô thị hóa, thương mại dịch vụ và tài chính. Thế giới phương Tây dần dần tiến đến giàu có, thịnh vượng và văn minh.
Nó khởi nguồn từ thời kỳ công nghiệp hóa ở châu Âu thế kỷ 18, mà Anh Quốc là nước đi đầu. Các nước phát triển phương Tây đều đi theo mô hình công nghiệp hóa - đô thị hóa - thương mại hóa - hiện đại hóa và dần dần dẫn đến thịnh vượng, giàu có. Cộng thêm vào đó là một quá trình khai thác thuộc địa và buôn bán vũ khí trong chiến tranh. Cũng có một số trường hợp, ở quy mô cộng đồng nhỏ, thương mại hóa phát triển trước khi công nghiệp hóa, khi đó đô thị hóa lại có trước công nghiệp hóa, cố thể xem trường hợp của Hà Lan.
Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa này cần những điều kiện "mềm" mà như nhiều người phân tích đã đề cập, trong đó phải kể đến học giả Nguyễn Gia Kiểng, đó là tự do, dân chủ và đi kèm là một nhà nước dân chủ kiểu tư sản. Đồng ý, tự do, dân chủ, người dân có quyền tự quyết và tham gia vào quá trình hoạch định sự phát triển cho chính bản thân mình. Đó là điều kiện nền tảng. Tuy nhiên, giả sử điều kiện này đạt được, thì con đường nào để phát triển là câu hỏi mà nhiều người lại bỏ qua hoặc trả lời qua quít. Ngay cả những người nêu ra mô thức mới về “phát triển” chủ yếu là nêu ra những tiêu chí, những cách tiếp cận mới về phát triển chứ không hoặc rất ít chỉ ra con đường phát triển, ở phạm vi quốc gia là đi lên giàu có thịnh vượng như thế nào?
Cho đến hiện tại, dường như chỉ có một con đường mà phương Tây đã đi qua, dù trọng tâm hay động lực chính có thể khác nhau: công nghiệp hóa, thúc đẩy sản xuất và giao thương ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, tranh thủ mọi nguồn vốn để xây dựng một xã hội phồn thịnh. Đô thị phát triển cùng lúc với con đường này. Và không có ai phủ nhận công nghiệp hóa là tiền đề, là bước khởi đầu của con đường phát triển.
Việt Nam đề ra chủ trương CNH, HĐH đất nước cũng chính là đi theo con đường này, chả có gì khác cả. Nhưng cần nhận thức rõ đó là điều kiện tiên quyết, không phải mục đích vươn tới. Chúng ta có quyền chất vấn lại mục tiêu: năm 2020 đưa VN cơ bản trở thành nước công nghiệp. Theo quan điểm cá nhân, đây là sự xót lại của tư duy duy ý chí. Điểm mấu chốt là CNH như thế nào, chắc chắn nó không giống với những gì đã diễn ra với phương Tây 2 thế kỷ trước, bởi bối cảnh và điều kiện đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta sẽ bàn về chủ đề này sau khi tập hợp các tài liệu khác.
2. Đô thị hóa là tất yếu.
Tại sao lại tất yếu: đô thị hóa ở phương diện tập trung sẽ tạo ra cơ hội phát triển về việc làm, nhà ở, thu nhập. Mặt khác, như trên đã nói, một cách tự nhiên, đô thị hình thành cùng với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa, từ đó đạt đến mục tiêu hiện đại hóa. Và từ đô thị hóa thành công, kéo theo cùng lúc sự phát triển của nông thôn theo hướng hiện đại.
Nhưng lưu ý, chúng ta đang nói đến sự phát triển quốc gia, chứ chưa bàn đến phát triển con người. Đô thị phản ánh khá rõ bộ mặt phát triển về góc độ hiện đại hóa của một quốc gia. Nhưng để đánh giá mức độ phát triển toàn diện của nó, còn phải căn cứ trên các tiêu chí khác thuộc phạm vi con người. Con người có “hiện đại hóa” hay không, không phải luôn tỉ lệ thuận và suy ra dễ dàng từ quá trình hiện đại hóa quốc gia.
Trong quá khứ, ta thấy hàng loạt đô thị trên khắp thế giới hình thành nên bởi sự trao đổi thương mại mở rộng, mà phần nhiều nhờ các lợi thế cảng biển, hoặc vị trí địa lý thuận lợi. Ở Việt Nam cũng có những ví dụ của đô thị hóa sơ khai với Hội An, phố Hiến và đương nhiên là Hà Nội - Kẻ Chợ, ra đời nhờ có buôn bán, cho dù là buôn bán tiểu thương.
