22/2/10

Khi nào yêu cầu là bất khả thi và không hiệu quả?

Các khung năng lực (competency frameworks) đã gần như bắt buộc trong các tổ chức lớn và vừa. Có những tổ chức chi ra hàng triệu đôla để các nhà quản lý làm theo. Nhưng liệu làm theo khung năng lực này có giúp họ đạt được thành quả? Việc các tổ chức và nhà quản lý hàng năm đặt ra mục tiêu có kết quả hơn thì đây sẽ là một câu hỏi hữu ích.

Khung năng lực bao gồm các quan niệm chính - "nhóm định hướng" - "tập trung vào kết quả" - "định hướng thành quả" - "kỹ năng tiếp thu" - để chỉ ra những cách hành động và kỹ năng có giá trị nhất cho tổ chức. Nó trình bày một cách chi tiết về những việc mà tổ chức muốn nhà quản lý phải thể hiện, và khi nào thì năng lực của nhà quản lý chưa đạt yêu cầu. Nó đang được sử dụng để vạch ra các kể hoạch phát triển.

Tất nhiên, tất cả các công ty đều muốn có những nhà quản lý giỏi, và có vẻ như đó là hoàn toàn hợp lý khi yêu cầu mọi người làm theo một tiêu chuẩn. Nhưng khung năng lực thường thiếu sót trong mục đích hướng tới và thậm chí là không hiệu quả.

Tôi đã được nghe ba lời phàn nàn đặc biệt về các khung năng lực:

1. Chúng quá cồng kềnh. Việc cố gắng để bao quát toàn diện đã khiến các tổ chức đòi hỏi 15, 20, thậm chí 300 yêu cầu về năng lực cho một công việc duy nhất. Với những yêu cầu vu vơ, yêu cầu mọi người phải đạt được những thứ không thể kiểm soát được. Những đòi hỏi chất lượng quá đáng khiến cả những nhà quản lý tuyệt vọng và những người cảm nhận thấy nản lòng vì những mục đích thiếu rõ ràng của tổ chức.

Ảnh: upknowledge.com

2. Các yêu cầu mà chúng đặt ra là bất khả thi. Hãy nhìn xem đã có bao nhiêu khung năng lực được phát triển: Một tổ chức xác định một người quản lý giỏi trong kinh doanh dựa trên việc bán hàng, lợi nhuận, doanh thu, và các tiêu chuẩn khác. Và sau đó đưa trở lại những yêu cầu này vào trong bản yêu cầu năng lực. Khó khăn là ở chỗ đó: mặc dù bề ngoài điều này tỏ ra hợp lý, nhưng quá trình này là một sự lầm tưởng lớn - đó là việc cho rằng những yêu cầu cao dành cho một nhóm cũng có thể dành cho một cá nhân.

Hãy thử tưởng tượng một tổ chức, sau khi nhận thấy một vài nhà quản lý giỏi là người hướng nội hoặc hướng ngoại, đã đề ra yêu cầu một cá nhân phải đồng thời là người hướng nội và hướng ngoại. Hy vọng điều này sẽ không xảy ra bởi rõ ràng hướng nội và hướng ngoại là hai tương quan trái ngược nhau - nếu cái này tăng thì cái kia phải giảm. Tuy vậy trong khung làm việc thì lỗi này là thường xuyên và lặp lại rất nhiều lần.

Cách đây không lâu tôi đã làm việc cho một tổ chức mà 5 năm trước họ đã bỏ ra 3 triệu USD để thay đổi lại khung năng lực cùng với việc xoay 360 độ các tiêu chuẩn và việc đánh giá năng lực, và họ cũng hướng việc quản lý theo tiêu chuẩn này. Nhưng họ sớm cảm thấy tuyệt vọng. Không một khóa huấn luyện nào có thể giúp Helen, người điều hành cấp cao về việc bán hàng trở thành người "nỗ lực vì thành quả", và đạt yêu cầu cho "nhóm định hướng".

