31/3/08

Ngồi ghế "quan" nhưng không nhận "phong bì"




VNN/Nguoinoitieng: Chủ nhật, 30/3/2008, 11:01 GMT+7

NSƯT Mạnh Cường: "Cậu Tuấn là bầu của ca sĩ Đan Trường rất suốt ruột nên cậu ấy đến chỗ tôi và đưa phong bì cảm ơn trước, nhưng tôi giải thích và bảo anh phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về biểu diễn...".

Ngoài “nghề” diễn viên, Mạnh Cường còn giữ cương vị Trưởng phòng Nghệ thuật của Sở Văn hoá Hà Nội, liên quan đến việc cấp giấy phép cho các buổi biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn, nơi mà không ít người cho là “mảnh đất màu mỡ”. Thực tế diễn viên nổi tiếng khi ngồi trên ghế “quan” có “kiếm được nhiều màu” và cuộc sống của anh có xa hoa lộng lẫy như nhiều người nghĩ hay không?

Khô như đá còn hơn dễ dãi

NSƯT Mạnh Cường - Trưởng phòng Nghệ thuật của Sở Văn hoá Hà Nội

- Anh tự nhận mình là một người có tính cách nóng nảy và khô khốc như một hòn đá tảng. Điều này có khiến anh trở nên “bớt” hấp dẫn với khán giả hay gây khó khăn trong cương vị quản lý của anh?

- Thực ra là tính cách đó cũng gây trở ngại cho tôi trong công việc, nhất là trong công tác quản lý. Nhưng cũng chính tính cách đó đã tạo cho tôi những nguyên tắc làm việc nhất định. Tôi thà để các bạn đồng nghiệp trong giới nghệ sĩ và các nhân viên của tôi nghĩ rằng tôi khô khốc còn hơn là để họ nghĩ tôi dễ dãi trong công việc.

- Nhiều người khô khốc trong công việc, nhưng lại rất dễ “mềm” trước bổng lộc. Nếu tôi đặt một câu hỏi về “văn hóa phong bì” thì anh có dám trả lời không và nếu trả lời thì anh có phải “ngó trước, ngó sau” không?

- Tất nhiên là tôi dám trả lời. Và tôi cũng không phải đắn đo hoặc ngó trước ngó sau.

Ghế tôi ngồi không mất một xu

- Vậy anh bình luận gì về văn hoá phong bì? Và để có được cái ghế Trưởng phòng Nghệ thuật, nơi được nhiều người cho là “rất màu mỡ”, anh có phải “bớt khô khốc” đi không?

- Tôi nghĩ cái đó rất tệ hại, tệ hại ở chỗ nếu người ta đến xin xỏ hoặc nhờ giúp đỡ một việc gì đây mà phải kèm theo cái phong bì thì mối quan hệ giữa con người với con người chỉ còn là đồng tiền.

Còn việc tôi được ngồi ở cái ghế này thì tôi khẳng định rằng không phải là do tôi sử dụng văn hoá phong bì mà có, tôi không hề mất một xu. Lúc ấy, khi tôi học đạo diễn xong thì về Phòng Văn hoá của Cục Tư tưởng Văn hoá, nay là Cục Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị.

Qua hoạt động phối hợp với bên Hà Nội thì anh Ngọc Linh, lúc ấy đang là Phó giám đốc Sở rất quý mến tôi nên đã ngỏ lời xin tôi ra. Sau đó thì anh Nguyễn Viết Chức, lúc ấy đang làm Giám đốc Sở có nhờ tôi giúp cho đoàn nghệ thuật, lúc ấy tôi vẫn đeo quân hàm.

Tôi đã đi khảo sát cùng anh Linh và tôi phát hiện ra các nghệ sĩ sống quá khổ, cả về hạ tầng biểu diễn và thu nhập nên tôi đã làm một đề án trình lên anh Chức. Anh Chức rất quý tôi nên sau đó anh đã tìm gặp bằng được anh Phạm Ngọc Thanh lúc đó là Cục trưởng Cục Tư tưởng Văn hoá của chúng tôi và xin bằng được tôi ra. Suốt từ năm 1999 đến tháng 6/2000, tôi mới chính thức được ra ngoài này.