Tuy nhiên, điều thú vị cần làm rõ hơn, đó là: hàng loạt đô thị già cỗi của phương Tây ra đời từ cuộc cách mạng đại công nghiệp. Ở thời điểm cuối thế kỷ 18, đầu 19, phương Tây thống lãnh nền sản xuất tư bản, cộng thêm khai thác thuộc địa, họ đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, những đô thị già này đã và đang ngừng phát triển mở rộng, trái lại xuất hiện xu hướng đô thị ngược (counter-urbanization) khi dân nội thành chuyển dần ra các vùng ngoại ô hoặc nông thôn sinh sống.
Trong khi đó, các đô thị trẻ chừng 50-60 tuổi lại sinh ra từ quá trình thương mại hóa nội địa, khu vực và toàn cầu (ngay bản thân các đô thị già cũng dần chuyển sang hướng này), cùng với đó là phát triển các ngành “công nghiệp mềm”. Đô thị hiện đại là nơi tập trung của: các trụ sở chính trị, quản lý, các trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, ngành công nghiệp giải trí, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe v.v…
Ở đây có mấy vấn đề về thuật ngữ cần làm rõ: khu vực đô thị (hay nội vùng đô thị) và trung tâm đô thị. Vùng đô thị chỉ phạm vi hành chính trực thuộc đô thị trung tâm. Tính cả diện tích này, một đô thị sẽ có độ lớn trung bình hơn 10 ngàn km2, như Nĩu Ước, Ba Lê, Luân Đôn, hay Bắc Kinh. Trung tâm đô thị, thường được gọi ví dụ như “city of Sydney” chẳng hạn, hay như ở ta gọi là các quận nội thành, thường nhỏ hơn rất nhiều, vài trăm km2.
Điều trớ trêu là hầu hết các đô thị lớn trên thế giới, dù hiện đại, văn minh đến đâu cũng không thoát khỏi sức ép nặng nề về dân số. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta đã bắt đầu nói đến xu thế đô thị hóa từ xa (e-urbanization) hay xã hội mạng lưới (network society). Ở đó, người dân dù sống xa các trung tâm đô thị, song họ vẫn có khả năng tiếp cận và kết nối với đời sống đô thị nhờ có thông tin và truyền thông. Ngành Truyền thông Phát triển từ góc độ đô thị cũng đề cao xu hướng này với nhận định nó góp phần giải tỏa sức ép dân cư tập trung quá đông vào một đầu mối. Theo đó, dân đô thị được hình dung là: ngủ ở ngoài (ngoại ô), làm việc ở trong (nội đô) hoặc ngược lại, một bộ phận ở trung tâm nhưng lại làm việc ở bên ngoài. Nếu bạn sống ở một thành phố lớn, bạn sẽ chứng kiến hàng ngày lưu lượng đi ra đi vào tấp nập như thế.
Tuy nhiên, xu hướng này mới chỉ nhìn thấy ở các nước phát triển mà đô thị và các vùng đô thị hoặc đô thị vệ tinh đã phát triển đến mức độ đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Trái lại, ở các nước đang phát triển, người dân vẫn có xu hướng đổ dồn về đô thị trung tâm, vừa kiếm việc làm, vừa sinh sống, bám chắc không rời từng tấc đất. Trong khi chính sách phát triển không hài hòa và kịp thời để tạo ra những môi trường sống tốt ở các đô thị vệ tinh hay hệ thống các hạt ven nội, khiến dân cư không muốn lựa chọn nó. Truyền thông không thể phát huy tác dụng khi những hạ tầng cơ sở chưa được thiết lập. Nói cách khác, network society không thể kết nối với tư cách một phương tiện vô hình, khi mà những kết nối hữu hình (đặc biệt là giao thông đô thị) chưa được đảm bảo.
Việt Nam đang ở trong giai đoạn này. Hơn thế, một vấn đề tâm lý của người dân là muốn trở thành cư dân của đô thị thực sự. Không thể đòi hỏi người ta ngồi ở xa trung tâm để chờ đợi một sự kết nối nào đó của truyền thông và công nghệ thông tin đến với họ và thảo mãn nhu cầu của họ. Trái lại, thay vì “đô thị hóa bằng thông tin” đến người dân, thì ở một phương diện khác, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình, trước nay vẫn bị đổ lỗi là đã vẽ ra bức tranh sáng lạn và cực kỳ hấp dẫn bởi sự phồn vinh hào nhoáng, khiến cho dân cư nông thôn hầu như không ai không nuôi hy vọng tiến về thành phố. Và họ đã tiến công một cách ồ ạt, một khi không có chính sách phát triển hài hòa và một chiến lược đúng đắn.