Cùng yêu cầu cho hai năng lực "tự tin vào khả năng lãnh đạo" và "cởi mở tiếp nhận thông tin phản hồi", một năng lực đi lên thì năng lực kia lại đi xuống. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu của thông tin phản hồi và nhận thấy đúng như mình đã nghĩ: rất nhiều yêu cầu trong đó, trên thực tế, đối nghịch nhau, khiến cho khung yêu cầu của Helen và rất nhiều người khác, không thể đạt được. Đó là động cơ thúc đẩy? Không chắc là như vậy.

3. Chúng thúc đẩy sự tầm thường hơn là xuất sắc. Thật không may, những người kém thường có thế lực hơn những người giỏi. Khi nhận được những ý kiến phản hồi về việc mình đang sắp xếp năng lực mọi người như thế nào, thay vì hỗ trợ để giải quyết vấn đề, hầu hết các nhà lãnh đạo (và sếp của họ), vẫn chọn những người kém nhất để phát triển. Dù bỏ ra bao nhiêu thời gian và tiền bạc, vẫn không thể đảm bảo rằng những người kém có thể trở thành những người xuất sắc, kém thường gần với trung bình hơn. Và phát triển những người kém trở thành trung bình đem lại một kết quả duy nhất: những nhà quản lý trung bình.

Nếu công ty của bạn chuẩn bị có một khung năng lực thì dưới đây là một vài lời khuyên:

- Tạo một danh sách chặt chẽ và mạch lạc về những phẩm chất mong muốn. Tốt nhất chỉ chọn ra ít hơn 10 phẩm chất mà bạn muốn cho bộ máy quản lý của mình.

- Kiểm tra để các phẩm chất không bị đối lập nhau.

- Luôn ý niệm được trong đầu mục đích chính của tổ chức - Hãy nhớ rằng nhiệm vụ chính là nâng cao các kỹ năng và thu hút khách hàng. Thay vì tập trung vào việc họ thiếu kỹ năng, mà hãy giúp họ tăng cường các kỹ năng trên trung bình.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng tổ chức tốt nhất là một tổ chức đa dạng, nơi mà mọi người có thể thể hiện những kỹ năng đặc biệt của mình.

- Bài viết của Susan David trên Harvard Business Publishing. Bà là người đứng đầu của viện Huấn luyện Harvard/Mclean, một giảng viên của ĐH Harvard, và hội viên của viện nghiên cứu Yale. Bà còn là người sáng lập ra Evidence Based Psychology, một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo và tư vấn quản lý chuyên tập trung vào việc phát triển các nhà quản lý kinh doanh.

Quốc Dũng dịch

http://www.tuanvietnam.net/2010-02-11-khi-nao-yeu-cau-la-bat-kha-thi-va-khong-hieu-qua-

Việt Nam phải tư duy lại hai lần về Giáo dục

Bài toán giáo dục xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Giáo dục* Việt Nam đã qua hơn 20 năm đổi mới và phát triển, gắn liền với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội. Bản chất của tiến trình đổi mới này là sự cởi trói về cơ chế, giải phóng năng lượng vốn có trong các lĩnh vực, đem lại nguồn lực và động lực cho phát triển.

Tuy nhiên, cả GD và kinh tế sẽ bước vào vòng luẩn quẩn nếu chỉ tiếp tục dựa vào nguồn năng lượng được giải phóng từ sự cởi trói nói trên. Đất nước ta đang rất cần nguồn năng lượng mới từ những tiếp cận mới trong phát triển kinh tế cũng như GD.

Đối với kinh tế, gợi ý cho lời giải của bài toán có thể tìm thấy trong các mô hình kinh tế, chẳng hạn mô hình về các giai đoạn phát triển công nghiệp hoá của Michael Porter.

Đối với GD, đáng tiếc là các nhà khoa học GD không thành công như các nhà khoa học kinh tế trong việc đưa ra các mô hình phát triển. Vì thế, cần tư duy lại những vấn đề cơ bản của GD trong bối cảnh mới, trong nước cũng như quốc tế.