“Nếu không “rắn”, tôi đã sa bẫy lâu rồi”

- Ngồi ở ghế Trưởng phòng Nghệ thuật liên quan đến việc cấp phép cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật, các buổi diễn – nhiều người cho rằng về nguyên lý, anh “kiếm” rất được. Anh nghĩ sao?

- Tôi dám khẳng định rằng trong suốt 8 năm ngồi ở ghế Trưởng phòng Nghệ thuật này, chưa một lần tôi nhận phong bì hối lộ của ai. Mà tôi cũng không bao giờ cố tình kéo dài việc cấp phép để đợi người ta mang phong bì đến cho mình. Theo nguyên tắc cấp phép là từ 3 đến 5 ngày, tôi thấy giấy tờ hợp lệ thì giải quyết ngay nên người ta cũng không phải đợi lâu đến mức cần mang tiền đến hối lộ tôi làm gì.

Tôi nghĩ thế này, mình thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực biểu diễn, một lĩnh vực khá nhạy cảm mà mình cứ ẩu hoặc dễ dàng xuôi chiều theo cách bỏ qua các quy định và nhận phong bì thì có khi chính mình đã tự đưa mình vào bẫy. Nếu không “rắn” một chút thì chắc chắn tôi đã sa vào cái “bẫy” đó lâu rồi. Chính vì tác phong làm việc “rắn” và đúng nguyên tắc nên nhiều người rất nể. Nhưng không phải vì không nhận phong bì nên tôi không giúp họ, mà tôi vẫn giúp họ bình thường.

Từng từ chối phong bì do bầu sô của Đan Trường đưa

"Văn hoá phong bì” không chạm được đến tôi!

- Trả lời của anh cho thấy có rất nhiều người từng cầm phong bì đến?

- Cũng không nhiều lắm đâu. Tôi nhớ có một lần Đan Trường không ra ngoài Hà Nội để duyệt chương trình mà theo luật thì 3 lần anh không ra duyệt chương trình thì anh sẽ bị cấm biểu diễn ở Hà Nội 6 tháng hoặc 1 năm.

Cậu Tuấn là bầu của ca sĩ Đan Trường rất suốt ruột nên cậu ấy đến chỗ tôi và đưa phong bì cảm ơn trước cho tôi, nhưng tôi giải thích và bảo anh phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về biểu diễn. Còn nếu anh đưa phong bì cho tôi thì tôi sẽ cấm nhanh hơn, không chỉ cấm đêm diễn này mà tôi còn cấm cả các đêm diễn khác nữa. Thế là cậu ấy vội vã về.

- Đó là nguyên tắc không nhận phong bì trong công tác liên quan đến cấp giấy phép, vậy có những trường hợp ngoại lệ không?

- Những phong bì mang tính chất hối lộ liên quan đến công việc thì dù có hàng ngàn đôla, tôi cũng không bao giờ nhận. Nhưng có những phong bì năm chục hoặc một trăm ngàn đồng trong những ngày lễ, tết thì tôi nhận một cách rất vui vẻ vì đó là tình cảm họ dành cho mình.

Tôi nghĩ cái đó tôi có quyền nhận vì đó không phải là giá trị vật chất vì nếu tính giá trị vật chất thì nó chẳng đáng gì, nhưng quan trọng là họ nghĩ đến mình với những tình cảm quý mến. “Quà hối lộ” mà tôi cho phép mình nhận và nhận nhiều là đôi vé trước mỗi đêm biểu diễn (cười). Nhưng tôi vào các rạp đó thì lại không mất vé nên quà hối lộ đó tôi cũng đem tặng bạn bè, người thân.

“Cổng sau nhà tôi cũng rắn”

- Thời nay có rất nhiều kiểu đưa phong bì. Ai đó mời anh đi du lịch, đi nước ngoài thăm thú, cũng là một kiểu đưa phong bì. Lúc ấy thì ông...?

- Tôi chưa đi và chắc là không bao giờ đi như thế. Tôi là nghệ sĩ, hay đi nhiều nơi đóng phim nên việc đến những điểm du lịch nổi tiếng không phải là nhu cầu của tôi nên họ sẽ không hối lộ tôi bằng những chuyến bao du lịch trọn gói thế đâu. Nhưng nếu tôi không phải là nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng thì chắc chắn họ sẽ săn đón đến nơi đến chốn.

