31/5/08

Hà Nội có tương lai không?

(copy từ blog của GẤU XẤU XÍ - xin phép đặt cái tên cho entry trên blog của tớ nha!)

Nếu bạn không quan tâm đến vấn đề này . . .

Entry thứ I: ĐÔ THỊ HÓA VÀ PHÁT TRIỂN: PHI LỘ

1. Trước hết bàn qua về phát triển.

Nhiều nhà nghiên cứu phát triển luôn đặt câu hỏi đi tìm một mô hình phát triển phù hợp cho các nước nghèo đói và chậm phát triển. Kể từ khi kết thúc chiến tranh Thế giới II, hàng loạt quốc gia thuộc địa giành được độc lập và bắt tay vào thời kỳ tự chủ, đồng nghĩa với tự quyết định con đường phát triển của chính mình. Khi đó, khoảng thập niên 1950 trở đi, thuật ngữ "phát triển" chiếm vị trí số một trong mọi diễn đàn thảo luận của những người nghiên cứu cũng như thực hành về khoa học xã hội và kinh tế chính trị. Mô hình nào có thể học tập và theo đuổi? Người ta nhìn ngay đến phương Tây - thế giới giàu có ở phía Bắc bán cầu và xem đó như là hình mẫu cần vươn tới.

Mô hình phương Tây chiếm vị trí độc tôn trong các thuyết phát triển bấy giờ, nhưng điều trớ trêu là sau vài thập niên, mô hình này tỏ ra không hiệu quả và người ta phản biện nó tập trung chủ yếu ở góc độ "tăng trưởng kinh tế”, “con người” vẫn không phát triển. Hơn thế, chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, hàng loạt quốc gia đang phát triển đã thất bại và khủng hoảng, tiếp tục lệ thuộc phương Tây dưới nhiều hình thức khác nhau.


Hệ thống xã hội chủ nghĩa, như một đối trọng với phương Tây, với sự ra đời của các nước thế giới thứ 2, cũng sụp đổ sau một giai đoạn chạy đua duy ý chí vào phát triển công nghiệp nặng và thiết lập chế độ tập trung bao cấp làm trì trệ toàn bộ nền sản xuất. Một số quốc gia XHCN cũ gia nhập vào thế giới thứ nhất còn lại là thế giới thứ 3.


Người ta buộc phải nhìn nhận lại quan niệm về "phát triển" và kể từ nửa cuối thập niên 1960 trở đi, nội hàm của phát triển đã chuyển trọng tâm sang hướng "con người", con người phải phát triển (không phải bị động to be developed mà là chủ động develop themself), với khả năng tự chủ trong kiểm soát môi trường và cuộc sống của họ, với những cơ hội đạt đến những giá trị nâng cao mà họ mong muốn.


Học thuyết Truyền thông Phát triển ra đời trong hoàn cảnh này. Mở đầu là Daniel Lerner, Wilbur Schramm, cho đến hàng loạt các nhà nghiên cứu đã bắt đầu coi truyền thông là đòn bẩy của sự phát triển. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này sau.


Vậy phương Tây đã phát triển như thế nào?

Đến tận thế kỷ 18, các nước Tây Âu vẫn trong tình trạng nghèo khó. Chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, với sự ra đời của hàng loạt công xưởng sản xuất hiện đại, phương Tây chính thức bắt đầu vào công cuộc công nghiệp hóa. Công nghiệp phát triển nảy sinh đô thị hóa, thương mại dịch vụ và tài chính. Thế giới phương Tây dần dần tiến đến giàu có, thịnh vượng và văn minh.

Nó khởi nguồn từ thời kỳ công nghiệp hóa ở châu Âu thế kỷ 18, mà Anh Quốc là nước đi đầu. Các nước phát triển phương Tây đều đi theo mô hình công nghiệp hóa - đô thị hóa - thương mại hóa - hiện đại hóa và dần dần dẫn đến thịnh vượng, giàu có. Cộng thêm vào đó là một quá trình khai thác thuộc địa và buôn bán vũ khí trong chiến tranh. Cũng có một số trường hợp, ở quy mô cộng đồng nhỏ, thương mại hóa phát triển trước khi công nghiệp hóa, khi đó đô thị hóa lại có trước công nghiệp hóa, cố thể xem trường hợp của Hà Lan.

Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa này cần những điều kiện "mềm" mà như nhiều người phân tích đã đề cập, trong đó phải kể đến học giả Nguyễn Gia Kiểng, đó là tự do, dân chủ và đi kèm là một nhà nước dân chủ kiểu tư sản. Đồng ý, tự do, dân chủ, người dân có quyền tự quyết và tham gia vào quá trình hoạch định sự phát triển cho chính bản thân mình. Đó là điều kiện nền tảng. Tuy nhiên, giả sử điều kiện này đạt được, thì con đường nào để phát triển là câu hỏi mà nhiều người lại bỏ qua hoặc trả lời qua quít. Ngay cả những người nêu ra mô thức mới về “phát triển” chủ yếu là nêu ra những tiêu chí, những cách tiếp cận mới về phát triển chứ không hoặc rất ít chỉ ra con đường phát triển, ở phạm vi quốc gia là đi lên giàu có thịnh vượng như thế nào?

Cho đến hiện tại, dường như chỉ có một con đường mà phương Tây đã đi qua, dù trọng tâm hay động lực chính có thể khác nhau: công nghiệp hóa, thúc đẩy sản xuất và giao thương ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, tranh thủ mọi nguồn vốn để xây dựng một xã hội phồn thịnh. Đô thị phát triển cùng lúc với con đường này. Và không có ai phủ nhận công nghiệp hóa là tiền đề, là bước khởi đầu của con đường phát triển.

Việt Nam đề ra chủ trương CNH, HĐH đất nước cũng chính là đi theo con đường này, chả có gì khác cả. Nhưng cần nhận thức rõ đó là điều kiện tiên quyết, không phải mục đích vươn tới. Chúng ta có quyền chất vấn lại mục tiêu: năm 2020 đưa VN cơ bản trở thành nước công nghiệp. Theo quan điểm cá nhân, đây là sự xót lại của tư duy duy ý chí. Điểm mấu chốt là CNH như thế nào, chắc chắn nó không giống với những gì đã diễn ra với phương Tây 2 thế kỷ trước, bởi bối cảnh và điều kiện đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta sẽ bàn về chủ đề này sau khi tập hợp các tài liệu khác.

2. Đô thị hóa là tất yếu.

Tại sao lại tất yếu: đô thị hóa ở phương diện tập trung sẽ tạo ra cơ hội phát triển về việc làm, nhà ở, thu nhập. Mặt khác, như trên đã nói, một cách tự nhiên, đô thị hình thành cùng với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa, từ đó đạt đến mục tiêu hiện đại hóa. Và từ đô thị hóa thành công, kéo theo cùng lúc sự phát triển của nông thôn theo hướng hiện đại.

Nhưng lưu ý, chúng ta đang nói đến sự phát triển quốc gia, chứ chưa bàn đến phát triển con người. Đô thị phản ánh khá rõ bộ mặt phát triển về góc độ hiện đại hóa của một quốc gia. Nhưng để đánh giá mức độ phát triển toàn diện của nó, còn phải căn cứ trên các tiêu chí khác thuộc phạm vi con người. Con người có “hiện đại hóa” hay không, không phải luôn tỉ lệ thuận và suy ra dễ dàng từ quá trình hiện đại hóa quốc gia.

Trong quá khứ, ta thấy hàng loạt đô thị trên khắp thế giới hình thành nên bởi sự trao đổi thương mại mở rộng, mà phần nhiều nhờ các lợi thế cảng biển, hoặc vị trí địa lý thuận lợi. Ở Việt Nam cũng có những ví dụ của đô thị hóa sơ khai với Hội An, phố Hiến và đương nhiên là Hà Nội - Kẻ Chợ, ra đời nhờ có buôn bán, cho dù là buôn bán tiểu thương.

Tuy nhiên, điều thú vị cần làm rõ hơn, đó là: hàng loạt đô thị già cỗi của phương Tây ra đời từ cuộc cách mạng đại công nghiệp. Ở thời điểm cuối thế kỷ 18, đầu 19, phương Tây thống lãnh nền sản xuất tư bản, cộng thêm khai thác thuộc địa, họ đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, những đô thị già này đã và đang ngừng phát triển mở rộng, trái lại xuất hiện xu hướng đô thị ngược (counter-urbanization) khi dân nội thành chuyển dần ra các vùng ngoại ô hoặc nông thôn sinh sống.

Trong khi đó, các đô thị trẻ chừng 50-60 tuổi lại sinh ra từ quá trình thương mại hóa nội địa, khu vực và toàn cầu (ngay bản thân các đô thị già cũng dần chuyển sang hướng này), cùng với đó là phát triển các ngành “công nghiệp mềm”. Đô thị hiện đại là nơi tập trung của: các trụ sở chính trị, quản lý, các trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, ngành công nghiệp giải trí, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe v.v…

Ở đây có mấy vấn đề về thuật ngữ cần làm rõ: khu vực đô thị (hay nội vùng đô thị) và trung tâm đô thị. Vùng đô thị chỉ phạm vi hành chính trực thuộc đô thị trung tâm. Tính cả diện tích này, một đô thị sẽ có độ lớn trung bình hơn 10 ngàn km2, như Nĩu Ước, Ba Lê, Luân Đôn, hay Bắc Kinh. Trung tâm đô thị, thường được gọi ví dụ như “city of Sydney” chẳng hạn, hay như ở ta gọi là các quận nội thành, thường nhỏ hơn rất nhiều, vài trăm km2.

