17/11/10

Xung quanh cuộc tranh luận căn hộ của GS Ngô Bảo Châu

Ba nguyên tắc: Sẵn sàng chịu trách nhiệm, tôn trọng ý kiến trái chiều và công khai minh bạch cũng chính là ba nguyên tắc vàng để thúc đẩy phản biện xã hội phát triển, một thành phần không thể thiếu để đưa đất nước trở thành công bằng dân chủ văn minh.

Cách ứng xử của một nhà khoa học

Trong mấy ngày trước, trang blog của GS Ngô Bảo Châu (tức hòa thượng Thích Học Toán) nóng hơn bình thường, bởi những tranh luận xung quanh chủ đề GS Châu được nhà nước cấp cho sử dụng nhà công vụ trị giá khoảng 600.000 USD.

Tất nhiên đã là tranh luận thì thế nào cũng có hai phe, ủng hộ và phản đối. Nhưng trong bài viết này tôi không muốn nói về chuyện anh Châu có xứng đáng nhận căn hộ đó không vì ý kiến như thế đã quá nhiều trên blog của anh rồi. Tôi muốn nói đến một khía cạnh khác của cuộc tranh luận này, đó là cách ứng xử của anh Châu.

Trước hết tôi xin được thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình với cách anh Châu đã công khai cuộc tranh luận này. Là một người nổi tiếng, tất nhiên anh hiểu việc Nhà nước phân nhà cho mình sẽ được nhiều người quan tâm và dĩ nhiên sẽ có nhiều ý kiến trái ngược.

Trong trường hợp này, thông thường để không phải hứng chịu thêm nhiều lời nghịch nhĩ, mọi người sẽ chọn phương châm "im lặng là vàng", hoặc thậm chí coi như không nghe không biết.

Nhưng có lẽ cách này không phù hợp với một con người vốn quen làm khoa học, vốn quen với những khái niệm đúng sai một cách rõ ràng như anh, vì vậy chọn cách công khai tranh luận là một lựa chọn tất yếu.

Việc làm này không chỉ giúp anh giữ được hình ảnh của một nhà khoa học giản dị nhưng thẳng thắn, mà còn cho thấy anh sẵn sàng đối mặt với dư luận để chứng minh những việc mình làm là đúng và có lý do.

Mặt khác, anh cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của một người đã nhận được sự ủy thác của nhân dân (nhà công vụ tức là lấy nguồn từ thuế của nhân dân), thì phải sẵn sàng trả lời những thắc mắc của người dân.

Thứ nữa, không chỉ dũng cảm đưa vấn đề ra tranh luận, mà cách anh nêu vấn đề càng làm tôi cảm phục. Thông thường, tôi thấy khi tranh luận trên mặt báo, mọi người thường tập trung vào lý lẽ của mình, nên ít khi nêu đầy đủ những luận điểm của người cùng tranh luận. Đôi khi họ có trích dẫn ý kiến của đối thủ nhưng cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ thêm những ý kiến của chính mình.

Nhưng với GS Ngô Bảo Châu, anh chọn cách đăng nguyên văn lời chỉ trích của bạn Lucio (người cho rằng GS không xứng đáng nhận nhà) ngay trên đầu bài tranh luận, điều đó thể hiện sự tôn trọng với những người bất đồng quan điểm, một nguyên tắc căn bản để cuộc tranh luận không đi vào hướng ngụy biện, chỉ trích cá nhân.

Chỉ thành công nếu công bằng và minh bạch

Cuối cùng, tôi tin rằng điều anh Châu tìm kiếm không phải là những lời hô hào ủng hộ anh một cách sáo rỗng hoặc cảm tính, mà phải là những lời phản biện công tâm, chính xác và có lý lẽ. Là một nhà khoa học, hơn ai hết anh Châu hiểu rằng một cuộc tranh luận chỉ thành công khi có sự công bằng và minh bạch.

Là một nhà khoa học, hơn ai hết anh Châu hiểu rằng một cuộc tranh luận chỉ thành công khi có sự công bằng và minh bạch.

Chính vì thế thay cho việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng lên blog, anh đã để nó thành một cuộc tranh luận mở, tất cả mọi người đều có thể tham gia, mọi ý kiến đều được tôn trọng. Chính việc từ bỏ lợi thế "blog nhà" đã giúp mọi người thoải mái thể hiện quan điểm của họ với anh và giúp anh có được những nhận xét chân tình, những luồng dư luận quý giá.

Chính vì thế thay cho việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng lên blog, anh đã để nó thành một cuộc tranh luận mở, tất cả mọi người đều có thể tham gia, mọi ý kiến đều được tôn trọng. Chính việc từ bỏ lợi thế "blog nhà" đã giúp mọi người thoải mái thể hiện quan điểm của họ với anh và giúp anh có được những nhận xét chân tình, những luồng dư luận quý giá.

Hôm nay quay lại, thấy cuộc tranh luận đã được GS Châu khép lại với câu kết luận ai đúng ai sai vẫn còn dang dở. Nhưng với riêng cá nhân tôi, qua cuộc tranh luận này mọi người đều được. Cái được thứ nhất là mọi người đều được thể hiện quan điểm cá nhân của mình, được tôn trọng.

Cái được thứ hai là mọi người hiểu nhau hơn, đặc biệt với anh Châu, anh có dịp để hiểu mọi người hơn và mọi người cũng hiểu rõ về anh hơn.

Những gì nêu trên là thể hiện quan điểm cá nhân tôi về một chủ đề cụ thể trên blog của một người cụ thể. Nhưng nhìn rộng ra, thiết nghĩ nếu việc Nhà nước tặng nhà cho GS Châu là một cách chứng minh rằng Chính phủ đang muốn thu hút và trọng dụng người tài, thì việc học tập theo cách làm đầy khoa học và trách nhiệm của GS Châu trong việc ứng xử với những thắc mắc của người dân, với dư luận xã hội chính là một hành động thiết thực nhất.

Ba nguyên tắc: Sẵn sàng chịu trách nhiệm, tôn trọng ý kiến trái chiều và công khai minh bạch cũng chính là ba nguyên tắc vàng để thúc đẩy phản biện xã hội phát triển, một thành phần không thể thiếu để đưa đất nước trở thành công bằng dân chủ văn minh.

Nếu làm được những điều trên, Nhà nước sẽ một lần nữa lại ghi điểm trong việc thể hiện quyết tâm trọng dụng người tài nói chung và GS Ngô Bảo Châu nói riêng, đồng thời làm cho việc trao nhà cho GS Ngô Bảo Châu càng thêm ý nghĩa.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-16-xung-quanh-cuoc-tranh-luan-can-ho-cua-gs-ngo-bao-chau