- Người ta vẫn quan niệm, quan chức thường có cổng sau. Vậy còn phía bà xã - “cổng sau” của anh thì sao? đó là một cánh cổng cứng rắn hay dễ xuyên thủng?

- Vợ tôi cũng đi làm suốt, thậm chí phục vụ biểu diễn cho Nhà hát Tuổi trẻ vào buổi tối nên thường gia đình tôi đi vắng cả ngày. Và điều quan trọng nữa là vợ tôi cũng “rắn” như tôi, nếu là khách của chồng thì bao giờ vợ tôi cũng bảo tôi ở cơ quan nên có thể nói rằng chưa vị khách công việc nào của tôi được gặp riêng vợ tôi cả. Có chăng chỉ là đưa kịch bản phim mà thôi.

Không phải đắn đo “việc A, việc B”

- Có phải vì quá “cứng rắn” nên suốt 8 năm nay, anh vẫn chỉ “yên vị” ở cái ghế Trưởng phòng?

- Đơn giản là vì tôi “khô khan” (cười). Có những người phải đắn đo với những “việc A, việc B” nhưng với tôi, lúc nào tôi cũng nói thẳng lòng mình nên với cấp trên, đó sẽ là một sự khó chịu nhưng với cấp dưới thì họ lại thấy đúng. Nhiều khi ở vị trí trung gian như tôi thì tôi nghĩ mình phải sống thế nào để người ta còn nhìn vào, đó mới là điều quan trọng. Còn các sếp của mình thì có người đi, có người ở lại, mình cứ sống và làm việc đúng với trách nhiệm của mình là được. Tôi nghĩ tôi đã đóng góp được một phần công sức để giữ được hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung ở Hà Nội bớt lộn xộn và được ổn định trong suốt 8 năm trở lại đây.

- Việc từ chối nhận phong bì, với anh có phải là một cơn “vượt cạn” không?

- Không, rất đơn giản thôi. Tôi không bao giờ nhận phong bì vì tôi nghĩ nhỡ họ làm sai thì sao, mình đã nhận tiền của họ rồi thì khi họ làm sai đương nhiên mình phải có trách nhiệm với họ, nên tôi cứ đúng nguyên tắc mà làm.

"Nhiều khi ở vị trí trung gian như tôi thì tôi nghĩ mình phải sống thế nào để người ta còn nhìn vào, đó mới là điều quan trọng"

Ứng xử thế nào nếu bị “hối lộ tình”?

- Nếu được “hối lộ” bằng một chuyến đi du lịch hay đi nghỉ đâu đó với một cô xinh đẹp thì anh tính sao?

- Chắc là không có chuyện đó vì tôi khô khan, tôi lạnh lùng, rất nhiều người đến đây và sợ vì tôi khó tính, tôi không cởi mở. Do vậy, cũng chưa có ai dám làm chuyện đó với tôi vì phải có sự đong đưa nào đó từ phía tôi thì mới đúng với cách “hối lộ” đó. Và tôi nghĩ cũng không đến mức độ họ phải làm thế. Chúng tôi có giúp đỡ họ lãi bạc tỉ đâu mà họ phải làm như thế. Đây là biểu diễn nghệ thuật nên không phải khu vực dễ xảy ra chuyện đó, có lẽ phương pháp hối lộ ấy xảy ra ở lĩnh vực khác. Hơn nữa tôi cũng xuất thân từ anh diễn viên nên tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ họ, vì diễn viên cũng khổ lắm, số giàu có chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.

- Trong chuyến đi Đền Thượng, Lào Cai năm trước, tôi thấy có tới hàng chục fan hâm mộ đi theo anh suốt chuyến đi lễ. Nếu có một cô gái xinh đẹp “xin chết” với anh thì anh sẽ xử lý thế nào với kiểu “hối lộ tình” này?

- Không. Tôi nghĩ họ phải nhìn lại vì nếu cô ấy nghĩ là cô ấy đẹp thì cô ấy nên nghĩ là tôi có thể quen cô khác đẹp hơn cô ấy (cười), nên tôi nghĩ trường hợp ấy chắc chắn sẽ không xảy ra.