Điều trớ trêu là hầu hết các đô thị lớn trên thế giới, dù hiện đại, văn minh đến đâu cũng không thoát khỏi sức ép nặng nề về dân số. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta đã bắt đầu nói đến xu thế đô thị hóa từ xa (e-urbanization) hay xã hội mạng lưới (network society). Ở đó, người dân dù sống xa các trung tâm đô thị, song họ vẫn có khả năng tiếp cận và kết nối với đời sống đô thị nhờ có thông tin và truyền thông. Ngành Truyền thông Phát triển từ góc độ đô thị cũng đề cao xu hướng này với nhận định nó góp phần giải tỏa sức ép dân cư tập trung quá đông vào một đầu mối. Theo đó, dân đô thị được hình dung là: ngủ ở ngoài (ngoại ô), làm việc ở trong (nội đô) hoặc ngược lại, một bộ phận ở trung tâm nhưng lại làm việc ở bên ngoài. Nếu bạn sống ở một thành phố lớn, bạn sẽ chứng kiến hàng ngày lưu lượng đi ra đi vào tấp nập như thế.

Tuy nhiên, xu hướng này mới chỉ nhìn thấy ở các nước phát triển mà đô thị và các vùng đô thị hoặc đô thị vệ tinh đã phát triển đến mức độ đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Trái lại, ở các nước đang phát triển, người dân vẫn có xu hướng đổ dồn về đô thị trung tâm, vừa kiếm việc làm, vừa sinh sống, bám chắc không rời từng tấc đất. Trong khi chính sách phát triển không hài hòa và kịp thời để tạo ra những môi trường sống tốt ở các đô thị vệ tinh hay hệ thống các hạt ven nội, khiến dân cư không muốn lựa chọn nó. Truyền thông không thể phát huy tác dụng khi những hạ tầng cơ sở chưa được thiết lập. Nói cách khác, network society không thể kết nối với tư cách một phương tiện vô hình, khi mà những kết nối hữu hình (đặc biệt là giao thông đô thị) chưa được đảm bảo.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn này. Hơn thế, một vấn đề tâm lý của người dân là muốn trở thành cư dân của đô thị thực sự. Không thể đòi hỏi người ta ngồi ở xa trung tâm để chờ đợi một sự kết nối nào đó của truyền thông và công nghệ thông tin đến với họ và thảo mãn nhu cầu của họ. Trái lại, thay vì “đô thị hóa bằng thông tin” đến người dân, thì ở một phương diện khác, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình, trước nay vẫn bị đổ lỗi là đã vẽ ra bức tranh sáng lạn và cực kỳ hấp dẫn bởi sự phồn vinh hào nhoáng, khiến cho dân cư nông thôn hầu như không ai không nuôi hy vọng tiến về thành phố. Và họ đã tiến công một cách ồ ạt, một khi không có chính sách phát triển hài hòa và một chiến lược đúng đắn.

Cho nên, để ngăn chặn cuộc tiến công này, đô thị buộc phải tấn công ngược lại: mở rộng chính bản thân nó để giải quyết tình trạng quá tải và tạo điều kiện cho phát triển.

Đó cũng là vấn đề của Hà Nội hiện nay. Chúng ta sẽ đề cập đến trong entry sau!


Entry thứ II: MỞ RỘNG HÀ NỘI: QUAN ĐIỂM

Trong entry trước, chúng ta đã khẳng định đô thị hóa là tất yếu của quá trình phát triển theo hướng hiện đại hóa, nó gắn liền với thời kỳ công nghiệp hóa. Bởi vậy, dù muốn dù không cũng không thể cưỡng lại nó. Việc chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, cho nên, có thể thấy trước, chả chóng thì chầy, việc mở rộng đô thị hiện có và xây dựng lại là điều những nhà hoạch định chính sách sẽ tiến hành.

Khác với entry trước, phân tích trên góc độ lý thuyết chung về đô thị và phát triển, entry này chủ yếu thể hiện quan điểm cá nhân.

1. Tại sao lại là Hà Nội? Chứ không phải những thành phố khác ở miền Bắc? Theo tôi bởi vì mấy lí do cơ bản sau:

- Nếu nhìn vào thực tế, chúng ta thấy, ở miền Bắc hầu như không có thành phố nào mạnh về địa thế chiến lược và tính chất trung tâm, có tiềm lực để vực dậy cả khu vực. Ngoại trừ Hà Nội. Hải Phòng gần như không có tương lai của một đô thị lớn, mà chỉ dừng lại ở chức năng một thành phố cảng.

- Căn cứ trên hiện trạng Hà Nội hiện nay thì mật độ dân số đã quá tải (vào loại cao nhất thế giới, hơn cả Trung Quốc), kéo theo là sức ép về nhà ở, giao thông, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống sa sút. Chúng ta có quyền đổ lỗi trước tiên cho chính quyền đã không quản lý đô thị một cách khoa học, từ đó dẫn đến hệ lụy là lỗi của người dân, mới và cũ, đã gần như cùng nhau làm tan nát, “vỡ vụn” (chữ này không phải của tôi) thành phố. Phải thừa nhận thực trạng đáng buồn này.

- Nhiều người lập luận rằng, nếu nhà chật trước hết anh phải sắp xếp lại ngăn nắp, chứ không phải đòi diện tích to hơn, vì anh cũng lại làm bừa bộn nó thôi. Nhận định này đúng ở vế sau, chúng ta sẽ nói về sự quản lý, nhưng không đúng ở vế trước. Với một Hà Nội quá tải không đủ sức cựa quậy, không thể tự sắp xếp được. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều giải pháp này kia, song nó vẫn manh mún và chắp vá, lộn xộn vẫn hoàn lộn xộn. Muốn sắp lại nhà, anh phải vứt đồ đạc lỉnh kỉnh ra ngoài trước, rồi mới đặt lại từng thứ được. Đồ đạc của một đô thị thì ta biết rồi, còn quẳng tạm nó đi đâu, thì phải có không gian.

- Nếu không tiến hành đô thị hóa chiến lược thì bản thân Hà Nội sẽ đô thị hóa một cách tự phát theo 2 hướng: những người ở bên trong trung tâm tự tìm cách tịnh tiến ra ngoài vì không chịu nổi sức ép và muốn có một không gian rộng hơn; những người mới nhập cư không chen chân vào trung tâm được sẽ bám trụ ở những vùng tiếp giáp. Và cứ như thế, cả 2 hướng này đều sẽ dẫn đến một tình trạng đô thị “trương phình” (urban sprawl), tiếp tục làm hỏng môi trường của cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta phản đối biến Hà Nội trở thành một “siêu đô thị” nhưng không ai dám đảm bảo là Hà Nội không tự nó phình ra thành một “siêu đô thị” như thế. Điều này thì các nước phát triển rất có kinh nghiệm. Ngay cả thành phố Hồ Chí Minh cũng ở trong tình trạng này.

- Về mặt chính trị, nhà nước Việt Nam không phải mô hình kiểu liên bang, cũng không phải theo mô hình dân chủ tư sản, mà sự can thiệp hay mức độ quản lý của chính quyền đối với một cộng đồng dân cư khá hạn chế. Đã có những nghiên cứu và thực tế rất sinh động chứng minh cho sự thật rằng: ở những nơi chính quyền ít can thiệp vào cuộc sống của người dân, thì ở đó, sự phát triển được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chúng ta vẫn quen với tâm lý vừa đổ lỗi, vừa chờ đợi trách nhiệm của các cấp quản lý. Nó gần như một câu cửa miệng của báo giới, “trách nhiệm thuộc về các cơ quan hữu quan”, vô hình trung, chúng ta đã gia tăng quyền lực cho chính quyền. Nhưng chuyện này không bàn ở đây. Đối với Việt Nam, việc xây dựng một thủ đô to rộng, đa chức năng không nằm ngoài nhận thức bảo vệ chế độ của chính quyền. Ngược lại, có thể lấy ví dụ về Canberra, thủ đô của Úc Đại Lợi chả có tiếng tăm gì sất, ngoại trừ là nơi để họp Quốc hội!