Giáo dục đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

Thế kỷ XX đã xác lập, củng cố và hoàn thiện mô hình GD như chúng ta thấy hiện nay. Đó là mô hình tương thích với cách sản xuất hàng loạt và theo chuẩn của nền văn minh công nghiệp. Trong mô hình này, từ việc tổ chức trường lớp, xây dựng chương trình GD, đến cách dạy, cách học và cách đánh giá đều mang dấu ấn của tư duy và phương pháp sản xuất công nghiệp.

Trong bước chuyển hiện nay của thế giới sang nền văn minh trí tuệ, mô hình trên cùng hàng loạt vấn đề cơ bản của GD đang được các nhà GD trên toàn thế giới tư duy lại.

Sự nổi lên của kinh tế tri thức buộc các chính phủ nhận thức lại vai trò của GD. GD cùng với khoa học và công nghệ trở thành cỗ máy chính trong sự vận hành của nền kinh tế tri thức. Vì thế GD trở thành một kênh đầu tư quan trọng hàng đầu của nhà nước, xã hội và cá nhân. Nói cách khác, không chỉ khoa học mà cả GD cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mô hình GD truyền thống, theo kiểu hàng loạt của nền văn minh công nghiệp, được xem xét lại, thậm chí bị phủ định để tái tạo. Nhiều mô hình mới đã được đề xuất như mô hình GD mở, mô hình GD cá biệt hoá, mô hình công nghiệp GD.

Tương lai của GD cũng không đơn giản, như trước đây, là sự kéo dài của quá khứ. Điều đó chỉ đúng khi GD chuyển động trong một môi trường với tốc độ biến đổi chậm về thông tin và tri thức. Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và khó lường như ngày nay, tương lai của GD trở thành bất định. Nó có thể là một chuỗi các phân nhánh, các bước nhẩy, các gián đoạn. Và vì thế nên từ bỏ tư duy về một tương lai của GD để thay thế bằng tư duy về những tương lai của GD.

Có điều, khác với thế giới, Việt Nam phải tư duy lại hai lần về GD. Một lần là tư duy lại những vấn đề cơ bản và chung nhất của GD như đã nói ở trên. Lần nữa là tư duy lại những vấn đề của GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường.

Nhưng lần tư duy thứ hai khó khăn hơn nhiều. Đó là vì mô hình GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường chưa hề có trong lịch sử. Việt Nam phải tự tìm lấy lời giải từ quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài

Thế giới đã tốn nhiều giấy mực để viết về các thành công vượt bậc của Trung Quốc trong phát triển kinh tế suốt ba thập kỷ qua. GD Trung Quốc, với vai trò kế sách trăm năm chấn hưng đất nước, đã đóng góp không nhỏ vào thành công này.

Tháng 9/2005, một phái đoàn quan chức cao cấp về GD của Mỹ, sau khi tham quan, tìm hiểu bước phát triển GD hiện nay của Trung Quốc đã nhận định: "Ấn tượng sâu sắc nhất mà phái đoàn mang theo khi về nước là các nhà lãnh đạo GD Trung Quốc toàn tâm toàn ý, quyết tâm và kiên định hoàn thiện GD nhằm đưa dân tộc mình thoát khỏi nghèo nàn và tạo ra một dân cư có trình độ kỹ năng cao để cạnh tranh trong kinh tế thế giới"[1].

Đúng là bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, lấy GD làm đòn bẩy chuyển gánh nặng dân cư thành sức mạnh về nhân lực và nhân tài, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thế nhưng, các vấn đề bức xúc của GD Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam. Chất lượng GD chuyển biến chậm, bất cập trước yêu cầu cao về nguồn nhân lực. Sự mất công bằng xã hội trong GD giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền vẫn là một thách thức lớn. Tâm lý chuộng bằng cấp, tình trạng học vẹt, nạn thu phí tuỳ tiện, tệ tham nhũng học đường, sự gian dối và cơ hội trong công việc, thói quan liêu cửa quyền trong quản lý...vẫn là những tồn tại, yếu kém dai dẳng.

Bài toán GD XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường, xem ra vẫn chưa có lời giải thoả đáng.

Tuy nhiên, để có lời giải trước những vấn đề mới nẩy sinh, Trung Quốc có cách tư duy mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi, theo phương châm "miễn sao bắt được chuột". Trung Quốc chấp nhận thị trường GD với quan niệm cần từ bỏ cách tiếp cận "tình cảm đạo đức" cùng những quan niệm không thực tế để thực hiện luật chơi chung trong một thế giới phẳng.

Trung Quốc cũng nổi tiếng trong việc áp dụng các giải pháp không truyền thống, như giải pháp "giữ 1 đồng, thả 1 đồng, thu hút 1 đồng" trong đổi mới cơ chế tài chính GD theo hướng tập trung ngân sách nhà nước cho các ưu tiên GD, chuyển tài sản nhàn rỗi của nhà nước để phát triển GD dân lập, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong GD.

Phần tiếp: Tư duy lại GD, kể cả những cái coi là bất biến


* Trong bài viết này, khái niệm giáo dục bao gồm cả đào tạo

[1] Education in China: Lessons for US Educators; Asia Society, Business Roundtable, Council of Chief State School Officers, 2005

http://www.tuanvietnam.net/2010-01-18-viet-nam-phai-tu-duy-lai-hai-lan-ve-giao-duc


Dạy con theo kiểu... Tây

Ảnh minh họa: Crealy.co.uk.
Ảnh minh họa: Crealy.co.uk.

Trong khi bố mẹ Việt thường giữ con ở nhà, ít nhất trong tháng đầu, thì trẻ Tây ngay từ khi mới sinh đã có thể được đưa đến công viên bằng xe nôi và cho đi "vầy nước" ở hồ bơi khi mới tầm 10 ngày tuổi.

Đa phần bố mẹ Việt cho rằng trẻ sơ sinh, hay đã vài tháng tuổi, còn quá nhỏ để có thể bế ra khỏi nhà. Đa phần trẻ em Việt Nam được giữ và chăm sóc trong nhà để tránh gió, tránh nắng. Nếu có đứa bé ra sân nhà hay ngõ xóm thì lúc nào cũng phải nào yếm, nào khăn rồi vớ tay, vớ chân đủ cả.

Việc đưa trẻ sơ sinh đến hồ bơi hay tổ chức nghịch nước trong vườn nhà chẳng hạn thì hầu như là không bao giờ có. Có những trẻ đã lên hai vẫn không hề được đưa đến hồ bơi lần nào. Và trong suốt những năm tháng đầu đời, có trẻ chưa được một lần "vày nước" với ý nghĩa thực sự của từ này. Các bà, các chị khi tắm cho cháu, cho con phải luôn chuẩn bị khăn tã đầy đủ để có thể tắm thật nhanh, rồi bế bé ngay vào lau khô, mặc quần áo.

Trong khi đó, đối với những người ngoại quốc sống và làm việc tại TP HCM thì việc đưa trẻ đến công viên và hồ bơi gần như là hoạt động hằng ngày. Trẻ ngay từ khi mới sinh đã có thể được tập cho dạn nắng, dạn gió bằng cách đưa đến công viên bằng xe nôi, cho trẻ làm quen với những tiếng động của đời sống hằng ngày xung quanh.

Sáng sáng đi dạo quanh khu vực phường Thảo Điền, quận 2, nơi người nước ngoài tập trung sinh sống, bạn có thể nhìn thấy một cách thường xuyên cảnh các bà mẹ xách em bé chừng 2-3 ngày tuổi trong giỏ (dành riêng để xách em bé khi đi dã ngoại) hoặc địu con chừng một tháng tuổi phía trước bụng, tay dắt em bé lớn của mình đến trường. Sau khi cho bé lớn vào trường thì các bà mẹ sẽ cùng em bé nhỏ kia đến công viên hoặc đi shopping.

Trong tầm 10 ngày tuổi thì các bà mẹ bắt đầu cho bé đi "vầy nước" ở hồ bơi trong cái nắng buổi sáng tầm 8 giờ.

Play-date

Play-date có nghĩa là các bà mẹ sẽ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để có thể trông coi một nhóm chừng 5-6 trẻ cùng nhóm tuổi với nhau và những gia đình quen biết nhau có thể mang con đến chơi ở nhà một bà mẹ. Play-date sẽ được tổ chức luân phiên giữa các bà mẹ trong một nhóm với nhau, thường diễn ra ở nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Play-date là một khái niệm còn khá mơ hồ trong ý thức của bố mẹ Việt, hay có thể nói là hoàn toàn không có. Bố mẹ Việt có xu hướng co cụm, hướng nội vì sợ mất thời gian hoặc một số khác là quá bảo vệ con dẫn đến không muốn đưa con còn nhỏ của mình tiếp xúc với nhóm đông các bạn cùng lứa tuổi, dễ gây ra té ngã hay đánh lộn sứt đầu mẻ trán.

Bố mẹ Việt thường đưa con đến mẫu giáo rồi đón về nhà. Trẻ về đến nhà sẽ có một vài lựa chọn là chơi với bà, với cô giúp việc hoặc được bật TV cho xem, để người lớn khỏi phải trông, còn tiện làm công việc lặt vặt trong nhà.

Trong khi đó, play-date được tổ chức khá thường xuyên trong nhóm bố mẹ người ngoại quốc. Sau giờ học, giờ sinh hoạt của nhóm trẻ ở trường, các bà mẹ sẽ đưa con đến nhà bạn để chơi thêm chừng 1-2 giờ. Các bà mẹ phương Tây cho rằng đây không chỉ là cách san sẻ giúp đỡ giữa người lớn với nhau, tạo điều kiện để mỗi bà mẹ có một ngày rảnh rỗi cho riêng mình mà còn là giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc chia sẻ đồ chơi cùng nhau cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú.

Ngủ lang

Ngủ lang có vẻ như là một điều tối kỵ trong ý thức của bố mẹ Việt. Một bà mẹ trí thức khi được hỏi về chuyện này đã buông một câu chắc nịch: "Đừng có mơ. Em không bao giờ cho con em đi ngủ lung tung ở nhà bạn như vậy".

Trong khi đó, một đứa trẻ lớp 3 của trường quốc tế (tầm 7 tuổi) sẽ được trường tổ chức một vài đêm "sleep over" tại trường trong suốt năm học. Mục đích là để trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ khi không có bố mẹ hay một sự trợ giúp nào khác từ phía người thân.

Thứ đến là để trẻ có thể thiết lập được tình bạn khăng khít, giúp đỡ nhau trong cùng khối lớp. Trong một khoảng thời gian không phải là giờ học, trẻ được thoải mái cùng nhau chơi đùa và nói chuyện, bàn luận về tất cả những vấn đề mình quan tâm.

"Ngủ lang" trong phạm vi các gia đình với nhau cũng được các bậc phụ huynh phương Tây khuyến khích. Ví dụ, con bạn có thể thông báo với bố mẹ là mình muốn mời bạn A, B, C đến ngủ cùng. Thường là do sợ ảnh hưởng đến giờ học của các ngày trong tuần nên việc ngủ lang trong nhóm bạn chỉ được bố mẹ cho phép vào các đếm thứ sáu và thứ bảy hằng tuần.

Một hình thức khác thú vị hơn của ngủ lang là cắm trại nhóm gia đình. Trong khoảng thời gian này, các ông bố bà mẹ trao đổi với nhau về công việc, nuôi dạy con cái, các vấn đề ở trường, lớp của con, những mối lo ngại chung... còn lũ trẻ dĩ nhiên là được trải nghiệm một cuộc sống thực tế thú vị cùng nhau - đó là những kỷ niệm quý báu sau này khi trẻ lớn lên.

(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/02/3BA18BC3/