Cho nên, để ngăn chặn cuộc tiến công này, đô thị buộc phải tấn công ngược lại: mở rộng chính bản thân nó để giải quyết tình trạng quá tải và tạo điều kiện cho phát triển.
Đó cũng là vấn đề của Hà Nội hiện nay. Chúng ta sẽ đề cập đến trong entry sau!
Entry thứ II: MỞ RỘNG HÀ NỘI: QUAN ĐIỂM
Trong entry trước, chúng ta đã khẳng định đô thị hóa là tất yếu của quá trình phát triển theo hướng hiện đại hóa, nó gắn liền với thời kỳ công nghiệp hóa. Bởi vậy, dù muốn dù không cũng không thể cưỡng lại nó. Việc chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, cho nên, có thể thấy trước, chả chóng thì chầy, việc mở rộng đô thị hiện có và xây dựng lại là điều những nhà hoạch định chính sách sẽ tiến hành.
Khác với entry trước, phân tích trên góc độ lý thuyết chung về đô thị và phát triển, entry này chủ yếu thể hiện quan điểm cá nhân.
1. Tại sao lại là Hà Nội? Chứ không phải những thành phố khác ở miền Bắc? Theo tôi bởi vì mấy lí do cơ bản sau:
- Nếu nhìn vào thực tế, chúng ta thấy, ở miền Bắc hầu như không có thành phố nào mạnh về địa thế chiến lược và tính chất trung tâm, có tiềm lực để vực dậy cả khu vực. Ngoại trừ Hà Nội. Hải Phòng gần như không có tương lai của một đô thị lớn, mà chỉ dừng lại ở chức năng một thành phố cảng.
- Căn cứ trên hiện trạng Hà Nội hiện nay thì mật độ dân số đã quá tải (vào loại cao nhất thế giới, hơn cả Trung Quốc), kéo theo là sức ép về nhà ở, giao thông, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống sa sút. Chúng ta có quyền đổ lỗi trước tiên cho chính quyền đã không quản lý đô thị một cách khoa học, từ đó dẫn đến hệ lụy là lỗi của người dân, mới và cũ, đã gần như cùng nhau làm tan nát, “vỡ vụn” (chữ này không phải của tôi) thành phố. Phải thừa nhận thực trạng đáng buồn này.
- Nhiều người lập luận rằng, nếu nhà chật trước hết anh phải sắp xếp lại ngăn nắp, chứ không phải đòi diện tích to hơn, vì anh cũng lại làm bừa bộn nó thôi. Nhận định này đúng ở vế sau, chúng ta sẽ nói về sự quản lý, nhưng không đúng ở vế trước. Với một Hà Nội quá tải không đủ sức cựa quậy, không thể tự sắp xếp được. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều giải pháp này kia, song nó vẫn manh mún và chắp vá, lộn xộn vẫn hoàn lộn xộn. Muốn sắp lại nhà, anh phải vứt đồ đạc lỉnh kỉnh ra ngoài trước, rồi mới đặt lại từng thứ được. Đồ đạc của một đô thị thì ta biết rồi, còn quẳng tạm nó đi đâu, thì phải có không gian.
- Nếu không tiến hành đô thị hóa chiến lược thì bản thân Hà Nội sẽ đô thị hóa một cách tự phát theo 2 hướng: những người ở bên trong trung tâm tự tìm cách tịnh tiến ra ngoài vì không chịu nổi sức ép và muốn có một không gian rộng hơn; những người mới nhập cư không chen chân vào trung tâm được sẽ bám trụ ở những vùng tiếp giáp. Và cứ như thế, cả 2 hướng này đều sẽ dẫn đến một tình trạng đô thị “trương phình” (urban sprawl), tiếp tục làm hỏng môi trường của cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta phản đối biến Hà Nội trở thành một “siêu đô thị” nhưng không ai dám đảm bảo là Hà Nội không tự nó phình ra thành một “siêu đô thị” như thế. Điều này thì các nước phát triển rất có kinh nghiệm. Ngay cả thành phố Hồ Chí Minh cũng ở trong tình trạng này.