Mạnh Cường viết gì trong “bản kê khai tài sản”?

- Nếu tổ chức yêu cầu anh kê khai tài sản thì bản kê khai ấy sẽ có những gì?

- Rất đơn giản, nhà thì do Nhà nước cấp diện tích 60m2, hai tầng. Ô tô tôi đang đi là xe cũ, vừa mua từ tiền đóng quảng cáo, đóng phim, vừa vay một chút.

- Lương của anh hiện nay là bao nhiêu?

- Lương của tôi là 4,5 triệu một tháng.

- Cát sê quảng cáo cao nhất anh được trả là bao nhiêu?

- Cao nhất là 5.000 USD, còn thường là từ 1.000 USD đến 2.000 USD. Mà tôi làm quảng cáo thì rất nhanh, một phim quảng cáo chỉ quay khoảng một ngày, thậm chí chỉ một buổi trưa là xong. Còn đóng phim, nếu vai chính cộng với tiền nghệ sĩ ưu tú thì thường là 15 triệu đồng một tập phim, mỗi tập quay khoảng 2 đến 3 ngày.

- Nếu không có sẵn một tiềm lực đáng nể là có nhà, thu nhập khá cao từ đóng quảng cáo, đóng phim thì có lẽ anh cũng sẽ phải bon chen để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, không ngoại trừ việc anh sẽ phải nhận tiền từ những người đến xin giấy phép?

- Đúng là tôi có tiềm lực sẵn, không phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền nên “văn hoá phong bì” không đụng chạm được đến tôi. Nhưng việc nhận phong bì hay không, tôi nghĩ không phải do điều kiện sống mà do phẩm chất của từng người. Ngày xưa, khó khăn đến mức không có gạo ăn, chúng tôi đã ăn bất kỳ cái gì mà dân cho bộ đội. Đã trải qua những ngày như thế, thì những khó khăn ngày sau chẳng có nghĩa lý gì cả nên dù nghèo thì tôi cũng không lấy tiền hối lộ từ người khác để lo cuộc sống sung túc cho bản thân.

Chỉ xài vài bộ quần áo “made in May 10”

- Là một nghệ sĩ nổi tiếng, lại là một quan chức trong ngành văn hoá, thu nhập lại cao so với mặt bằng chung, có lẽ bây giờ anh cũng phải mặc những bộ quần áo sang trọng, ăn ở những nhà hàng đắt tiền để tương xứng với sự nổi tiếng?

- Ngược lại, tôi vẫn giữ nếp sống cũ. Buổi trưa, tôi hay được mời đi ăn ở các nhà hàng nhưng tôi rất ít đi mà thường hay ăn cơm ở công sở, dù chỉ có vài hạt lạc với mấy cọng dưa nhưng tôi nhai ngon đến mức mọi người hỏi sao ăn ngon thế.

Rượu Tây tôi cũng không uống, mà tôi chỉ uống loại rượu ngâm các loại rễ cây. Nếu hôm nào đó đi ăn với khách hoặc bạn bè thì bao giờ tôi cũng mang theo một bình đi. Còn trang phục của tôi thì tôi không thích mặc đồ sang trọng. Bộ tôi đang mặc là quần áo của May 10, cái quần chỉ khoảng 120 ngàn, còn áo thì 150 ngàn mặc suốt từ năm 2000 và tôi đã mặc đóng rất nhiều phim.

Nhiều khi anh em họ bảo, có khi Cường phải thay quần áo đi thôi chứ phim nào cũng chỉ có mấy bộ, diễn đi diễn lại, giống nhau quá (cười). Thế là tôi mua 3 cái áo trắng dài tay và 2 cái áo trắng cộc tay cùng vài cái quần Tây màu xanh đậm. Thế là không ai kêu được nữa vì các vai quan chức thì cũng chỉ mặc áo trắng quần xanh thôi. Tôi nghĩ mặc quần áo sang trọng không làm cho con người sang trọng lên, mà chính do tri thức và công việc mới khiến mình sang trọng lên được. Đừng bao giờ để mình mặc quần áo rách, thế thôi.

- Xin cảm ơn anh.

Theo Lã Xưa - gdvaxh.gif

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét