9/1/10

'Cơ chế lương lãnh đạo tập đoàn không quá bất hợp lý'

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2010/01/3BA177C2/

"Chi phí tiền lương được quy định rất chặt chẽ, không ai hưởng cao hơn được đâu, có cho cả đống tiền anh quản lý cũng không dám ăn", Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi trao đổi với VnExpress.net.

- Thưa ông, sau báo cáo của Kiểm toán nhà nước về lương của lãnh đạo SCIC có rất nhiều ý kiến trái chiều về cơ chế trả lương cho lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay?

- Tôi chưa tiếp cận tài liệu của kiểm toán, nên chưa hiểu cách làm nghiệp vụ tiền lương ở đấy. Để kiểm toán được anh phải hiểu đúng về tiền lương và thế nào là giới hạn quyền quản lý của nhà nước và quyền quản lý của doanh nghiệp. Jestar Pacific là công ty cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương do họ quyết định. Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, số hoạt động 4.000-5.000, bây giờ chỉ đưa ra anh Jestar Pacific, rồi bảo so sánh lương tổng giám đốc là không ổn.

Mặt khác, theo cơ chế hiện nay, chi phí tiền lương được quy định rất chặt chẽ, không ai hưởng cao hơn được đâu, có cho cả đống tiền anh quản lý cũng không dám "ăn". Cái cần quan tâm là khoản chi hoạt động cho thành viên hội đồng quản trị ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào. Và phải xem cán bộ quản lý có "ăn" vào chi phí sản xuất không. Nếu tiết kiệm được chi phí sản xuất thì bằng mấy quỹ lương vì quỹ lương chỉ chiếm 5-7%, cùng lắm là 10% chi phí sản xuất.

- Ông đánh giá thế nào về cơ chế trả lương cho lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay?

- Cơ chế hiện nay cơ bản là được, không quá bất hợp lý. Vì vẫn lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm đầu, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn để quản lý việc chi trả này. Nếu anh lỗ một năm thì thế này, hai năm sẽ mất chức. Còn lãi thì không phải anh được ăn cả. Cái chưa được hiện nay là lối chia lương theo kiểu cào bằng bình quân nên không trở thành động lực cho lãnh đạo doanh nghiệp. Bây giờ người ta tạo ra 10 đồng lợi nhuận, không cho một đồng thì làm sao có cơ chế khuyến khích.

Phải phân biệt lao động quản lý là lao động ứng trước, định hướng sản xuất, công nghệ, mặt hàng, thị trường... và quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn lao động trực tiếp chỉ thực hiện theo đúng ý đồ đó, làm trọn nhiệm vụ. Nếu lãnh đạo định hướng sai thì dù công nhân có tận tâm tận lực bao nhiêu càng lỗ to bấy nhiêu. Cho nên phải chăm lo cho lao động quản lý, tạo ra một đội quân thật giỏi. Người ta bảo một người lo bằng kho người làm là ở chỗ đó.

- Mới đây, Bộ Lao động lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định tiền lương đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của nhà nước. Theo đó, nếu tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của công ty tăng thì tiền lương bình quân của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc tối đa không vượt quá 8-10 lần tiền lương bình quân của lao động. Ông nhìn nhận thế nào về cơ chế trả lương này?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi: "Cái cần quan tâm là cán bộ quản lý có ăn vào chi phí sản xuất không?". Ảnh: Hồng Khánh.

- Đó là cơ chế phân phối tiền lương và có cái gì đó bất bình đẳng. Một lao động chẳng phải đào tạo gì nhiều, chỉ hướng dẫn vài ngày là làm được, trong khi một người để đảm đương vị trí kia họ phải được đào tạo, phải có kinh nghiệm trong bao nhiêu năm, mà lương chỉ cao hơn vài lần thì còn ai làm. Họ sẽ chạy ra làm cho nước ngoài.

Các giám đốc làm cho công ty nước ngoài ngoài lương cao, không có thu nhập nào khác. Cơ chế tài chính của họ quản lý sở hữu rất chặt chẽ, không có chuyện anh lấy tiền của tôi, thương hiệu của tôi để làm giàu cho cá nhân. Nhưng anh làm tốt thì tôi sẽ đối xử với anh tốt, khoảng cách lương của người quản lý với lao động lên tới hàng trăm lần. Thử xem nước phát triển như Singapore, lương nhiều quản lý lên tới 6-10 triệu USD một tháng.

- Vậy theo ông, để thu hút người tài, cơ chế tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nên như thế nào?

- Lương phải trả hợp lý, khuyến khích và thực sự là động lực để họ bỏ hết tài năng, trí tuệ cho công việc của mình. Cụ thể phải trả lương cao, nâng khoảng cách chênh lệch với lương bình quân của lao động, vì đó là xu thế của tất cả các nước, đâu phải chỉ Việt Nam. Việt Nam mình bao nhiêu năm làm theo kiểu cào bằng. Chúng ta chăm lo đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng cũng phải đòi hỏi họ thật sự tận tâm tận lực, phải kiểm soát phương thức quản trị làm sao để họ tiết kiệm chi phí sản xuất, không lợi dụng quản lý vốn, vị trí, thương hiệu và toàn bộ ưu thế của mình để làm giàu cho cá nhân.

Cái này hiện nay chưa làm được nên lao động mới bất bình. Trong khi doanh nghiệp tư nhân, tôi bổ nhiệm anh làm giám đốc, nếu anh không có năng lực thì không dám làm. Nhưng doanh nghiệp nhà nước thì khác, mong được bổ nhiệm làm lãnh đạo, vì không phải vất vả, lo lắng tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất, tạo lợi nhuận. Doanh nghiệp nhà nước nhiều thứ có từ bao nhiêu năm nay rồi, vấn đề là ai được làm, chứ không phải ai làm được.

- Tại hội nghị phòng chống tham nhũng mới đây, có ý kiến cho rằng cần tăng lương cho cán bộ công chức, người làm ở các đơn vị sự nghiệp để chống tham nhũng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Lương chỉ là một biện pháp. Đúng là phải trả cho người ta đúng, hợp lý, đủ cao để hạn chế tham nhũng. Nhưng quan trọng là cần có cơ chế kiểm soát về tài sản để họ không thể tham nhũng được. Thứ nữa là phải có cơ chế xử lý nghiêm để khi tham nhũng thì bị phát hiện và đã phát hiện được thì bị xử lý. Thực tế hiện nay có nơi trả lương cao nhưng người ta vẫn tham nhũng.

Còn nói về lương công chức, viên chức trong khu vực hành chính sự nghiệp, cho đến bây giờ chỉ còn cán bộ công chức hành chính quản lý nhà nước, cộng với đảng, mặt trận, đoàn thể là lương thấp. Giáo dục đã có phụ cấp ưu đãi ngành, vừa rồi đưa vào luật phụ cấp thâm niên. Cán bộ y tế, chỉ có phụ cấp ưu đãi, nhưng vẫn đi sau giáo dục và không có phụ cấp thâm niên. Tại sao vậy, xem lao động của y tế với lao động nhà giáo ai vất vả hơn? Tôi không phủ nhận chăm lo cho ngành giáo dục là quan trọng vì từ cổ chí kim ai cũng coi trọng giáo dục. Nhưng vấn đề là phải gắn với chất lượng, hiệu quả. Vế thứ hai ta chưa làm được.

Theo tôi chính sách lương phải hợp lý, tức là đối với cán bộ công chức phải cao hơn mức bình quân của doanh nghiệp, nhưng họ cũng phải làm như doanh nghiệp, tức là phải tạo ra hiệu quả. Muốn vậy phải xem lại đội ngũ cán bộ công chức người nào làm tốt, người nào không đảm bảo yêu cầu công việc.

- Vậy ông đánh giá thế nào về mức lương cho đội ngũ cán bộ công chức hiện nay?

- Nếu đánh giá thì vừa chưa được, vừa quá được. Chưa được với người tận tâm tận lực làm việc vì đất nước. Nhưng lại quá cao với người chỉ có chân trong cơ quan, mà không đảm bảo về chất lượng, yêu cầu công việc. Trước Quốc hội, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về việc một phần ba cán bộ công chức làm việc tốt, một phần ba thực hiện theo ý đồ chỉ đâu đánh đấy, một phần ba còn lại có cho thêm đông vui, nhưng nhiều lúc gây rắc rối phiền phức.

- Nếu được giao trách nhiệm hoạch định chính sách tiền lương, ông sẽ có những thay đổi gì?

- Nếu cho tôi làm thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống thang bảng lương của khu vực nhà nước. Lương chức vụ là lương chức vụ, lương chuyên môn là lương chuyên môn, không phải vừa có lương, vừa có phụ cấp. Mức lương phải cụ thể chứ không phải hệ số. Quản lý hệ số khi trượt giá quá nhiều, tiền lương thay đổi liên tục. Còn bây giờ đã đi vào ổn định thì phải để hệ thống thang bảng lương ổn định.

Ngoài ra, khu vực nhà nước lương còn nhiều điểm bất hợp lý, như trả theo kiểu già cả lên lão làng, yếu tố thâm niên nhiều quá. Lương trả không theo công việc và chức vụ, đã lên chức rồi khi thôi chức lương vẫn thế, không giảm. Đặc biệt là cách trả theo kiểu cào bằng, người làm tốt, người làm xấu như nhau, cứ đến thời hạn là lên.

Hồng Khánh thực hiện