- Về mặt chính trị, nhà nước Việt Nam không phải mô hình kiểu liên bang, cũng không phải theo mô hình dân chủ tư sản, mà sự can thiệp hay mức độ quản lý của chính quyền đối với một cộng đồng dân cư khá hạn chế. Đã có những nghiên cứu và thực tế rất sinh động chứng minh cho sự thật rằng: ở những nơi chính quyền ít can thiệp vào cuộc sống của người dân, thì ở đó, sự phát triển được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chúng ta vẫn quen với tâm lý vừa đổ lỗi, vừa chờ đợi trách nhiệm của các cấp quản lý. Nó gần như một câu cửa miệng của báo giới, “trách nhiệm thuộc về các cơ quan hữu quan”, vô hình trung, chúng ta đã gia tăng quyền lực cho chính quyền. Nhưng chuyện này không bàn ở đây. Đối với Việt Nam, việc xây dựng một thủ đô to rộng, đa chức năng không nằm ngoài nhận thức bảo vệ chế độ của chính quyền. Ngược lại, có thể lấy ví dụ về Canberra, thủ đô của Úc Đại Lợi chả có tiếng tăm gì sất, ngoại trừ là nơi để họp Quốc hội!
- Ở góc độ văn hóa, văn hóa Hà Nội thực thụ rất khó định nghĩa, chỉ dừng lại trong cách hiểu của cộng đồng. Nhưng kể cả nó có thực, với tư cách là cái tinh hoa được chắt lọc, thì nó đã bị mai một đi quá nhiều. Nói một cách cực đoan, chúng ta không biết chúng ta đang cố gắng giữ cái gì đây? Nhiều người đánh đồng cả văn hóa hàng rong, ca ngợi sự tiện lợi (ngồi vỉa hè, nhấp chén trà, hút điếu thuốc), phi xe máy mặc quần đùi, chạy mấy bước ra chợ mua mớ rau v.v… là những cái cần gìn giữ, như những nét đẹp của Hà Nội mà người nước ngoài cũng phải “ngạc nhiên thích thú”. Đành rằng, đẹp hay xấu là nhìn nhận cực kỳ cảm tính. Nhưng theo tôi, một quan điểm văn hóa lành mạnh, đó là bất cứ giai đoạn phát triển nào, ở cấp độ nào cũng có những nét đẹp riêng, ví dụ như: các xe thồ nườm nượm chở rau cỏ, hoa lá vào thành phố lúc trời chạng vạng sáng cũng đẹp chứ. Tuy nhiên, nó có phải là cái cần giữ gìn không lại là chuyện khác. Phải thừa nhận, văn hóa hiện tại của Hà Nội không thể thoát khỏi xu hướng “hiện đại hóa”. Quá trình này sẽ dẫn đến những tổn thương, những mất mát và trả giá. Điều quan trọng là ngồi xuống với nhau để nhận định cái gì cần giữ, cái gì cần thay đổi, chứ không nên ôm khư khư tất cả và chống lại xu hướng. Văn hóa có thuộc tính bảo thủ của nó, can thiệp vào văn hóa một cách lành mạnh là tạo ra môi trường để nó thích ứng dần, bởi văn hóa chính là sinh hoạt, nó phụ thuộc vào môi trường sống. Nếu để mặc văn hóa, đồng thời với việc không xây dựng môi trường hiện đại, văn hóa Hà Nội bị “nông thôn hóa”, giống như rất nhiều đô thị ở các nước đang phát triển khác, là nguy cơ đã hiển thị.
2. Hà Nội - mở ra hay ôm vào?
Theo dõi những trao đổi xung quanh việc mở rộng Hà Nội gần đây, có thể rút ra nhận xét chung: cùng một hiện tượng lớn lên về diện tích địa lý - hành chính của Hà Nội, nhưng có hai cách nhìn: đó là sự "mở ra" của Hà Nội về phía Tây đối lập với nó là quan điểm Hà Nội đang “ôm vào”. Điểm thú vị chính là ở chỗ này.
Nếu theo quan điểm "ôm vào", sẽ dễ dàng phản đối sự phi lý của việc mở rộng hiện nay với lí do chính là bản thân Hà Nội không quản lý nổi chính nó, ôm thêm một diện tích gấp 3-4 lần hiện có thì không thể đủ sức.
Nếu theo quan điểm “mở ra” thì ý kiến phản đối là Hà Nội không cần phải trở nên một thành phố đa chức năng, việc mở rộng sẽ khiến Hà Nội đánh mất chính mình khi bị pha loãng và kéo giãn theo chiều ngang.
Điều dễ nhận ra ở đây, đó là các ý kiến đều tuyệt đối hóa một khía cạnh, mà không nhìn thấy khía cạnh kia. Tôi không biết các nhà quy hoạch và Chính phủ nghĩ gì, có thực họ đang nghĩ như tôi nghĩ không. Cá nhân, tôi thấy đô thị hóa là quá trình bao gồm cả hai mặt “mở ra” và “ôm vào”. Với Hà Nội, việc có thêm không gian là cần thiết để chuyển bớt những “đồ đạc” lỉnh kỉnh ra bên ngoài, từ đó có cơ hội sắp xếp lại chính cái bên trong. Và theo kinh nghiệm của nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, thì khu vực bên ngoài thường được phát triển trước, thu hút dân ra khỏi trung tâm và bắt tay cải tạo nội đô. Việc mở rộng không phải hoàn toàn đáng bị quy kết là một sự tập trung đô thị về một mối. Hai mặt của vấn đề nằm ở chỗ: chính sự ôm vào này là sự giãn ra của Hà Nội.
Bởi vậy, theo những phân tích về tính tất yếu của đô thị hóa và những nhận định từ đầu tới giờ, thì việc mở rộng Hà Nội là chính xác!
Vấn đề mấu chốt là mở rộng đến đâu và như thế nào? Khi nào thì mở? Có tin được cái đề án mới thông qua không? Có hy vọng được ở chính quyền không?
Cá nhân tôi không trả lời hết được những câu hỏi này. Nhưng ở entry sau sẽ phân tích mấy điểm quan trọng!
Entry thứ III: HÀ NỘI CÓ TƯƠNG LAI KHÔNG?
Entry viết nốt cho... xong (!) nên hơi dài. Có thể bỏ qua nếu bạn không quan tâm.
1. Một cách làm ngược:
Trước tiên phải nói thẳng thắn rằng, việc thông qua Đề án mở rộng Hà Nội mới đây là một cách làm ngược. Mở rộng một đô thị trước hết là khảo sát và xây dựng các vùng đô thị xung quanh, hay các khu đô thị vệ tinh, chứ không phải mở rộng địa giới hành chính. Ý này đã có những phản biện sắc sảo, cụ thể là bài báo trên tạp chí Tia sáng mà chúng tôi mới tìm được blog của các tác giả, cho rằng Chính phủ không phân biệt được "cái sơ đẳng" là mở rộng quy hoạch vùng đô thị Hà Nội hoàn toàn khác với mở rộng địa giới hành chính. Điều này đúng, nhưng theo tôi không phải họ không phân biệt được, bằng chứng là, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói:
"Đây là Nghị quyết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính HN, chứ không phải chủ trương về quy hoạch, sắp xếp bộ máy, quy hoạch kinh tế - xã hội, điều này QH sẽ còn cho ý kiến và còn đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân" (theo VNN)
Theo đó thì Chính phủ và Quốc hội (dù sao cũng có 92% bấm nút) phân biệt được 2 khái niệm này. Ông Trọng chẳng phải là đã nhấn mạnh sự khác biệt đó sao? Tuy nhiên, phân biệt được mà vẫn làm như thế thì quả là đáng kinh ngạc.
Chưa xác định chính xác việc quy hoạch kinh tế-xã hội về tổng thể mà đã chủ trương mở rộng địa giới hành chính thì hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Nếu theo ông Trọng, thì sau này dù dân có góp ý như thế nào, cũng là góp ý trên một sự đã rồi. Giống như cho một bài toán sai bắt học sinh phải giải mà không được thay đổi dữ kiện đề bài.
Với giả sử việc mở rộng theo Đề án trình là đúng đắn và tầm nhìn của nó đến năm 2030, Quốc hội chỉ có quyền và chỉ nên quyết nghị, tới thời điểm đó, Hà Nội sẽ được mở rộng đến Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trong 30 tới là thời gian để tập trung phát triển khu vực này, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương và người dân ở đó có trách nhiệm phấn đấu vươn lên. Chứ hoàn toàn không nên sát nhập ngay lập tức và xóa sổ hoàn toàn các đơn vị hành chính này, tạo ra một sự ỷ lại của địa phương, thi đua bán đất, ăn trực nằm chờ và sản xuất cầm chừng, đi ngược lại quá trình phát triển.
Đến đây, chúng ta có quyền nghi ngờ: cái họ đang chủ trương không phải đô thị hóa như ta đang bàn từ 2 entry trước, nó là một kiểu "đô thị hóa cưỡng bức" như bài báo kia gọi tên. Dù không muốn phán đoán nội tình, ai giật giây, vì cái gì, nhưng những gì hiển thị cho thấy rõ ràng tính chính trị (hiểu theo nghĩa rộng) của chủ trương này là động cơ lớn nhất, không phải khởi xuất từ chính thực tế kinh tế - xã hội với tư cách là những động lực thúc đẩy sự phát triển đô thị.
