13/12/10

Đi nước ngoài, Bộ trưởng chỉ thuê phòng bình dân

Một trong những yếu tố làm cho Nhật thành công trong phát triển kinh tế là ở thời đại nào họ cũng có những quan chức đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, luôn tiết kiệm công quỹ trong khi tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác.

Nhân đọc bài "Khi công chức thành tín đồ xuất ngoại", tôi nghĩ đến mấy mẩu chuyện về quan chức Nhật Bản thời trước:

Trong một nước còn nghèo, quan chức khi đi tham quan, công du nước ngoài cần có hành động như thế nào? Có lẽ có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, phải làm cho người nước ngoài kính trọng mình, qua đó thấy khâm phục, quý mến dân tộc mình. Về điểm này, ngoài sự hiểu biết văn hóa tối thiểu của quốc gia mình thăm viếng để ứng xử đúng phong cách, cần phải cho thấy thái độ học hỏi, làm việc nghiêm túc của mình.

Thứ hai, nếu là đi công du, tham quan do ngân sách nhà nước mình phụ đảm thì dĩ nhiên phải tiết kiệm, phải quý từng đồng ngoại tệ để ít phí phạm vào nguồn lực tài chính ít ỏi của đất nước. Điểm này càng quan trọng đối với một nước phải nhận viện trợ, phải vay mượn nước ngoài.

Tôi xin kể hai câu chuyện về quan chức Nhật Bản liên quan đến điểm thứ hai nói trên. Những câu chuyện này có vẻ khó tin vì có lẽ ít ai có thể tưởng tượng nỗi tinh thần yêu nước qua thái độ tiết kiệm công quỹ một cách triệt để như vậy. Nhưng đây là những chuyện có thật.

Chuyện thứ nhất liên quan đến Phái đoàn Iwakura vào những năm đầu của thời Minh Trị Duy Tân. Năm 1871, chính quyền Minh Trị tổ chức một phái đoàn lớn do đại thần Iwakura Tomomi (1825-1883) dẫn đầu sang Mỹ và một số nước Tây Âu. Đoàn gồm nhiều đại thần (bộ trưởng) và quan chức cao cấp.

Phái đoàn Iwakura có hai mục đích: một là thương lượng với các nước Âu Mỹ sửa đổi lại Hiệp ước bất bình đẳng mà chính quyền trước Minh Trị (thời Edo) bị bắt buộc phải ký kết với Mỹ và một số nước Tây Âu. Hai là tìm hiểu luật lệ, chế độ, phương pháp tổ chức liên quan đến thể chế chính trị, kinh tế tại các nước tây phương để mang về cận đại hóa, kiến thiết đất nước.

Đây là phái đoàn lớn, đi hơn 2 năm (1871-1873), tuy không đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng thành công trong mục tiêu thứ hai, đã đóng góp to lớn vào việc canh tân nước Nhật vào cuối thế kỷ 19.

Phái đoàn của đại thần Iwakura Tomomi.

Phái đoàn bắt đầu qua Mỹ. Chuyện kể rằng khi đến New York, đoàn nghỉ chân tại một quán cà phê. Yasuba Yasutomo, một thành viên trong đoàn, gọi nhân viên nhà hàng mang thêm đường, nhưng nhân viên lại mang thuốc lá đến. Ông ta lấy làm lạ nhấn mạnh lại là "tôi gọi đường uống cà phê kia". Nhưng nhân viên nhà hàng vẫn không hiểu. Cuối cùng mọi người mới hiểu ra rằng ông phát âm chữ sugar (đường) thành cigar (thuốc lá) nên nhân viên nhà hàng hiểu sai.

Biết được vậy ông thấy xấu hổ và hết tự tin là mình sẽ đóng góp gì cho phái đoàn nên mới xin đoàn trưởng cho mình trở về Nhật ngay. Yasuba nói: "Chúng ta đi lần nầy là dùng ngân sách nhà nước. Tiếng Anh của tôi thế nầy nếu tham gia đi tiếp chỉ tốn thêm tiền thuế của dân một cách vô ích. Xin cho tôi về để dành tiền dùng cho chuyện có ích hơn". Và ông đã cương quyết quay về Nhật ngay.

Chuyện thứ hai gần đây hơn, mới hơn 50 năm trước.

Vào đầu thập niên 1950 Nhật Bản là nước còn nhận viện trợ và đi vay mượn nước ngoài. Nhưng từ cuối thập niên 1950 kinh tế Nhật phát triển nhanh, trở thành cường quốc kinh tế sau khi trải qua giai đoạn phát triển thần kỳ. Trong những nguyên nhân làm nên thành công kỳ diệu này phải kể đến năng lực, đức độ, phong cách sống và làm việc của các quan chức.

Vào năm 1950, Bộ trưởng Tài chính Ikeda Hayato dẫn đầu một đoàn đại biểu sang thăm Washington, thủ đô của Hoa Kỳ, mục đích để thăm dò dư luận và không khí trong chính trường Mỹ liên quan đến việc trao trả độc lập cho Nhật (lúc đó Nhật còn bị Mỹ chiếm đóng).

Vì đất nước còn khó khăn, phải đi vay mượn nước ngoài, ngoại tệ phải được tiết kiệm để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất nên đoàn của Ikeda đến Washington phải tìm một khách sạn loại trung bình và 2-3 người phải ở chung một phòng, kể cả Bộ trưởng.

Ông Ikeda trong một Hội nghị năm 1958.

Phòng của Bộ trưởng Ikeda (ở chung với Miyazawa Kiichi, một quan chức cao cấp bộ Tài chính) cũng rất đơn sơ, không có gì cả ngoài chiếc giường đôi, tiền phòng là 7 USD một ngày (theo hồi ký của Miyazawa). Ban ngày đoàn tiếp xúc với các quan chức và chính khách Mỹ, tối về tập họp tại phòng bộ trưởng pha nước nóng với rượu sake mang theo từ Tokyo vừa uống vừa bàn bạc phương châm chiến lược cho hoạt động ngày hôm sau. Phòng ở khách sạn loại này không có bàn ghế nên mọi người phải ngồi trên giường trò chuyện.

Thời đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của Nhật độ 210 USD/năm nên có thể nói bộ trưởng và một quan chức cao cấp ở chung căn phòng với giá bằng 1/30 thu nhập bình quân năm của một người Nhật. (Sau này, vào năm 1960, Ikeda trở thành Thủ tướng, đưa ra chiến lược bội tăng lợi tức quốc gia, mở đầu cho giai đoạn phát triển thần kỳ ở Nhật, và Miyazawa cũng trở thành Thủ tướng trong những năm đầu thập niên 1990).

Quan chức Nhật Bản nổi tiếng là ưu tú vì đã qua đào tạo ở các đại học danh tiếng và phải thi đỗ trong các kỳ thi tuyển nghiêm túc (cần mở ngoặc ở đây là hầu hết quan chức Nhật không ai có bằng tiến sĩ, chỉ tốt nghiệp đại học). Trong thời đất nước còn khó khăn, họ ý thức được sứ mệnh cao cả mà dân tộc giao phó để đem tài năng, trí tuệ đưa đất nước theo kịp các cường quốc.

Câu chuyện của các quan chức giới thiệu ở trên là những điển hình ở các cấp khá cao, nhưng ở những mức độ khác nhau, các tố chất cơ bản của những người ấy có thể nói là khá phổ biến trong giới quan chức ở Nhật nhất là trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, còn ở trong thời kỳ đầu của quá trình phát triển.

Có thể nói một trong những yếu tố làm cho Nhật thành công trong phát triển kinh tế là ở thời đại nào họ cũng có những quan chức đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, luôn tiết kiệm công quỹ trong khi tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác.

Tác giả: GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản)

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-11-di-nuoc-ngoai-bo-truong-chi-thue-phong-binh-dan

10/12/10

Điểm số của Thượng Hải gây sốc những nhà giáo dục

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã tham gia cuộc kiểm tra trên khoảng 65 quốc gia thừa nhận rằng điểm số dành cho Thượng Hải - thành phố công nghiệp với khoảng 20 triệu dân và điểm số của các trường đại học hiện đại, nơi thu hút những học sinh ưu tú nhất Trung Quốc - không đại diện cho tất cả Trung Quốc.

Khoảng 5100 thiếu niên 15 tuổi tại Thượng Hải đã được chọn ngẫu nhiên đại diện cho học sinh tại thành phố này. Tại Mỹ, một số lượng học sinh tương tự trên khắp các vùng miền cũng đã được lựa chọn làm mẫu đại diện cho cuộc kiểm tra.

Các chuyên gia đã lưu ý về những khó khăn hiển nhiên trong việc sử dụng một bài kiểm tra tiêu chuẩn để so sánh giữa các quốc gia và giữa thành phố có quy mô rất khác nhau. Mặc dù vậy, họ cho rằng việc thể hiện xuất sắc về chuyên môn của sinh viên Thượng Hải là đáng chú ý và là một dấu hiệu khác của việc hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc.

Các kết quả cũng phản ánh về văn hóa giáo dục của quốc gia này, bao gồm cả việc tập trung nhiều hơn vào đào tạo giáo viên và dành nhiều thời gian hơn nhiều cho việc học tập nghiên cứu chứ không phải là hoạt động ngoại khóa như thể dục thể thao.

"Tôi thực sự choáng váng. Nó gợi tôi nhớ đến việc Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên Sputnik", ông Chester E. Finn Jr, người từng làm việc tại Bộ Giáo dục dưới thời Tổng thống Ronald Reagan phát biểu. Ông Finn, người đã viếng thăm các trường học trên khắp Trung Quốc, nói: "Tôi đã thấy Trung Quốc đang nỗ lực không ngừng nghỉ hoàn thành các mục tiêu như thế nào. Nếu họ có thể làm được điều này với Thượng Hải vào năm 2009, họ có thể làm điều đó ở 10 thành phố vào năm 2019, và ở 50 thành phố vào năm 2029".

Cuộc khảo sát, Chương trình Đánh giá của Sinh viên Quốc tế, được biết đến dưới tên viết tắt là PISA, dành cho học sinh 15 tuổi được tiến hành bởi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển với các thành viên là những thành phố công nghiệp lớn của thế giới, có trụ sở đặt tại Paris.

Các kết quả sẽ được thông báo chính thức vào hôm thứ 3 (7/12) nhưng bản kết quả này đã được cung cấp cho các cơ quan truyền thông một ngày trước đó.

"Chúng ta phải nhìn nhận điều này như một lời kêu gọi thức tỉnh", Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 6/12

"Tôi biết những người hoài nghi sẽ muốn tranh cãi về kết quả, nhưng chúng tôi cho rằng chúng chính xác và đáng tin cậy, và chúng ta phải xem đó là một thách thức để nỗ lực hơn", ông nói thêm. "Mỹ đã chiếm đến trong 23 hoặc 24 trong hầu hết các vị trí. Chúng ta có thể không phân minh hoặc chúng ta có thể đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu rằng chúng ta đang bị tụt hạng về giáo dục".

Về toán học, học sinh Thượng Hải đã tự kiểm tra ở lớp, vượt qua nước đứng ở vị trí thứ hai là Singapore, quốc gia vẫn được coi như là một siêu sao giáo dục trong những năm gần đây. Điểm toán trung bình của những học sinh Mĩ đứng ở vị trí thấp hơn so với 30 quốc gia khác.

Điểm PISA được sắp xếp theo hệ thống thứ bậc, với điểm trung bình là 500. Hai phần ba số học sinh của các quốc gia tham gia có điểm số từ 400 tới 600. Trong kì kiểm tra toán năm ngoái, học sinh Thượng Hải đã đạt được 600, học sinh ở Singapore đạt được 562, ở Đức là 513, và ở Mỹ là 487.

Về đọc, học sinh Thượng Hải đạt 556 điểm, Hàn Quốc với 539 điểm đứng ở vị trí thứ hai. Mỹ ghi được 500 điểm và đứng thứ 17 ngang bằng với học sinh ở các nước Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Đức, Pháp, Anh và nhiều nước khác.

Về khoa học, học sinh Thượng Hải giành được 575 điểm. Đứng thứ hai là Phần Lan, nơi có điểm trung bình là 554. Mỹ ghi được 502 - đứng ở vị trí thứ 23 - với một bảng thành tích giống với Ba Lan, Ireland, Na Uy, Pháp và nhiều nước khác.

Andreas Schleicher, Giám đốc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển quốc tế của chương trình thử nghiệm giáo dục cho biết các bài kiểm tra ở Thượng Hải được thực hiện bởi một nhà thầu quốc tế, làm việc với những nhà chức trách Trung Quốc, và được Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Úc, một nhóm kiểm tra phi lợi nhuận giám sát.

Mark Schneider, Ủy viên Bộ phận nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ dưới thơờGeorge W. Bush, người đã trở về từ một chuyến thăm quan nghiên cứu về giáo dục tới Trung Quốc vào thứ Sáu, cho biết ông đã hoài nghi về một số kết quả PISA trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Schneider nói rằng ông coi tính chính xác của các kết quả này là không thể công kích.

"Phương diện kĩ thuật của việc kiểm tra này cũng đã được quy định, các mẫu được chọn phù hợp, và không có bằng chứng về sự gian lận," ông nói.

Tuy nhiên, ông Schneider cũng lưu ý về một số yếu tố có thể có ảnh hưởng đến kết quả.

Trước hết, Thượng Hải là một trung tâm di cư khổng lồ trong lòng Trung Quốc. Học sinh được đề nghị trở về tỉnh nhà của họ để theo học các trường trung học phổ thông, nhưng các nhà chức trách Thượng Hải có thể làm tăng điểm số bằng cách cho phép những học sinh ưu tú ở lại trong thành phố. Và sinh viên Thượng Hải rõ ràng đã được cho biết rằng việc kiểm tra này là quan trọng đối với hình ảnh của Trung Quốc và do đó, họ có nhiều động lực để làm tốt, ông Schrneider nói.

"Bạn có thể tưởng tượng được phản ứng nếu chúng ta nói với các học sinh của Chicago rằng PISA là một bài kiểm tra quốc tế quan trọng và danh tiếng của Mỹ phụ thuộc vào việc họ làm tốt bài kiểm tra hay không?", ông Schneider nói. "Điều đó nói rằng, Trung Quốc đang rất coi trọng giáo dục. Các nguyên tắc làm việc quả thực mạnh mẽ một cách kinh ngạc".

Trong một bài phát biểu cho những sinh viên đại học ở Bắc Carolina, Tổng thống Obama nhắc lại việc năm 1957 việc phóng tên lửa Sputnik của Liên Xô đã khiến Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào môn toán và khoa học giáo dục như thế nào để giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ.

"Năm mươi năm sau, thời điểm Sputnik của thế hệ chúng ta đã trở lại," ông Obama nói. Với hàng tỷ người ở Ấn Độ và Trung Quốc "đột nhiên tấn công vào nền kinh tế thế giới", các quốc gia với các nhân viên được đào tạo tốt nhất sẽ thắng thế. "Ngay bây giờ," ông nói, "Mỹ có nguy cơ bị tụt lại phía sau".

Nếu Thượng Hải là một điển hình cho thấy sự tiến bộ giáo dục Trung Quốc, tiểu bang Massachusetts sẽ là điển hình cho giáo dục Mỹ bằng việc thường xuyên giành được điểm cao hơn tất cả các bang khác trong bài kiểm tra toàn học chính thức của liên bang Mỹ trong những năm gần đây.

Nhưng trong một nghiên cứu năm 2007 là tương quan kết quả của cuộc kiểm tra với kết quả của một kỳ thi toán quốc tế, học sinh Massachusetts đã đạt số điểm thấp hơn so với Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Thượng Hải đã không tham gia kiểm tra.

Bản báo cáo mới nhất gồm 259 trang của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển về kết quả của Pisa ghi nhận rằng trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc đã được tổ chức xung quanh những kỳ thi cạnh tranh: "Trường học làm việc với học sinh của mình nhiều giờ mỗi ngày, và những tuần dạy học còn được tổ chức thêm vào những ngày cuối tuần".

Học sinh Trung Quốc dành ít thời gian hơn so với học sinh Mỹ cho những hoạt động thể thao, âm nhạc và các hoạt động khác không đưa tới việc thành công trong các kỳ thi ở các môn học chính.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, dạy học đã nhanh chóng leo lên các bậc thang của nghề ưa thích ở Trung Quốc, và mức lương đã tăng. Tại Thượng Hải, các nhà chức trách đã tiến hành cải cách quan trọng trong hoạt động giảng dạy, và các nhà giáo dục đã được tự do hơn trong việc thử nghiệm.

Kể từ khi tổ chức của ông nhận được điểm thi tại Thượng Hải năm ngoái, ông Schleicher cho biết, các chuyên gia kiểm tra quốc tế đã tiến hành điều tra để bảo đảm cho tính chính xác của những điểm số đó, hy vọng rằng chúng sẽ gây ra một sự ngạc nhiên ở nhiều nước phương Tây.

"Đây là lần đầu tiên mà chúng tôi có dữ liệu so sánh quốc tế về kết quả học tập ở Trung Quốc", ông Schleicher nói. "Điều quan trọng theo tôi, là kết quả này đã bác bỏ giả thuyết thường cho rằng Trung Quốc chỉ sản xuất ra kiểu học vẹt".

"Phần lớn các sinh viên này thể hiện được khả năng suy luận từ những gì họ biết và áp dụng kiến thức của họ rất sáng tạo trong những tình huống mới lạ," ông nói.

Hà Nguyễn dịch từ New York Times

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-09-diem-so-cua-thuong-hai-gay-soc-nhung-nha-giao-duc