3/2/08

Chuột đã hy sinh như thế nào?

Mời bà con đọc bài "Chuột đã hy sinh như thế nào" của NLD online. Hic hic! Tui thấy rất tự hào và rất bi ai khi tui cầm tinh chú THỬ!

Nhiều thí nghiệm trên chuột đã đêm hạnh phúc đến cho con người
Có thể không ngoa khi nói rằng chuột là một trong những con vật hy sinh nhiều nhất cho loài người. Hằng ngày có hàng triệu người được cứu sống bằng những phương thuốc đã được phát triển và thử nghiệm trên chuột. Nếu không có sự hy sinh của chuột, chưa chắc con người có tuổi thọ và cuộc sống thoải mái như ngày nay

Có lẽ hai chữ “hy sinh” chưa nói hết những sự thật đằng sau những thí nghiệm y khoa liên quan đến chuột. Muốn biết hóa chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư? Muốn tìm hiểu xem phơi nhiễm phóng xạ có phải là nguyên nhân của ung thư? Làm sao để biết một dây thần kinh có ảnh hưởng đến xương? Giải pháp đơn giản nhất và nhanh nhất để giải đáp các câu hỏi trên là làm thí nghiệm trên chuột. Chuột được nhốt trong chuồng nhỏ, cho uống hóa chất (nếu không chịu uống thì sẽ bị tiêm trực tiếp vào mạch máu), chuột được cho phơi nhiễm phóng xạ (nếu cố tránh thì nhà nghiên cứu có cách làm cho chuột không cách nào tránh khỏi những tia độc), chuột được đem ra giải phẫu cắt dây thần kinh, v.v... Và, sau một thời gian theo dõi, chuột được cho... hy sinh (một mỹ từ thay cho từ “giết”), cơ thể sẽ được giải phẫu và các cơ phận sẽ được đem đi đo lường và phân tích. Kết quả phân tích, nếu may mắn thành công, sẽ được sử dụng để phát triển thành một thuốc mới hay một thuật điều trị mới; nếu không sẽ bị rơi vào quên lãng.

Chuột và người có quan hệ... bà con!

Trên thế giới hằng ngày có khoảng 70.000 con chuột được hy sinh cho nghiên cứu y khoa nhằm tìm hiểu cơ chế của bệnh tật và phát triển thuốc mới để điều trị bệnh và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Lý do chính để sử dụng chuột cho nghiên cứu y khoa là vì chuột và con người là hai sinh vật có quan hệ ... anh em họ. Hai sinh vật này xuất thân từ một tổ tiên và tách ra thành chuột và người khoảng 75 triệu năm trước đây. Dù đã qua một thời gian tiến hóa dài như thế, hai sinh vật này vẫn còn mang nhiều đặc điểm sinh học giống nhau. Qua giải mã và so sánh bộ gien của chuột và bộ gien của con người, chúng ta biết rằng gien của hai sinh vật này giống nhau đến 99%. Thật vậy, trong số khoảng 30.000 gien, con người và chuột chỉ khác nhau có 300 gien!

Với một sự tương đồng sinh học như thế, chúng ta có lẽ không ngạc nhiên khi rất nhiều kết quả thí nghiệm trên chuột có giá trị thực tiễn cho con người.

Nhưng chuột là chuột, người là người

Tuy nhiên, không phải thuốc nào thí nghiệm thành công trên chuột cũng đều có thể đem lại lợi ích cho con người. Ngược lại, một số thuốc được sử dụng thành công trên con người nhưng chưa bao giờ thành công trên chuột hay thú vật. Penicillin, một thuốc trụ sinh đem lại lợi ích vĩ đại cho con người, bị trì hoãn đến hơn 10 năm vì các kết quả từ thí nghiệm trên thỏ không cho ra kết quả khả quan. Nếu penicillin mà thử nghiệm trên heo thì chắc thuốc này chẳng bao giờ đến tay người, bởi vì penicillin rất độc hại cho heo. Alexander Fleming, người khám phá penicillin, từng nói: “Thật là may mắn vì vào thập niên 1940 chúng tôi không phải thử nghiệm penicillin trên thú vật; nếu thử nghiệm trên thú vật thì tôi nghĩ thuốc sẽ chẳng bao giờ được công nhận và bộ môn kháng sinh học sẽ chẳng bao giờ thành sự thật”.