2. Có tin được không?
Phải nói là chúng tôi không có trong tay bản Đề án đầy đủ để nghiên cứu, song căn cứ trên những thông tin từ báo chí, có thể nhận xét như sau:
- Đề án quy hoạch được xây dựng và thông qua quá vội vàng, với một thái độ thiếu cầu thị. Nó thể hiện tinh thần duy ý chí, áp đặt. Động lực và những căn cứ xây dựng đề án không rõ ràng. Vấn đề không phải là to hay nhỏ, mà là to hay nhỏ đến đâu thì hợp lý. Cái này Đề án không chỉ ra được. Riêng một Bộ Xây dựng không có khả năng đánh giá thẩm định được những yêu cầu của Hà Nội về tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, căn cứ để lập Đề án. Bộ này càng không rành về văn hóa, môi trường và con người để tính toán giải pháp đồng bộ.
- Hà Nội thực sự cần những gì để phát triển: khu công nghệ cao, khu giáo dục đại học, khu công nghiệp sản xuất chế biến, khu vực tài chính - thương mại, khu nghỉ dưỡng v.v...? Đúng là Hà Nội cần những thứ đó. Nhưng, đừng hiểu lầm là tung ra mỗi góc một thứ, ví dụ như ném lên Hòa Lạc khu công nghệ cao, ném ra Đông Anh khu công nghiệp nặng, ném xuống Mê Linh khu cụm cảng hàng không... Cốt lõi của mô hình đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh là ở mỗi đô thị vệ tinh đều hình thành những điều kiện sống tối thiểu của một không gian đô thị, cho dù mức độ có khác nhau. Ví dụ: chuyển toàn bộ sinh viên lên Hòa Lạc, thì phải xây dựng đúng một đô thị ở đó: ngoài cơ sở vật chất trường học, cũng phải có trung tâm thương mại, chợ búa, rạp chiếu phim, tụ điểm giải trí, những cơ sở nghiên cứu có liên quan, những cơ quan doanh nghiệp có thể là đầu ra cho sinh viên thực tập và làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, công viên... và hệ thống giao thông nội đô thị ấy cũng như kết nối về đô thị trung tâm. Có thể nghi ngờ, ngay việc phát triển 1 đô thị như vậy chưa chắc chúng ta đã làm được cho ra hồn, nói gì đến mở rộng với phạm vi lớn nhiều đô thị vệ tinh.
- Về mặt quản lý, quy tất cả địa giới hành chính về một mối thuộc chính quyền Hà Nội là sai lầm và không tưởng. Ví dụ một thành phố lớn như Sydney, chính quyền thành phố chỉ có tính đại diện và kết nối khi cần thiết, mà không có sự can thiệp quyền lực, nhất là ở khía cạnh quản lý phát triển toàn bộ các đô thị vệ tinh xung quanh nó như North Sydney, Liverpool, hay Campeldown. Đó là họ còn có tư duy phát triển đô thị trước chúng ta ít nhất 1 thế kỷ. Ở Việt Nam, từ trước đến nay ta chỉ có đô thị thuộc trung ương, hoặc trực thuộc tỉnh, chứ chưa hề có đô thị trực thuộc đô thị. Do đó, bản thân những khái niệm hành chính cũng buộc phải thay đổi, chưa nói đến cách thức quản lý.
- Việc nghi ngờ và mất lòng tin là có cơ sở. Hà Nội gần như không quản lý nổi cái gì, ngoài việc cấm. Ngay cả cấm cũng không thực hiện đến nơi đến chốn, bởi các quan chức cấp cao đến thấp xé rào lệnh cấm và đi đêm với dân. Dân chúng buộc phải tinh ranh và có tính gian để tồn tại. Qua đó, vấn đề nằm ở cái chính sách có đúng đắn hay không, tiếp đến là tính chính trực của đội ngũ quản lý. Điều trớ trêu là, ở ta nếu để quyền lực phân tán thì một chủ trương lớn sẽ ngay lập tức bị hiểu xiên xẹo, bóp méo, hoặc triển khai manh mún, mạnh ai nấy làm, tham nhũng tràn lan. Nhưng nếu quy về một mối quyền lực của một cấp có thẩm quyền trung gian thì ngay lập tức ông này trở nên lũng đoạn và tham nhũng còn lớn hơn, như mô hình PMU18 chẳng hạn.
- Một trong những lý do chủ yếu được đưa ra là Hà Nội hết quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư nên cần mở rộng. Nhưng ngay lập tức sát nhập Hà Tây vào mình. Hai điều này cho thấy cuộc chạy đua đất đai và kinh doanh bất động sản là động cơ số một, thêm đó là động cơ quyền lợi (nếu không sao không để cho Hà Tây quản lý các dự án này và việc quy hoạch địa giới hành chính sẽ thực hiện sau đó). Dù gì chăng nữa, thì nhìn thấy ngay là người nghèo không/rất ít có cơ hội vươn lên, khi việc mở rộng Hà Nội không đặt vấn đề trọng tâm là phát triển con người, mà vẫn chạy theo thành tích tăng trưởng kinh tế và sự hoành tráng hình thức.
3. Nhắc lại những vấn đề lý thuyết:
- Đô thị phát triển cùng với mức độ phát triển của công nghiệp hóa và thương mại hóa, nó thúc đẩy sự hình thành những khu vực đô thị thỏa mãn nhu cầu tập trung dân cư, lao động, sinh hoạt trên cơ sở cấu trúc xã hội thay đổi. Do vậy, nền tảng của việc quyết định mở rộng đô thị trước hết phải căn cứ trên đánh giá chính xác tốc độ phát triển của nền công nghiệp đang ở mức độ nào và dự đoán khả năng của nó trong tương lai ngắn hạn và dài hạn; kế đến là những thúc ép của đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu về nhân lực và nhu cầu của con người; sau đó tính đến hiện trạng và khả năng đáp ứng của đô thị hiện có, để xác định nhu cầu cần mở rộng đến đâu, bắt đầu từ cái gì, cái gì là trọng tâm, chứ không dàn hàng ngang; từ đó mới có cơ sở để xác định địa giới mở rộng.
- Về văn hóa: không thể không xem xét khía cạnh này. Văn hóa chính là con người, vừa là chủ thể quyết định vừa là đối tượng của phát triển. Lý thuyết và kinh nghiệm phát triển trên thế giới đã chứng minh rằng: giả sử lộ trình phát triển, điều kiện tự nhiên, chính trị là tương đồng, thì các quốc gia có sự phát triển khác nhau, thậm chí có nơi thành công, có nơi không, là bởi phần lớn ở phương diện khác nhau về văn hóa. Nếu so sánh Hà Nội với Sài gòn đã thấy rất khác nhau rồi. Tuy nhiên, vấn đề văn hóa không phải không có hướng giải quyết. Gìn giữ và tôn trọng sự khác biệt văn hóa không có nghĩa là tạo ranh giới giữa chúng. Nếu coi văn hóa quốc gia, dân tộc là biểu hiện cao hơn của văn hóa vùng miền, thì chả phải đã có rất nhiều thành phố trên thế giới là thành phố đa văn hóa quốc gia cùng tồn tại đó sao? Ở thời điểm 30 năm trước, thế hệ đi trước khó hình dung được văn hóa Hà Nội như bây giờ, tương tự chúng ta sẽ có quan ngại đó cho 30 năm sau là điều dễ hiểu. Bản thân văn hóa luôn có độ mở của nó, không thể tránh cho nó sự cọ xát. Ngược lại, nếu khư khư giữ lấy, chính là cách chúng ta đẩy cái khía cạnh bảo thủ của văn hóa lên cao hơn, trở thành lực cản của phát triển. Nói vậy, không có nghĩa chúng ta không làm gì cả. Theo tôi, một giải pháp quan trọng cho việc hợp tích các giá trị văn hóa khác nhau là tạo nên sự bình đẳng bằng "cơ hội". Đó là điều mà thế giới đã và đang làm và vươn tới. Nếu bạn để ý, chữ "cơ hội" luôn có mặt trong diễn văn của bất kỳ ông Tổng thống Mỹ nào, kể cả nhiều nước phát triển khác.
- Môi trường và phát triển bền vững: Cá nhân tôi không phải người nghiên cứu về phát triển bền vững, nên sẽ không bàn kỹ về chuyện này. Có nhiều người đánh đồng hay gán cho thuyết phát triển bền vững chính là lý thuyết về môi trường. Không phủ nhận trọng tâm của phát triển bền vững là môi trường, nhưng ý nghĩa của môi trường không gì khác là vì con người. Do vậy, theo tôi hiểu, sự phát triển thực sự theo đúng nghĩa của từ này, cả trên cấp độ quốc gia, cộng đồng và con người, chính là phát triển bền vững. Chứ không có một sự phát triển bền vững nào đó tồn tại bên ngoài khái niệm phát triển. Trong đó bao gồm cả việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống, những cơ hội cho con người về mọi mặt của đời sống, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt văn hóa, xuất xứ... Phát triển đô thị theo đúng nghĩa cũng là nhằm vươn tới mục tiêu này. Hơn thế, đô thị luôn là nơi tích tụ của đói nghèo, bởi vậy phải tính đến một giải pháp cho nó bằng việc tạo dựng các cơ hội một cách bình đẳng.
4. Một hình dung về Hà Nội trong tương lai:
Đến đây bạn có thể cho tôi là lý thuyết, song tôi có quyền hình dung về thành phố của mình trong tương lai chứ. Tôi vẫn mong nhìn thấy một Hà Nội đẹp đẽ và ngăn nắp. Đại thể, phía bên ngoài sẽ gồm 3-4 đô thị vệ tinh xung quanh. Có thể là đô thị Đông Anh, đô thị Thường Tín với khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu, đô thị Hòa Lạc với khu công nghệ cao và các trường đại học, đô thị Mê Linh sẽ trở thành cụm cảng hàng không và trung tâm thương mại, kéo dài tới tận Cầu Giấy. Ngoài ra, Hà Đông, Bát Tràng sẽ là những vùng sản xuất và thương mại làng nghề, bày bán các sản phẩm tinh xảo. Thanh Trì, Quảng Bá, Gia Lâm vẫn là những trung tâm rau sạch, hoa lá nhưng được quy hoạch ngăn nắp và có cơ chế phân phối tập trung về nội đô... Kèm theo là các trung tâm dịch vụ, siêu thị, giải trí, làm đẹp v.v... ở khắp mọi nơi. Và những vành đai xanh, những công viên mở. Với hệ thống giao thông hướng nội, phổ biến nhất là tàu hỏa (ngầm và nổi) và xe buýt nội thị. (Tôi chỉ hình dung được đến đó, hay tầm nhìn của mình kém quá? Tôi không biết tiến đến tận Lương Sơn, Hòa Bình để làm gì)
Tiến vào phía trong, sẽ là những khu nhà cao tầng cho dân cư sinh sống, từ Cầu Giấy, đến Lĩnh Nam, từ Thanh Xuân đến Tây Hồ. Các tòa nhà hành chính, các trụ sở doanh nghiệp lớn, trung tâm tài chính sẽ phân bố chủ yếu ở 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Các khu phố nhỏ ngăn nắp dành cho dân tiểu thương buôn bán xung quanh nội thành.
Trung tâm Hà Nội sẽ là tam giác của 3 hồ chính: Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Thiền Quang. Những khu phố dọc trung tâm sẽ không được phép mọc lên nhà cao tầng nào nữa, ngoại trừ các khách sạn đẹp hiện có và thêm một vài. Đó sẽ là khu phố của các bảo tàng, các nhà văn hóa, các quán ăn Âu - Á - Việt 3 miền, nhà hát, vũ trường, tiệm cà phê, phòng trà, các shop thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm, quần áo, các tuyến phố đi bộ và xe buýt, xe tram, khu phố Tây, trả lại không gian cho nhà thờ, đền chùa... Khu phố cổ sẽ vẫn tồn tại nhưng trở thành khu buôn bán tiểu thương, tuyệt đối không sản xuất tại chỗ mà phải thuê nhân lực và tổ chức sản xuất từ bên ngoài, tạo cơ hội việc làm cho những người nhập cư và dân nghèo v.v...
Hà Nội có thể hoành tráng ở bên ngoài như bất kỳ thành phố hiện đại nào, những trái lại, càng vào sâu bên trong càng giản dị, sâu lắng càng tốt. Nó thể hiện sự tập trung chắt lọc tinh hoa và giá trị văn hóa. Tôi sẽ sẵn sàng sống ở ngoài và làm việc ở ngoài. Chỉ về thành phố để mưu cầu một sự thư giãn, đi vũ trường để giải tỏa áp lực công việc mỗi cuối tuần, hay tận hưởng không khí qua lại của mọi người và mưu cầu những hưởng thụ tinh thần cao hơn, chứ không phải vì mưu sinh...
Bạn có thể nói tôi không tưởng. Có thể lắm. Điều trớ trêu là chúng ta có đủ cơ sở để thấy rằng, mơ ước của chúng ta là không hề có cơ sở trở thành hiện thực.
Chà vấn đề này dài dòng và sâu xa thế cậu đọc hoa cả mắt ;))
Trả lờiXóa