- Ở góc độ văn hóa, văn hóa Hà Nội thực thụ rất khó định nghĩa, chỉ dừng lại trong cách hiểu của cộng đồng. Nhưng kể cả nó có thực, với tư cách là cái tinh hoa được chắt lọc, thì nó đã bị mai một đi quá nhiều. Nói một cách cực đoan, chúng ta không biết chúng ta đang cố gắng giữ cái gì đây? Nhiều người đánh đồng cả văn hóa hàng rong, ca ngợi sự tiện lợi (ngồi vỉa hè, nhấp chén trà, hút điếu thuốc), phi xe máy mặc quần đùi, chạy mấy bước ra chợ mua mớ rau v.v… là những cái cần gìn giữ, như những nét đẹp của Hà Nội mà người nước ngoài cũng phải “ngạc nhiên thích thú”. Đành rằng, đẹp hay xấu là nhìn nhận cực kỳ cảm tính. Nhưng theo tôi, một quan điểm văn hóa lành mạnh, đó là bất cứ giai đoạn phát triển nào, ở cấp độ nào cũng có những nét đẹp riêng, ví dụ như: các xe thồ nườm nượm chở rau cỏ, hoa lá vào thành phố lúc trời chạng vạng sáng cũng đẹp chứ. Tuy nhiên, nó có phải là cái cần giữ gìn không lại là chuyện khác. Phải thừa nhận, văn hóa hiện tại của Hà Nội không thể thoát khỏi xu hướng “hiện đại hóa”. Quá trình này sẽ dẫn đến những tổn thương, những mất mát và trả giá. Điều quan trọng là ngồi xuống với nhau để nhận định cái gì cần giữ, cái gì cần thay đổi, chứ không nên ôm khư khư tất cả và chống lại xu hướng. Văn hóa có thuộc tính bảo thủ của nó, can thiệp vào văn hóa một cách lành mạnh là tạo ra môi trường để nó thích ứng dần, bởi văn hóa chính là sinh hoạt, nó phụ thuộc vào môi trường sống. Nếu để mặc văn hóa, đồng thời với việc không xây dựng môi trường hiện đại, văn hóa Hà Nội bị “nông thôn hóa”, giống như rất nhiều đô thị ở các nước đang phát triển khác, là nguy cơ đã hiển thị.

2. Hà Nội - mở ra hay ôm vào?

Theo dõi những trao đổi xung quanh việc mở rộng Hà Nội gần đây, có thể rút ra nhận xét chung: cùng một hiện tượng lớn lên về diện tích địa lý - hành chính của Hà Nội, nhưng có hai cách nhìn: đó là sự "mở ra" của Hà Nội về phía Tây đối lập với nó là quan điểm Hà Nội đang “ôm vào”. Điểm thú vị chính là ở chỗ này.

Nếu theo quan điểm "ôm vào", sẽ dễ dàng phản đối sự phi lý của việc mở rộng hiện nay với lí do chính là bản thân Hà Nội không quản lý nổi chính nó, ôm thêm một diện tích gấp 3-4 lần hiện có thì không thể đủ sức.

Nếu theo quan điểm “mở ra” thì ý kiến phản đối là Hà Nội không cần phải trở nên một thành phố đa chức năng, việc mở rộng sẽ khiến Hà Nội đánh mất chính mình khi bị pha loãng và kéo giãn theo chiều ngang.

Điều dễ nhận ra ở đây, đó là các ý kiến đều tuyệt đối hóa một khía cạnh, mà không nhìn thấy khía cạnh kia. Tôi không biết các nhà quy hoạch và Chính phủ nghĩ gì, có thực họ đang nghĩ như tôi nghĩ không. Cá nhân, tôi thấy đô thị hóa là quá trình bao gồm cả hai mặt “mở ra” và “ôm vào”. Với Hà Nội, việc có thêm không gian là cần thiết để chuyển bớt những “đồ đạc” lỉnh kỉnh ra bên ngoài, từ đó có cơ hội sắp xếp lại chính cái bên trong. Và theo kinh nghiệm của nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, thì khu vực bên ngoài thường được phát triển trước, thu hút dân ra khỏi trung tâm và bắt tay cải tạo nội đô. Việc mở rộng không phải hoàn toàn đáng bị quy kết là một sự tập trung đô thị về một mối. Hai mặt của vấn đề nằm ở chỗ: chính sự ôm vào này là sự giãn ra của Hà Nội.

Bởi vậy, theo những phân tích về tính tất yếu của đô thị hóa và những nhận định từ đầu tới giờ, thì việc mở rộng Hà Nội là chính xác!

Vấn đề mấu chốt là mở rộng đến đâu và như thế nào? Khi nào thì mở? Có tin được cái đề án mới thông qua không? Có hy vọng được ở chính quyền không?

Cá nhân tôi không trả lời hết được những câu hỏi này. Nhưng ở entry sau sẽ phân tích mấy điểm quan trọng!


Entry thứ III: HÀ NỘI CÓ TƯƠNG LAI KHÔNG?

magnify
Entry viết nốt cho... xong (!) nên hơi dài. Có thể bỏ qua nếu bạn không quan tâm.
1. Một cách làm ngược:
Trước tiên phải nói thẳng thắn rằng, việc thông qua Đề án mở rộng Hà Nội mới đây là một cách làm ngược. Mở rộng một đô thị trước hết là khảo sát và xây dựng các vùng đô thị xung quanh, hay các khu đô thị vệ tinh, chứ không phải mở rộng địa giới hành chính. Ý này đã có những phản biện sắc sảo, cụ thể là bài báo trên tạp chí Tia sáng mà chúng tôi mới tìm được blog của các tác giả, cho rằng Chính phủ không phân biệt được "cái sơ đẳng" là mở rộng quy hoạch vùng đô thị Hà Nội hoàn toàn khác với mở rộng địa giới hành chính. Điều này đúng, nhưng theo tôi không phải họ không phân biệt được, bằng chứng là, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói:
"Đây là Nghị quyết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính HN, chứ không phải chủ trương về quy hoạch, sắp xếp bộ máy, quy hoạch kinh tế - xã hội, điều này QH sẽ còn cho ý kiến và còn đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân" (theo VNN)


Theo đó thì Chính phủ và Quốc hội (dù sao cũng có 92% bấm nút) phân biệt được 2 khái niệm này. Ông Trọng chẳng phải là đã nhấn mạnh sự khác biệt đó sao? Tuy nhiên, phân biệt được mà vẫn làm như thế thì quả là đáng kinh ngạc.


Chưa xác định chính xác việc quy hoạch kinh tế-xã hội về tổng thể mà đã chủ trương mở rộng địa giới hành chính thì hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Nếu theo ông Trọng, thì sau này dù dân có góp ý như thế nào, cũng là góp ý trên một sự đã rồi. Giống như cho một bài toán sai bắt học sinh phải giải mà không được thay đổi dữ kiện đề bài.


Với giả sử việc mở rộng theo Đề án trình là đúng đắn và tầm nhìn của nó đến năm 2030, Quốc hội chỉ có quyền và chỉ nên quyết nghị, tới thời điểm đó, Hà Nội sẽ được mở rộng đến Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trong 30 tới là thời gian để tập trung phát triển khu vực này, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương và người dân ở đó có trách nhiệm phấn đấu vươn lên. Chứ hoàn toàn không nên sát nhập ngay lập tức và xóa sổ hoàn toàn các đơn vị hành chính này, tạo ra một sự ỷ lại của địa phương, thi đua bán đất, ăn trực nằm chờ và sản xuất cầm chừng, đi ngược lại quá trình phát triển.


Đến đây, chúng ta có quyền nghi ngờ: cái họ đang chủ trương không phải đô thị hóa như ta đang bàn từ 2 entry trước, nó là một kiểu "đô thị hóa cưỡng bức" như bài báo kia gọi tên. Dù không muốn phán đoán nội tình, ai giật giây, vì cái gì, nhưng những gì hiển thị cho thấy rõ ràng tính chính trị (hiểu theo nghĩa rộng) của chủ trương này là động cơ lớn nhất, không phải khởi xuất từ chính thực tế kinh tế - xã hội với tư cách là những động lực thúc đẩy sự phát triển đô thị.


2. Có tin được không?

Phải nói là chúng tôi không có trong tay bản Đề án đầy đủ để nghiên cứu, song căn cứ trên những thông tin từ báo chí, có thể nhận xét như sau:


- Đề án quy hoạch được xây dựng và thông qua quá vội vàng, với một thái độ thiếu cầu thị. Nó thể hiện tinh thần duy ý chí, áp đặt. Động lực và những căn cứ xây dựng đề án không rõ ràng. Vấn đề không phải là to hay nhỏ, mà là to hay nhỏ đến đâu thì hợp lý. Cái này Đề án không chỉ ra được. Riêng một Bộ Xây dựng không có khả năng đánh giá thẩm định được những yêu cầu của Hà Nội về tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, căn cứ để lập Đề án. Bộ này càng không rành về văn hóa, môi trường và con người để tính toán giải pháp đồng bộ.


- Hà Nội thực sự cần những gì để phát triển: khu công nghệ cao, khu giáo dục đại học, khu công nghiệp sản xuất chế biến, khu vực tài chính - thương mại, khu nghỉ dưỡng v.v...? Đúng là Hà Nội cần những thứ đó. Nhưng, đừng hiểu lầm là tung ra mỗi góc một thứ, ví dụ như ném lên Hòa Lạc khu công nghệ cao, ném ra Đông Anh khu công nghiệp nặng, ném xuống Mê Linh khu cụm cảng hàng không... Cốt lõi của mô hình đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh là ở mỗi đô thị vệ tinh đều hình thành những điều kiện sống tối thiểu của một không gian đô thị, cho dù mức độ có khác nhau. Ví dụ: chuyển toàn bộ sinh viên lên Hòa Lạc, thì phải xây dựng đúng một đô thị ở đó: ngoài cơ sở vật chất trường học, cũng phải có trung tâm thương mại, chợ búa, rạp chiếu phim, tụ điểm giải trí, những cơ sở nghiên cứu có liên quan, những cơ quan doanh nghiệp có thể là đầu ra cho sinh viên thực tập và làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, công viên... và hệ thống giao thông nội đô thị ấy cũng như kết nối về đô thị trung tâm. Có thể nghi ngờ, ngay việc phát triển 1 đô thị như vậy chưa chắc chúng ta đã làm được cho ra hồn, nói gì đến mở rộng với phạm vi lớn nhiều đô thị vệ tinh.


- Về mặt quản lý, quy tất cả địa giới hành chính về một mối thuộc chính quyền Hà Nội là sai lầm và không tưởng. Ví dụ một thành phố lớn như Sydney, chính quyền thành phố chỉ có tính đại diện và kết nối khi cần thiết, mà không có sự can thiệp quyền lực, nhất là ở khía cạnh quản lý phát triển toàn bộ các đô thị vệ tinh xung quanh nó như North Sydney, Liverpool, hay Campeldown. Đó là họ còn có tư duy phát triển đô thị trước chúng ta ít nhất 1 thế kỷ. Ở Việt Nam, từ trước đến nay ta chỉ có đô thị thuộc trung ương, hoặc trực thuộc tỉnh, chứ chưa hề có đô thị trực thuộc đô thị. Do đó, bản thân những khái niệm hành chính cũng buộc phải thay đổi, chưa nói đến cách thức quản lý.


- Việc nghi ngờ và mất lòng tin là có cơ sở. Hà Nội gần như không quản lý nổi cái gì, ngoài việc cấm. Ngay cả cấm cũng không thực hiện đến nơi đến chốn, bởi các quan chức cấp cao đến thấp xé rào lệnh cấm và đi đêm với dân. Dân chúng buộc phải tinh ranh và có tính gian để tồn tại. Qua đó, vấn đề nằm ở cái chính sách có đúng đắn hay không, tiếp đến là tính chính trực của đội ngũ quản lý. Điều trớ trêu là, ở ta nếu để quyền lực phân tán thì một chủ trương lớn sẽ ngay lập tức bị hiểu xiên xẹo, bóp méo, hoặc triển khai manh mún, mạnh ai nấy làm, tham nhũng tràn lan. Nhưng nếu quy về một mối quyền lực của một cấp có thẩm quyền trung gian thì ngay lập tức ông này trở nên lũng đoạn và tham nhũng còn lớn hơn, như mô hình PMU18 chẳng hạn.


- Một trong những lý do chủ yếu được đưa ra là Hà Nội hết quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư nên cần mở rộng. Nhưng ngay lập tức sát nhập Hà Tây vào mình. Hai điều này cho thấy cuộc chạy đua đất đai và kinh doanh bất động sản là động cơ số một, thêm đó là động cơ quyền lợi (nếu không sao không để cho Hà Tây quản lý các dự án này và việc quy hoạch địa giới hành chính sẽ thực hiện sau đó). Dù gì chăng nữa, thì nhìn thấy ngay là người nghèo không/rất ít có cơ hội vươn lên, khi việc mở rộng Hà Nội không đặt vấn đề trọng tâm là phát triển con người, mà vẫn chạy theo thành tích tăng trưởng kinh tế và sự hoành tráng hình thức.


3. Nhắc lại những vấn đề lý thuyết:

- Đô thị phát triển cùng với mức độ phát triển của công nghiệp hóa và thương mại hóa, nó thúc đẩy sự hình thành những khu vực đô thị thỏa mãn nhu cầu tập trung dân cư, lao động, sinh hoạt trên cơ sở cấu trúc xã hội thay đổi. Do vậy, nền tảng của việc quyết định mở rộng đô thị trước hết phải căn cứ trên đánh giá chính xác tốc độ phát triển của nền công nghiệp đang ở mức độ nào và dự đoán khả năng của nó trong tương lai ngắn hạn và dài hạn; kế đến là những thúc ép của đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu về nhân lực và nhu cầu của con người; sau đó tính đến hiện trạng và khả năng đáp ứng của đô thị hiện có, để xác định nhu cầu cần mở rộng đến đâu, bắt đầu từ cái gì, cái gì là trọng tâm, chứ không dàn hàng ngang; từ đó mới có cơ sở để xác định địa giới mở rộng.


- Về văn hóa: không thể không xem xét khía cạnh này. Văn hóa chính là con người, vừa là chủ thể quyết định vừa là đối tượng của phát triển. Lý thuyết và kinh nghiệm phát triển trên thế giới đã chứng minh rằng: giả sử lộ trình phát triển, điều kiện tự nhiên, chính trị là tương đồng, thì các quốc gia có sự phát triển khác nhau, thậm chí có nơi thành công, có nơi không, là bởi phần lớn ở phương diện khác nhau về văn hóa. Nếu so sánh Hà Nội với Sài gòn đã thấy rất khác nhau rồi. Tuy nhiên, vấn đề văn hóa không phải không có hướng giải quyết. Gìn giữ và tôn trọng sự khác biệt văn hóa không có nghĩa là tạo ranh giới giữa chúng. Nếu coi văn hóa quốc gia, dân tộc là biểu hiện cao hơn của văn hóa vùng miền, thì chả phải đã có rất nhiều thành phố trên thế giới là thành phố đa văn hóa quốc gia cùng tồn tại đó sao? Ở thời điểm 30 năm trước, thế hệ đi trước khó hình dung được văn hóa Hà Nội như bây giờ, tương tự chúng ta sẽ có quan ngại đó cho 30 năm sau là điều dễ hiểu. Bản thân văn hóa luôn có độ mở của nó, không thể tránh cho nó sự cọ xát. Ngược lại, nếu khư khư giữ lấy, chính là cách chúng ta đẩy cái khía cạnh bảo thủ của văn hóa lên cao hơn, trở thành lực cản của phát triển. Nói vậy, không có nghĩa chúng ta không làm gì cả. Theo tôi, một giải pháp quan trọng cho việc hợp tích các giá trị văn hóa khác nhau là tạo nên sự bình đẳng bằng "cơ hội". Đó là điều mà thế giới đã và đang làm và vươn tới. Nếu bạn để ý, chữ "cơ hội" luôn có mặt trong diễn văn của bất kỳ ông Tổng thống Mỹ nào, kể cả nhiều nước phát triển khác.


- Môi trường và phát triển bền vững: Cá nhân tôi không phải người nghiên cứu về phát triển bền vững, nên sẽ không bàn kỹ về chuyện này. Có nhiều người đánh đồng hay gán cho thuyết phát triển bền vững chính là lý thuyết về môi trường. Không phủ nhận trọng tâm của phát triển bền vững là môi trường, nhưng ý nghĩa của môi trường không gì khác là vì con người. Do vậy, theo tôi hiểu, sự phát triển thực sự theo đúng nghĩa của từ này, cả trên cấp độ quốc gia, cộng đồng và con người, chính là phát triển bền vững. Chứ không có một sự phát triển bền vững nào đó tồn tại bên ngoài khái niệm phát triển. Trong đó bao gồm cả việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống, những cơ hội cho con người về mọi mặt của đời sống, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt văn hóa, xuất xứ... Phát triển đô thị theo đúng nghĩa cũng là nhằm vươn tới mục tiêu này. Hơn thế, đô thị luôn là nơi tích tụ của đói nghèo, bởi vậy phải tính đến một giải pháp cho nó bằng việc tạo dựng các cơ hội một cách bình đẳng.


4. Một hình dung về Hà Nội trong tương lai:

Đến đây bạn có thể cho tôi là lý thuyết, song tôi có quyền hình dung về thành phố của mình trong tương lai chứ. Tôi vẫn mong nhìn thấy một Hà Nội đẹp đẽ và ngăn nắp. Đại thể, phía bên ngoài sẽ gồm 3-4 đô thị vệ tinh xung quanh. Có thể là đô thị Đông Anh, đô thị Thường Tín với khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu, đô thị Hòa Lạc với khu công nghệ cao và các trường đại học, đô thị Mê Linh sẽ trở thành cụm cảng hàng không và trung tâm thương mại, kéo dài tới tận Cầu Giấy. Ngoài ra, Hà Đông, Bát Tràng sẽ là những vùng sản xuất và thương mại làng nghề, bày bán các sản phẩm tinh xảo. Thanh Trì, Quảng Bá, Gia Lâm vẫn là những trung tâm rau sạch, hoa lá nhưng được quy hoạch ngăn nắp và có cơ chế phân phối tập trung về nội đô... Kèm theo là các trung tâm dịch vụ, siêu thị, giải trí, làm đẹp v.v... ở khắp mọi nơi. Và những vành đai xanh, những công viên mở. Với hệ thống giao thông hướng nội, phổ biến nhất là tàu hỏa (ngầm và nổi) và xe buýt nội thị. (Tôi chỉ hình dung được đến đó, hay tầm nhìn của mình kém quá? Tôi không biết tiến đến tận Lương Sơn, Hòa Bình để làm gì)


Tiến vào phía trong, sẽ là những khu nhà cao tầng cho dân cư sinh sống, từ Cầu Giấy, đến Lĩnh Nam, từ Thanh Xuân đến Tây Hồ. Các tòa nhà hành chính, các trụ sở doanh nghiệp lớn, trung tâm tài chính sẽ phân bố chủ yếu ở 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Các khu phố nhỏ ngăn nắp dành cho dân tiểu thương buôn bán xung quanh nội thành.


Trung tâm Hà Nội sẽ là tam giác của 3 hồ chính: Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Thiền Quang. Những khu phố dọc trung tâm sẽ không được phép mọc lên nhà cao tầng nào nữa, ngoại trừ các khách sạn đẹp hiện có và thêm một vài. Đó sẽ là khu phố của các bảo tàng, các nhà văn hóa, các quán ăn Âu - Á - Việt 3 miền, nhà hát, vũ trường, tiệm cà phê, phòng trà, các shop thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm, quần áo, các tuyến phố đi bộ và xe buýt, xe tram, khu phố Tây, trả lại không gian cho nhà thờ, đền chùa... Khu phố cổ sẽ vẫn tồn tại nhưng trở thành khu buôn bán tiểu thương, tuyệt đối không sản xuất tại chỗ mà phải thuê nhân lực và tổ chức sản xuất từ bên ngoài, tạo cơ hội việc làm cho những người nhập cư và dân nghèo v.v...


Hà Nội có thể hoành tráng ở bên ngoài như bất kỳ thành phố hiện đại nào, những trái lại, càng vào sâu bên trong càng giản dị, sâu lắng càng tốt. Nó thể hiện sự tập trung chắt lọc tinh hoa và giá trị văn hóa. Tôi sẽ sẵn sàng sống ở ngoài và làm việc ở ngoài. Chỉ về thành phố để mưu cầu một sự thư giãn, đi vũ trường để giải tỏa áp lực công việc mỗi cuối tuần, hay tận hưởng không khí qua lại của mọi người và mưu cầu những hưởng thụ tinh thần cao hơn, chứ không phải vì mưu sinh...


Bạn có thể nói tôi không tưởng. Có thể lắm. Điều trớ trêu là chúng ta có đủ cơ sở để thấy rằng, mơ ước của chúng ta là không hề có cơ sở trở thành hiện thực.


29/5/08

Ông tên là gì? Bà tên là gì?

Vào ngày sinh nhật mẹ cháu, cu Khoai nói những câu đầy đủ lần đầu. Mời cả nhà cùng nghe!
Ông tên là gì? Bà tên là gì?

28/5/08

Trông người lại ngẫm đến ta

Nguyên tắc quản lý của ĐHCT

Tuần rồi (6-10-02-2006) BGH đã đến làm việc với các cán bộ chủ chốt của 6 đơn vị trong trường (đây là cuộc gặp định kỳ hàng năm của BGH với các đơn vị). BGH sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị còn lại vào tuần tới. Tại mỗi đơn vị BGH đã nghe lãnh đạo đơn vị trình bày các hoạt động của đơn vị, định hướng sắp tới, các vướng mắc cần được tháo gỡ, các kiến nghị, và phản ảnh các việc bất cập trong cách quản lý của nhà trường, các khó khăn trong giao tiếp với các phòng ban… Ngoài ra BGH còn được lắng nghe ý kiến phát biểu tự do và trực tiếp của mọi người tham dự cuộc họp.


Với cách làm việc như trên BGH đã nắm được các thông tin cụ thể và đã trao đổi cách giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, góp ý cho các định hướng của các đơn vị, trả lời cụ thể đề nghị nào có thể giải quyết ngay, đề nghị nào cần phải có thời gian, đề nghị nào không thể giải quyết…


Nói chung là đã bàn bạc, giải quyết rất nhiều việc. Nếu nêu hết ra đây sẽ mất nhiều thời gian. Điều tôi tâm đắc là qua các buổi làm việc trong tuần qua các thành viên BGH đã nêu rõ quan điểm của mình về tầm nhìn, phương thức, nguyên tắc quản lý mà trước đây chúng ta chưa ghi ra thành văn bản chính thức để công bố rộng rãi trong trường. Tôi rất tâm đắc với các thông tin này sẽ ghi lại các quan điểm nêu trên qua bài viết này.


Nguyên tắc quản lý của BGH có thể nói tóm gọn trong 3 cụm từ: Công khai – Minh bạch – Thông suốt.


Công khai và minh bạch đi đôi với nhau. Tất cả các qui định, qui trình quản lý đều được phổ biến công khai đến mọi người. Trước khi ban hành đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong trường. Ngay cả khi đã ban hành rồi thì cũng vẫn tiếp tục theo dõi, lắng nghe để xem trong quá trình thực hiện các quí định, qui trình có sai sót, bất hợp lý nào không… Thí dụ cụ thể nhất là việc ban hành qui chế chi tiêu nội bộ. Sau khi qui chế này được ban hành một thời gian BGH nhận thấy có nhiều điểm cần phải sửa chữa cho phù hợp hơn. Hiện nay đang trong quá trình chỉnh sửa lần thứ nhất. Qui chế đào tạo cũng đang được viết lại để cho việc quản lý thật sự theo cơ chế tín chỉ. Điểm rèn luyện của SV cũng được chỉnh sửa…


Khi mọi việc đều được công bố công khai thì các nguyên tắc tính toán, quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người sẽ phải hợp lý, minh bạch… nếu không thì sẽ được mọi người góp ý, phản ảnh ngay. Các qui định nhằm mục đích mang lại “ưu thế” riêng cho một cá nhân, nhóm người nào đó sẽ bị hạn chế đến mức tối đa (dĩ nhiên là không thể nào tuyệt đối được).


Khi làm việc với các đơn vị, BGH đã nghe nhiều ý kiến của cán bộ phản ảnh là gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các phòng ban như: việc thanh toán tài chính khó khăn, một số nguyên tắc quá cứng nhắc, các cán bộ phòng ban quan liêu…


Trả lời các phản ảnh này BGH đã nêu ra nguyên tắc làm việc như sau: Khi đến làm việc với các chuyên viên, nếu các chuyên viên giải quyết công việc của mình mà mình cảm thấy chưa hài lòng, hoặc chưa rõ, muốn tìm hiểu thêm thì cán bộ có quyền gặp trực tiếp trưởng phòng để được giải thích, giải quyết. Nếu trưởng phòng đã giải quyết mà cán bộ chưa hài lòng thì có thể đến gặp BGH để trình bày thắc mắc, kiến nghị của mình. Tất cả mọi người (cả cán bộ lẫn SV đều có quyền đến gặp các cấp lãnh đạo trong trường, kể cả BGH, để trình bày nguyện vọng của mình). Mặc dù hàng tuần thủ trưởng các đơn vị họp giao ban với BGH để giải quyết các công việc của trường, nhưng nếu cán bộ có các việc cụ thể cần phải phản ảnh, giải quyết thì nên phản ảnh ngay với BGH chớ không nên chờ đến cuộc họp đầu tuần.


Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc phản ảnh này BGH đã qui định các thủ trưởng đơn vị phải check email ít nhất 2 lần/ngày để ghi nhận các sự việc liên quan đến đơn vị mình quản lý và giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Riêng BGH thì luôn mở email thường xuyên (online) khi làm việc các email gởi cho BGH sẽ được nhận ngay nếu BGH đang làm việc tại văn phòng. Ngay cả khi đi công tác ngoài trường BGH cũng check email ít nhất mỗi ngày một lần.


BGH cũng đã mở địa chỉ email để ghi nhận phản ảnh của cán bộ và sinh viên ( phananhcb@ctu.edu.vn dành cho cán bộ và phananhsv@ctu.edu.vn dành cho sinh viên) và đã cử thư ký của BGH trực tiếp theo dõi hộp thư này. Các thư gởi trực tiếp vào địa chỉ này sẽ được chuyển đến những người có liên quan, và những người này có trách nhiệm trả lời và giải quyết đến nơi đến chốn.


Trường cũng đã mở diễn đàn để tất cả cán bộ và sinh viên của trường có thể tham gia trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến công việc của trường ( http://forum.ctu.edu.vn/index.php ). Đ/c Đỗ văn Xê được phân công trực tiếp theo dõi diễn đàn này để điều hành và ghi nhận các ý kiến của mọi người. Nếu cán bộ ngại không muốn trao đổi trực tiếp với lãnh đạo thì có thể nêu ý kiến của mình trên diễn đàn để mọi người cùng thảo luận. Tuy nhiên, nên lưu ý là chúng ta không thể biết được tác giả của các bài viết trên diễn đàn là ai, do đó các thắc mắc, khiếu nại trên diễn đàn được xử lý như là thư nặc danh. BGH sẽ ghi nhận các thông tin, nhưng nếu người phản không nêu rõ tên họ để chịu trách nhiệm về phản ảnh của mình thì sẽ hạn chế việc giải quyết sự việc đến nơi đến chốn. Mặc dù vậy các khiếu nại, tố cáo nặc danh cũng đã giúp BGH phát hiện một số tiêu cực và đã xử lý đến nơi đến chốn. Việc phát hiện và xử lý kỷ luật các sinh viên nhờ thi hộ và sinh viên thi hộ là thí dụ về hiệu quả của các thư nặc danh.


Ngoài ra chúng ta cũng nên lưu ý là bất kỳ ai vào được internet (kể cả ở nước ngoài) thì đều có thể đọc được các bài viết trên diễn đàn. Vì vậy các vấn đề bất cập có tính chất nội bộ thì không nên đưa lên diễn đàn, vì làm như thế những người ở ngoài không nắm được vấn đề sẽ có cái nhìn không đúng về trường chúng ta. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta sợ “vạch áo cho người xem lưng”, mà là chúng ta giải quyết công việc sao cho hiệu quả nhất. Nếu xét về thời gian và hiệu quả giải quyết sự việc thì mức độ của nó giảm dần theo thứ tự của các giải pháp từ (1) gặp trực tiếp, (2) phản ảnh qua email, (3) thảo luận trên diễn đàn. Tuy nhiên, “mức độ an toàn” đối với người phản ảnh đi theo chiều ngược lại Razz. Nếu ai cảm thấy cần thiết phải đưa phản ảnh của mình lên trên diễn đàn thì BGH cũng không cấm. Thực tế hoạt động của diễn đàn trong hơn một năm qua cho thấy, bên cạnh các phản ảnh tích cực cũng có không ít các phản ảnh cung cấp các thông tin không chính xác hoặc “lái” thông tin theo chiều hướng có lợi cho riêng mình, hoặc nhằm chỉ trích những người mà mình không thích (bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của những người này). Và điều lý thú là các bài viết như thế sẽ bị các thành viên khác lên tiếng phản đối mà không cần đến lãnh đạo của trường giải quyết. Do đó càng trở về sau các phản ảnh theo kiểu này càng ít dần (nếu không muốn nói là dứt hẳn).


Các giải pháp nêu trên nhằm đảm bảo tính “thông suốt” trong quản lý. Để bảo đảm tính thông suốt được thể hiện tuyệt đối BGH đã mở ngỏ để tất cả cán bộ và sinh viên có thể đến gặp BGH tại văn phòng mà không cần phải hẹn trước. Dĩ nhiên là nếu có báo trước thì BGH dễ sắp xếp và sẽ đỡ mất thời gian chờ đợi. BGH cũng khuyến khích lãnh đạo các đơn vị nên làm theo cách này.


Ngoài ra BGH còn ghi nhận có một yếu tố khác làm ảnh hưởng rất nhiều đến tính “thông suốt”, (đó là thói quen của người VN chúng ta?) (1) Khi ai nói điều gì không tốt về mình thì cảm thấy khó chịu, và có ác ý với người ta; (2) khi ai đến phản ảnh việc mình làm với thủ trưởng trực tiếp của mình thì nghĩ là người ta “mét” nên càng tức giận hơn nữa!; (3) khi người ta đến phản ảnh với cấp trên, nhất là BGH, về cách xử lý công việc của mình thì nổi nóng dữ dội và chụp ngay cho cái mủ “vượt cấp” và kỷ luật người ta. Cũng chính vì vậy mà các “cán bộ nhỏ” rất ngại phản ảnh khi không hài lòng với cách giải quyết công việc của mình, và như vậy cán bộ đó sẽ bị sẽ bị ức chế và làm việc kém hiệu quả.


Những suy nghĩ như thế này làm hạn chế dân chủ và làm giảm nghiêm trọng hiệu quả công tác quản lý. Đây là điều mà BGH nhận thấy thực sự đã xảy ra ở nhiều nơi, và kêu gọi tất cả mọi người cố gắng khắc phục. BGH sẽ không chấp nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào dựa vào “tội vượt cấp”. Mặc dù biết rằng khắc phục việc này không phải dễ, nhưng nếu không làm được thì việc quản lý của chúng ta không thể đạt được hiệu quả. Đó là cách xây dựng “văn hoá dân chủ” mà cả nước đang theo đuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói vô cùng đơn giản: “Dân chủ có nghĩa là để cho người dân được mở mồm ra nói!” (trích bài báo của Nguyễn Trung). Riêng BGH cũng hoan nghênh việc phản ảnh lên cấp trên (Bộ, Chính phủ,…) nếu cán bộ nghĩ rằng cách giải quyết của BGH không thoả đáng. Dân chủ là vấn đề luôn được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng, và Đảng cũng đã đưa việc này thành chuyên đề cụ thể là .“phát huy dân chủ cơ sở”., có ban hành qui định, qui trình tổng kết, rút kinh nghiệm… hẳn hoi. Do đó trường chúng ta cũng không thể xem nhẹ.


Tôi xin nói thêm, đến đây có thể có người lo lắng: “làm thông suốt theo kiểu này thì còn gì là kỷ cương nề nếp… mọi việc sẽ rối loạn...” Suy nghĩ này không phải là không có cơ sở. Tôi xin giải thích cho rõ. Thật ra thì khi nghe phản ảnh, BGH luôn suy xét cẩn thận, nắm đầy đủ thông tin (không nghe một chiều) rồi mới đi đến kết luận. Không ai không phạm khuyết điểm, do đó chúng ta không nên quá lo lắng khi mình “bị phản ảnh” với cấp trên. BGH không bao giờ trực tiếp giải quyết các công việc đã phân công cho cấp dưới mà không trao đổi với họ hoặc chưa nhận được ý kiến đề xuất của họ. Có rất nhiều người đến gặp tôi nhờ giải quyết các công việc thuộc phạm vi chức năng của các phòng, ban, khoa… tôi đều không giải quyết và đề nghị phải xuống làm việc với các phòng, ban, khoa đó, sau cùng nếu các bộ phận đó giải quyết mà cán bộ đó không hài lòng thì tôi mới xem xét. Do đó, theo tôi, cách tốt nhất để tránh tình trạng “vượt cấp” là thủ trưởng các đơn vị cố gắng giải quyết có tình có lý, bàn bạc dân chủ với những người có liên quan trước khi quyết định, và để cho cán bộ của mình “được mở mồm ra nói!” thì tôi tin rằng sẽ không có tình trạng “vượt cấp” xảy ra.


Tóm lại, định hướng chung của BGH là phân cấp tối đa xuống các đơn vị để cho công việc tiến triển nhanh chóng. Do đó để đảm bảo cho việc phân cấp này giúp cho các đơn vị hoạt động nhanh chóng nhưng vẫn theo định hướng chung trong toàn trường và phát huy đầy đủ dân chủ cơ sở, đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu thực hiện việc quản lý đơn vị mình theo các nguyên tắc mà BGH đã định hướng như tôi đã tổng kết.

3 điều

1- Là dân của một nước phải chấp hành pháp luật của vua nước đó (các quy định có đủ tính pháp lý). Nếu không muốn làm điều này thi có thể chọn một trong hai điều dưới đây:
2- Truất phế vua hiện tại. Nếu không làm được điều này thì chỉ có thể làm một điều dưới đây.
3. Chọn nước khác để sinh sống. Nếu không làm được điều này thì chỉ có thể làm điều 1.
(copy từ diễn đàn của Đại học Cần Thơ)

2 entries copy from Giang~!~

Học ít hơn để biết nhiều hơn

Lâu nay, tôi vẫn suy nghĩ về việc trên. Sau rốt tôi nghĩ ra thế này:

Học ít:

- Giảm tải giáo trình. Cắt bớt còn lại khoảng 1/5 là đẹp.

- Giảm lý thuyết. Nếu cần thiết có thể không dạy lý thuyết.

- Giảm tự luận khi thi cử.

Biết nhiều:

- Thực sự đọc giáo trình (thay vì mua một đống dày cộp về vứt xó)

- Biết tự học lý thuyết 1 cách tự nguyện (vì nhu cầu tìm hiểu tự thân)

- Tăng cường trí tưởng tượng và khả năng phê phán (vì tránh được lối mòn khi phải thi viết tự luận).

- Tăng cường khả năng đọc vì có thời gian để đọc sách nhảm mà không phải lo học mấy mớ kinh điển thực sự nhảm.

Tóm lại, tôi nghĩ là sinh viên sẽ giỏi hơn hẳn nếu có người tin họ và ĐỂ CHO HỌ YÊN!

Thursday March 13, 2008 - 12:43pm (ICT)

------------------------------------------
Vẫn chuyện học ít để biết nhiều

Trong một lần lên lớp tiếng Bồ với các giảng viên toán, bố tôi có hỏi tại sao trong một phương trình, khi chuyển vế lại phải đổi dấu?

Ví dụ: a + b = c +d, chuyển vế b sẽ được a = c + d – b.

Tất cả các giảng viên đều ngắc ngứ rồi tịt. “Ở VN thì thế được, chớ sang bên kia học sinh thắc mắc ngay. Không biết tại sao thì làm sao mà dạy được?” – bố tôi khoái trí (chả là cụ biết câu trả lời) (*)

Bây giờ thử đọc mấy cái câu này coi:

- Như chúng ta đều biết, chức năng cơ bản của báo chí là tuyên truyền và giáo dục. (và vì “chúng ta” đều biết cả rồi nên khỏi phải chứng minh nữa ).

- Mác cho rằng tính đảng là đỉnh cao của tính khuynh hướng. Đó còn là động lực tạo nên cảm hứng của người Viết (Đố ai dám cãi?)

- Lý luận báo chí cách mạng chỉ ra rằng thể loại báo chí hình thành trong cuộc đấu tranh giai cấp (Lý luận báo chí cách mạng là thằng nào? Còn đấu tranh giai cấp là giống gì mà đẻ ra tất cả?)

Đấy, chuyện này lạ gì. Trong ngành của tôi chuyện này đầy ra.

Những phán đoán được mặc nhiên công nhận đúng.

Những chân lý tự nó chạy vòng quanh không ai kịp tóm lại để hỏi xem nó xuất phát từ đâu,

Những định kiến hoàn toàn vô căn cứ nhưng luôn chắc như đinh đóng cột.

Cay cú tí thôi. Còn nghiêm túc mà nói, quan điểm của tôi về mọi loại lý thuyết là tính mở của nó. Người truyền đạt lý thuyết phải tránh được lối “tẩy não” đối với người tiếp thu.

Học lý thuyết sẽ không phải là học , mà là học cách đặt vào một hệ thống những điều mình đã biết và tiếp tục mở rộng hệ thống đó.

Tôi biết nhiều người thông minh đĩnh ngộ, nhưng mớ tư duy của họ đóng khung chết cứng chứ chả bao giờ vận động.

PS: Nhân chuyện này, tôi cũng xin giải thích luôn cái vụ bạn bè cứ nói tôi là loại "lá mặt lá trái". "Lần trước cãi nhau với mày, mày cãi kiểu này. Lần này thì mày lại nói ngoắt lại. Chả biết thế nào mà lần. Cãi nhau với mày bố thằng nào mà chịu được".

Chả là mỗi lúc tớ say sưa với một một kiểu lý giải, một kiểu ní nuận khác nhau mà lần nào tớ cũng đắm đuối cá chuối như lần nào cho đến khi tớ chán nó. Mấy lị, nếu 2 lần cãi lộn đưa ra 2 lý lẽ ngược nhau mà đều thuyết phục thì chả phải là rất thú sao? :D

(* Bố tôi nói rằng có một tiên đề là: nếu hai đại lượng bằng nhau thì vẫn cứ bằng nhau nếu thêm vào hoặc bớt đi cùng 1 lượng. Vì thế, chuyển vế tức là cùng trừ đi số hạng đó, cho nên sẽ đổi dấu. Dễ ợt!)

Saturday March 15, 2008 - 02:23pm (ICT)

Next Post: Bà chị dâu 10 điểm

24/5/08

Giáo dục VN: Nguy cơ tụt hậu ngay khi ra trường

tuanvietnamnet.vn

Ở nước ta, không ít người ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày họ xếp lại sách vở, thở phào nhẹ nhõm rằng tất cả kiến thức của nhân loại ta đã nắm trong tay và cứ thế mà áp dụng, không cần biết nguy cơ lạc hậu đang đứng ngay cạnh cổng trường.

Tháng 6 năm 2007, tôi (tác giả bài viết) có may mắn được tham dự bàn tròn về giáo dục với các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Lindau, một thành phố nhỏ trên hồ Constance giữa biên giới ba nước Đức, Thụy Sĩ và Áo.

Có thể nói những ý kiến được đưa ra trong buổi thảo luận bàn tròn này rất đáng được nghiền ngẫm nếu chúng ta thực sự quan tâm đến triết lý giáo dục.

Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung tôi xin phép được chia thành hai khuynh hướng.

Khuynh hướng thứ nhất: nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chãi khi ra trường.

Khuynh hướng thứ hai cho rằng nền giáo dục nên nhấn mạnh đến kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào việc làm đầy kiến thức đã có sẵn. Người cỗ vũ mạnh mẽ cho khuynh hướng này là tiến sĩ Richard J Robert, người đoạt giải Nobel Y Học năm 1992.

Chúng ta có thể hình dung quá trình giáo dục như thể một cuộc hành trình. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng người lữ hành cần được chuẩn bị đầy đủ hành lý thì mới có thể đến đích được.

Khuynh hướng thứ hai cho rằng chỉ cần hành lý gọn nhẹ thôi mà cái quan trọng là người đi cần biết được những kỹ năng giải quyết những tình huống xảy ra trên đường.

Giáo dục Việt Nam hiện tại: Khuynh hướng thứ nhất...

Không khó khăn gì để thấy một cách rất rõ ràng rằng nền giáo dục hiện thời của chúng ta là con đẻ của khuynh hướng thứ nhất.

Nó có cội nguồn lâu đời từ việc sĩ tử phải thuộc làu làu Tứ Thư, Ngũ Kinh. Những gì được thánh hiền dạy là chân lý và người học chỉ có mỗi việc hiểu và vận dụng cho hay cho đúng (chứ ít nói đến tính sáng tạo) những điều vốn được xem là chân lý phổ quát trên.

Tinh thần giáo dục ấy, trải qua hàng mấy ngàn năm, dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người kể cả những người làm công tác giáo dục lẫn những người "sống ở ngoại ô" của giáo dục. Mục đích của Nho giáo đã có mầm mống của sự bảo thủ: Khổng Tử mơ ước quay trở lại thời thịnh trị Thuấn, Nghiêu vốn là chế độ nông nô đã bị lịch sử bước qua.

Nhưng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ vào giáo dục và tự giáo dục như hiện nay thì tinh thần ấy đã không còn phù hợp nữa. Và không chỉ đến bây giờ chúng ta mới nhận thấy điều này mà ngay cả ở thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đã chua chát: "Tân Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la/ Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương, chữ nghĩa khéo là trò chơi" Bản dịch của Trúc Khê)

...Và những hệ luỵ

Có thể nhận diện một cách rất cụ thể những hệ lụy của lối giáo dục này trong thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay thông qua một số ví dụ sau.

Ví dụ thứ nhất: Vì sao học sinh của chúng ta rất kém môn lịch sử mặc dù không phải dân tộc chúng ta không có một bề dày lịch sử đáng để tự hào? Học sinh của chúng ta lười học, quay lưng lại với lịch sử dân tộc? Không đúng!

Lỗi nằm ngay ở chỗ chúng ta đã sai lầm từ đầu trong cách xây dựng chương trình sách giáo khoa. Xuất phát điểm là người viết sách muốn học sinh nhớ càng nhiều càng tốt nên sách giáo khoa quá chú trọng đến các sự kiện, ngày tháng, con số.

Nhà trường đã bắt học sinh cố nhồi nhét những kiến thức khô khan và rất dễ quên ấy vào đầu mặc dù ngay cả bản thân thầy cô cũng không mấy ai nhớ cho kỹ càng nếu không đọc bài trước khi lên lớp. Có lửa đam mê nào được thắp lên từ ngọn đuốc hào sảng của lịch sử dân tộc? Không lạ khi học sinh chỉ học đối phó, học cho xong chuyện. Bởi vậy học sinh không thể mang được những hành trang thu nhận trên lớp ra khỏi cổng trường.

Một phản ứng phụ nghiêm trọng hơn là với cách học nhồi nhét như vậy, nhà trường đã tạo nên cho học sinh một phản xạ có điều kiện vô cùng vô lý: Sợ lịch sử thậm chí ghét lịch sử. Với tâm lý đó, không khó để trả lời câu hỏi vì sao trí thức của chúng ta kém văn hóa, lịch sử và cũng không mặn mà lắm với chuyện bồi bổ lỗ hổng này.

Ví dụ thứ hai: Vì sao một tỉ lệ lớn sinh viên ngoại ngữ của chúng ta ra trường “vừa câm vừa điếc ngoại ngữ”?

Người ta đã xây dựng chương trình quá nặng nề về lý thuyết, về ngữ pháp mà không hoặc chưa chú ý thỏa đáng đến kỹ năng giao tiếp của sinh viên. Mặc dù những phòng thực hành tiếng được xây dựng lên trong nỗ lực nâng cao năng lực giao tiếp của sinh viên nhưng rõ ràng đó cũng chỉ giúp cải thiện một phần nào khiếm khuyết đã nêu mà thôi.

Trường ngoại ngữ hiện nay không tạo đủ môi trường cần thiết để sinh viên phải vận dụng những lý thuyết đã học vào thực tế, để xử lý vấn đề do thực tế đặt ra. Việc giao lưu quốc tế, một trong những yêu cầu thiết yếu của việc dạy và học ngoại ngữ, đối với một số trường gần như là xa xỉ phẩm. Chỉ có những sinh viên nào năng động, chịu khó lăn vào cuộc sống để học thì khả năng giao tiếp của họ mới phát triển.

Còn lại, những sinh viên khác, kể cả những người chăm chỉ, cần mẫn học cho xong chương trình kinh viện của trường để lấy bằng tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được nhu cầu của công việc sau này. Những hành trang mà nhà trường trang bị trong 4 năm dường như rất ít giúp ích cho họ, thậm chí đôi khi những kiến thức kinh viện ấy lại làm cản trở họ nữa là đằng khác.

Hậu quả là để nói một câu giao tiếp mà người sinh viên bị bó buộc bởi những quy tắc văn phạm, do vậy, sự lưu loát là rất khó đạt được. Không ít cơ sở sử dụng lao động phải bỏ tiền và thời gian ra đào tạo lại.

Ví dụ thứ ba: Tôi cũng đã từng tiếp xúc và quan sát các sinh viên y khoa năm cuối của Pháp và Đức. So với sinh viên Việt Nam thì kỹ năng lâm sàng của họ kém hơn nhiều.

Nhưng chỉ một năm sau khi họ vào nội trú hoặc chuyên khoa thì khả năng đối mặt với các tình huống lâm sàng của họ đã tiến bộ với một tốc độ chóng mặt.

Cùng với đó là khối lượng kiến thức của họ cũng tăng nhanh một cách đáng khâm phục. Điều đó có được là quá trình đào tạo y khoa của họ mang tính dân chủ rất cao.

Người thầy, thậm chí những người rất giỏi, vẫn không chỉ tập trung vào chuyển tải kiến thức mà quan trọng hơn họ tạo cho sinh viên cách đánh giá, phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, cách tìm tài liệu cũng như cách tự học. Đó là cách họ giúp kiến thức sách vở dần thấm vào sinh viên buộc phải giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Thẩm thấu theo cách này, kiến thức mới và cũ sẽ liên kết với nhau một cách logic và hữu cơ hơn rất nhiều cách học trả bài của chúng ta.

Một ví dụ thứ tư: Vì sao sinh viên công nghệ thông tin của Việt Nam đã lạc hậu ngay từ khi rời cổng trường đại học? Ngoài việc công nghệ thông tin có những bước tiến chóng mặt, những gì học được trước đây một năm, một tháng, thậm chí một ngày đã hoàn toàn có thể trở thành lạc hậu. Nhưng tại sao những nước tiên tiến khác, sinh viên công nghệ ra trường lại có thể bắt nhịp ngay vào môi trường công việc mới?

Đó chính là sự khác biệt của hai tinh thần triết lý giáo dục. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào kiến thức thì kiến thức sẽ nhanh chóng bị lỗi thời. Nếu chúng ta chú trọng đến kỹ năng xử lý vấn đề thì với những kiến thức cơ bản của trường đại học, sinh viên ra trường có thể nhanh chóng nắm bắt được vấn đề mới nhanh chóng hơn, giảm thiểu nguy cơ bị sốc.

Nguy cơ lạc hậu ngay khi nhận bằng tốt nghiệp

Giáo dục VN: Nguy cơ tụt hậu ngay khi ra trường
Ảnh minh hoạ
Hai cách giáo dục cũng tạo nên hai thái độ khác nhau đối với quá trình tiếp tục đào tạo sau khi rời trường. Với các nước tiên tiến, tiến sĩ cũng chỉ là giai đoạn rất khởi đầu vì người được đào tạo biết mình còn phải và biết cách hoàn chỉnh kiến thức.

Trong khi với nước ta, không ít người ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày họ xếp lại sách vở, thở phào nhẹ nhõm rằng tất cả kiến thức của nhân loại ta đã nắm trong tay và cứ thế mà áp dụng, không cần biết nguy cơ lạc hậu đang đứng ngay cạnh cổng trường.

Cũng có không ít lời ca thán từ phía sinh viên về một giáo sư khả kính nào đó là vị này vẫn rất an nhiên truyền đạt cho sinh viên những kiến thức thu nhận được từ những năm 70 của thế kỷ trước và bắt họ phải xem đó là chân lý.

Cách giáo dục kinh viện sẽ tạo nên một lữ khách ôm đồm và luống cuống với một mớ hành trang vào điểm khởi đầu và nặng nhọc lê bước trên con đường đi tới. Người lữ hành này càng lúc càng nặng nhọc và bàng quang với tất cả những sự kiện trên đường và hành lý dần dẫn rơi vãi hoặc iu thối hoặc mục ruỗng.

Cũng trên con đường ấy, lữ khách thứ hai chỉ mang trên vai một túi hành trang gọn nhẹ với những bước chân ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng càng ngày càng mạnh bạo, thoăn thoắt đầy tự tin. Đi đến đâu và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lữ khách này cũng có thể tìm cách giải quyết một vấn đề gặp phải để tiếp tục cuộc hành trình.

Trên con đường đi đến đích, có hằng hà vô số “siêu thị kiến thức” mà việc mở cánh cửa vào siêu thị này không khó hơn một cái nhấp chuột là mấy. Một người đi chợ thông minh sẽ biết chọn siêu thị nào, chọn món hàng nào thích hợp.

Nhiệm vụ của giáo dục hiện đại là tạo nên những người đi chợ thông minh như vậy. Như vậy, giữa hai lữ khách, ai vượt lên trước có lẽ không phải là câu hỏi khó. Cái khó là chúng ta có dám làm một cuộc cách mạng để thay đổi những quan điểm giáo dục cũ đã gần như trở thành máu thịt của dân tộc hay không. Khó chứ không phải không làm được bởi lịch sử đã chứng minh rằng dân tộc ta có năng lực tiếp nhận và đổi mới mạnh mẽ.

Và dù khó chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta đang bắt đầu một cuộc hành trình hội nhập trên đại lộ đi tới tương lai của toàn nhân loại. Làm khác đi hoặc chậm trễ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Trong thời đại hiện nay, tụt lại phía sau đồng nghĩa với vĩnh viễn không bao giờ bắt kịp những người đi trước.

  • Tiến sĩ Lê Minh Khôi

21/5/08

Tổng thống Nga thổ lộ ước mơ

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mơ ước được lái xe một mình, không có vệ sĩ ngồi cạnh. Ông thổ lộ như vậy khi trả lời câu hỏi của độc giả trên trang web "TT Nga vì học sinh".

Tổng thống Nga. (Pravda)
"Hiện thời, tôi không có xe riêng. Tôi đang lái xe công và có nhân viên an ninh đi kèm", người đứng đầu nước Nga nói. Tổng thống Medvedev cho hay ông không biết sẽ làm công việc gì sau khi mãn nhiệm. "Đầu tiên tôi sẽ nghỉ ngơi cho thật thoải mái".

Trả lời câu hỏi của các thanh thiếu niên, Tổng thống nói ông luôn là một học sinh ngoan dù không phải lúc nào cũng là học sinh hạng A. "Hóa học, tiếng Nga và Toán luôn là môn học mà tôi ưa thích. Tôi sẽ không nói những môn tôi không thích vì sợ các bạn sẽ bỏ nó. Các bạn có thể nghĩ rằng chả cần thiết phải học vì nó không đòi hỏi bạn phải biết khi muốn trở thành tổng thống".

Văn hóa online: Trông người mà ngẫm đến ta!

Giao diện đen "u ám" của qq.com.
TTO - Hàng loạt các website Trung Quốc đã thay đổi giao diện sang màu đen "u ám" để tưởng niệm cho các nạn nhân đã thiệt mạng trong cơn động đất kinh hoàng vừa qua.

Những banner kêu gọi chia sẻ mất mát và ngưng một vài dịch vụ giải trí trên website của mình. Cộng đồng trực tuyến Trung Quốc đã làm được điều mà chúng ta phải suy ngẫm, đó là sự đồng tâm mà ta không tìm thấy ở cộng đồng mạng Việt Nam trong tai nạn sập cầu Cần Thơ vào 9-2007.

Không một lời hô hào, không phát động phong trào đình đám, các website lớn như QQ.com, Tom.com, Sina.com.cn, 163.com... đều tự nguyện thay đổi giao diện thành màu đen cho chữ và banner trên nền trắng. Hình ảnh trong các bài viết và tin tức cũng chỉ là ảnh trắng đen không màu, cảm giác vơi đi nỗi đau thương khi xem những bức ảnh hoang tàn đổ nát, cứu hộ, tang tóc... Một không khí tang thương bao trùm các website Trung Quốc trong những ngày này đã làm cảm động tất cả những khách truy cập vào các website trên. Sự mất mát gần như được sẻ chia bởi hàng chục triệu tấm lòng trực tuyến.

Hai tai nạn với những con số thương vong khác nhau, nhưng cùng là cảnh tang thương, mất mát và chia ly từ biết bao gia đình. Người Việt chúng ta luôn tự hào là với truyền thống "lá lành đùm lá rách", sẻ chia gian khổ nhưng điều này chưa hiện diện rõ nét trong cộng đồng mạng của chúng ta.

Banner sẻ chia mất mát với gia đình nạn nhân và thông báo ngưng một vài dịch vụ giải trí trên website Chinadaily.com.cn.

Vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ được những báo điện tử Việt Nam đưa tin rầm rộ với hàng loạt ảnh đau thương, những lời kêu gọi đóng góp và các nhà hảo tâm đã có mặt. Ngoài một số ít diễn đàn tham gia kêu gọi đóng góp trợ giúp thì cộng đồng mạng gần như không tác động nào đáng kể. Vào thời điểm đó, rất nhiều blog chỉ truyền nhau những câu chuyện "nóng bỏng" hay "đại gia sắm xe mới", các diễn đàn (forum) vẫn hoạt động rôm rả, các dịch vụ giải trí trực tuyến vẫn hoạt động náo nhiệt, màu sắc vui tươi, hình ảnh xinh xắn vẫn hiện diện trên khắp các website.

Cùng một sự việc nhưng trông người mới thấy ta còn phải học tập rất nhiều, sự trái ngược và khoảng cách của đồng tâm và vô cảm là rất xa.

THANH TRỰC

20/5/08

Ai làm đúng?

Trong giờ kiểm tra môn Tiếng Việt ở Đại Học. Đề bài ra có một câu như sau “Phụ nữ không có đàn ông không là gì cả” và yêu cầu các sinh viên phải đặt dấu câu cho đúng.








Khi chấm bài giảng viên phát hiện ra tất cả các nam sinh viên đều viết: “Phụ nữ không có đàn ông, không là gì cả.”. Trong khi đó các nữ sinh viên thì lại viết: “Phụ nữ không có! Đàn ông không là gì cả.”