Triết lý chuột và người

Triết gia người Hy Lạp Aristotle lý giải rằng thú vật và con người tuy giống nhau về mặt cấu trúc cơ thể, nhưng con người là một động vật có lý trí và do đó có quyền sử dụng thú vật như là một phương tiện. Một trong những triết gia có ảnh hưởng rất lớn đến đạo Công giáo là thánh Thomas Aquinas (1225-1274) tuyên bố rằng chỉ có con người là động vật có lý trí và có linh hồn. Tất cả các động vật không phải con người chỉ đơn thuần là đối tượng, không có cá tính, không có lý trí và không có quyền, không có đạo đức. Thánh Aquinas còn tuyên bố rằng các động vật không phải con người chỉ tồn tại cho nhu cầu của con người mà thôi. Một số bài viết của thánh Thomas Aquinas được xem là đạo văn và đạo ý tưởng của Aristotle.

Nhưng quan điểm trên của Aristotle và thánh Aquinas sai. Ngày nay, qua nghiên cứu khoa học, chúng ta biết rằng thú vật cũng có cảm giác và tri giác (New Scientist, 28-6-1997, Nature, 3-7-1997). Do đó ở Âu châu, người ta đã thay đổi nhận thức về thú vật và có một định nghĩa mới về “animal” (kể cả chuột, dĩ nhiên) như là những “sentient beings”, tức là những sinh vật có tri giác (chứ không phải là định nghĩa trước đây như là những loại hàng hóa hay sản phẩm nông nghiệp).

Thật ra, phát hiện về thú vật có tri giác chẳng phải là điều gì mới đối với triết học Đông phương. Phật giáo từ xưa đã xem tất cả các sự sống hay tồn tại đều có tri giác và đều tiến hóa đến một tri giác cao hơn. Phật giáo còn quan niệm rất thực tế rằng tất cả sự sống, kể cả thú vật và thực vật, tồn tại qua những tương tác với nhau. Do đó, Phật giáo đề ra triết lý sống không chỉ bao dung với chính mình mà còn đối với những sinh vật khác và thế giới quanh mình. Thể hiện cho triết lý này là 5 giới luật, và trong đó có giới luật số 1 là không làm đau khổ hay giết thú vật (không chém giết hay sát hại mọi chúng sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu và các chất làm say người).

Con người quá tàn nhẫn?

Công bằng mà nói, thí nghiệm trên chuột đã đem lại nhiều thành công trong công cuộc chinh phục bệnh tật cho con người, nhưng ngay cả thành công, con người cũng đã trả cái giá khá đắt cho những thành công đó. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các thuốc phát triển nhờ vào thí nghiệm trên chuột và ứng dụng thành công trên con người, hiệu quả của thuốc cũng chỉ được ghi nhận ở khoảng 50% bệnh nhân, phần còn lại hoặc là không có hiệu quả hoặc là xảy ra “sự cố”, kể cả biến chứng. Trong khi thuốc cứu hàng triệu bệnh nhân mỗi ngày trên thế giới, thì cũng có hàng vạn bệnh nhân bị thương tật vĩnh viễn thậm chí tử vong vì các sự cố y khoa do thuốc gây ra.

Về phương diện đạo đức, vẫn còn những lấn cấn về những thí nghiệm vô dụng trên chuột và sự tàn nhẫn của con người đối với chuột trong phòng thí nghiệm. Nhưng con người cần mưu cầu hạnh phúc và mong muốn chinh phục bệnh tật, nên có lẽ trong tương lai thí nghiệm trên chuột vẫn còn tiếp tục. Có hướng nào ra? Trong cuốn sách Chúng ta sẽ làm gì nếu không thí nghiệm trên thú vật? Y học cho thế kỷ 21 (What Will We Do if We Don’t Experiment on Animals? Medical Research for the Twenty-First Century, 2006), hai tác giả Jean Swingle Greek và C. Ray Greek đề nghị một mặt ngưng ngay những thử nghiệm không có hiệu quả trên thú vật; mặt khác, dựa vào các phương pháp chẩn đoán mới nhất để tập trung vào con người thay vì thú vật, kể cả nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro tests) trên các tế bào và mô của con người, mô phỏng bằng máy tính về hệ thống nội tiết của con người ở mức độ phân tử và phân tích gien. Ngoài ra, các phương pháp truyền thống như dịch tễ học và giảo nghiệm tử thi cũng có thể là những cách làm có ích.

Chuột đã hy sinh rất nhiều cho sự tồn tại của con người, nhưng thay vì được cám ơn, trớ trêu thay con người đã đối xử quá tồi tệ với các con vật này. Năm nay là năm Tý, và đây là thời gian lý tưởng để chúng ta nghiêng mình kính cẩn cám ơn con vật từng có thời là anh em họ của chúng ta.

TS Nguyễn Văn Tuấn

1 nhận xét: